Xôn xao cô giáo trẻ tìm ân nhân sau 3 năm thất lạc

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Câu chuyện tìm ân nhân của cô gái trẻ tên Quyên đang tạm lắng, mới đây dân mạng lại dậy sóng với câu chuyện cô giáo trẻ người Buôn Ma Thuột tìm lại ân nhân cách đây 3 năm.

Trên trang cá nhân của mình, nữ giáo viên trẻ chia sẻ, câu chuyện ân tình đầy cảm động khi cô còn là sinh viên theo học cao học tại Hà Nội.

Vì đau bụng và trúng gió mà cô kiệt sức, trong túi cũng chỉ còn 10 nghìn đồng. Giữa lúc tưởng chừng như có thể chết giữa đường và không có ai bên cạnh giúp đỡ, cô đã gặp được một anh tài xế taxi tốt bụng. Anh tài xế không ngần ngại hỏi thăm rồi đưa cô từ Cầu Giấy về tới nhà.

Thời gian trôi qua rất nhanh, cô giáo trẻ giờ đã quay trở về với gia đình nhưng bao năm qua trong lòng cô vẫn canh cánh niềm mong mỏi được gặp lại ân nhân năm xưa, để nói một lời cảm ơn đã giúp cô khi hoạn nạn.

Xôn xao cô giáo trẻ tìm ân nhân sau 3 năm thất lạc - 1

Đoạn chia sẻ tìm lại ân nhân của cô giáo trẻ trên facebook gây bão dân mạng.

Sau đây là câu chuyện 3 năm về trước

Có lẽ, sau những lần đau đớn vật vã đã trở thành cơn ác mộng hàng tháng đối với tôi, tôi lại càng nhớ đến anh hơn. Anh – một tài xế lái taxi, người mà có lẽ đến khi chết tôi vẫn không thể quên được, đến hết cuộc đời này tôi vẫn mãi mang ơn.

Chiều nay tôi lại đau và nghĩ đến anh. Đã 3 năm trôi qua, tôi chưa bao giờ quên cái mạng sống mong manh của mình nếu buổi chiều hôm ấy không gặp được anh. Đó là vào một ngày tháng 7 năm 2011, sau khi học ở trường Sư phạm 1 ra, như thường lệ tôi lên tuyến xe buýt số 32 để về nhà. Xe vừa chạy được một quãng, tôi bỗng thấy đầu mình quay cuồng, bụng đau âm ỉ, cả người lạnh toát mồ hôi, huyết áp dần dần tụt,… tôi biết mình bệnh gì rồi, tôi biết mình không thể tiếp tục đi về bằng xe buýt.

Càng lúc cơn đau càng dữ dội, tôi thở hổn hển, có cái gì như làm cổ họng tôi nghẹn cứng lại, không thể nói ra lời... Cảm giác như tôi đang cận kề với cái chết. Lần đầu tiên tôi thật sự sợ chết, nhà tôi ở miền Nam, lẽ nào tôi có thể chết ở giữa Hà Nội này sao? Nước mắt tôi bỗng dào dạt tuôn. Tôi cố cắn răng chịu đựng cơn đau và mong đến điểm dừng xe để tôi xuống đón taxi dù trong túi chỉ còn 10k và một thẻ ATM.

Trên xe chật kín người, kín đến mức mà mọi người hình như ko thể biết được người bên cạnh mình đang như thế nào? Tôi muốn nói với ai đó làm ơn nhường cho tôi một chỗ ngồi nhưng không  thể nào thốt thành lời được, nên tôi chỉ còn cách mong cho xe dừng lại…Cứ thế cơn đau càng lúc càng khốc liệt, người tôi càng rã rời, tôi cố bám lấy mấy cái vòng tròn trên trần xe để giữ thăng bằng…

Cuối cùng xe cũng dừng, xe dừng ngay chỗ điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy. Tôi vội vã bước xuống, không còn biết trời đất là gì nữa, tôi lao qua đường như một con thiêu thân giữa dòng người tấp nập, rất may là không ai va phải tôi. Tôi đâu biết mình đang đứng ngay chỗ quay đầu xe ô tô, tôi cứ đứng đấy mà vẫy taxi. Rất nhiều taxi chạy qua, có nhiều xe không có khách nhưng vẫn không thèm dừng lại.

Tôi không hiểu sao taxi lại kỳ cục thế? Chê khách ư? Cứ như vậy, xe lần lượt đi qua mặc kệ tôi đứng đấy, cánh tay yếu ớt của tôi cũng không còn nhấc lên được nữa. Mặt tôi nhăn nhó cắt không còn giọt máu, tôi vật vã ngồi xuống đường ôm cái bụng đau âm ỉ, tôi sợ ngất ngay giữa phố phường Hà Nội.

Rồi tôi cố gắng đứng dậy, từng dòng người vẫn tấp nập đi qua mặc kệ tôi đứng đấy. Đến lúc này thì tôi bỗng ghét Hà Nội vô cùng, tôi thầm trách sao mọi người lại vô tâm đến thế? Lẽ nào tôi chết ở giữa Hà Nội này sao? Tôi sợ không thể quay về miền nam, sợ không còn gặp lại thím, rồi tôi nghĩ đến mẹ, nước mắt tôi dào dạt tuôn…

Tôi tiếp tục giơ lên cánh tay đã quá yếu ớt như chiếc lá sắp lìa cành mà vẫy xe, bỗng một chiếc taxi Mai Linh dừng lại, trước mặt tôi là một gương mặt rất thư sinh và hiền lành, anh không có vẻ gì giống với dân lái xe cả. “Sao em lại đứng chỗ nguy hiểm này? Đây là chỗ cua xe, sẽ không ai dám dừng lại cả”.

Anh lên chỗ này để quay đầu xe đi về hướng Mỹ Đình, thấy em đứng thất thểu nên anh liều mà dừng lại. Anh vừa nói vừa mở cửa xe, tôi vội bước lên rồi nằm vật vã trên ghế, giọng tôi thều thào: anh cho em về nhà nhanh lên không thì em chết mất nhưng trước tiên hãy chở em đến cây rút tiền, nếu không sẽ không có tiền trả taxi cho anh đâu, trong túi em chỉ còn 10k thôi. Anh chỉ vâng nhẹ nhàng.

Tôi nói anh tắt điều hoà đi em không chịu được đâu, nhanh lên, có dầu gió thì cho em xin. Anh luýnh quýnh hỏi lại: em đau à? Được rồi, anh sẽ tắt điều hoà và hạ kính xe xuống nhé! Không thì em sẽ ngợp chết mất.

Anh lại hỏi tôi về chỗ nào? Tôi đáp: Ba Đình, phố Cao Bá Quát. Anh bảo anh không rành Hà Nội lắm, em chỉ đường cho anh đấy nhé! Lâu lẳm rồi anh không lái xe đi các tuyến phố trên ấy, chỉ toàn ở Mỹ Đình thôi.

Vâng ạ! Tôi thều thào đáp và không quên nhắc anh nhớ dừng xe cho tôi rút tiền. Thật ra bấy giờ tôi cũng chưa biết gì về Hà Nội cả, nhưng con đường từ Sư phạm 1 về Cao Bá Quát tôi đã thuộc lòng, tôi nhớ lờ mờ dọc đường Kim Mã có vài cây rút tiền gì đấy... nói rồi tôi thở hổn hển, ôm cái bụng nằm vật vã trên xe, rên rỉ dữ dội.

Anh cuống cuồng lại hỏi: em đau lắm à? Anh đưa vào viện nhé! Tôi bảo không cần đâu, bệnh em về nhà là hết, ở ngoài đường có gió nên mới thế này thôi. Xe chạy mãi mà vẫn chưa đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh- Kim Mã, tôi bực bội nói: sao lâu thế? Anh đi nhanh lên, em mệt quá rồi...Anh đáp lại nhẹ nhàng: đang tắc đường mà em...

Cứ như thế dòng người càng lúc càng đông cứng, xe cứ chạy được đoạn thì phải dừng lại cả chục phút vì tắc đường, hết tắc đường thì gặp phải đèn đỏ....tôi càng nôn nóng vật vã bao nhiêu thì anh lại càng run run, luống cuống bấy nhiêu. Anh cứ luôn miệng đòi đưa tôi vào viện, còn tôi thì không quên nhắc anh ghé vào chỗ rút tiền.

Mãi rồi anh cũng dừng lại một chỗ đặt cây ATM, nhưng kết quả không thành vì máy ATM hư, tôi đòi đi chỗ khác. Anh bắt đầu khó chịu: đau thế này còn tiền bạc gì nữa. Tôi đáp: nhưng em chỉ còn 10k thôi, em phải rút, em còn có việc khác...Anh đáp lại: Tôi không cần tiền của em, tôi sẽ không lấy đâu. Đau ốm thế này ai còn có thể lấy tiền được nữa chứ? Việc cần làm bây giờ là đưa em vào viện. Dọc đường về gặp viện nào anh sẽ đưa em vào đấy nhé!

Tôi bảo em không sao, bệnh em không cần phải vào viện, em chỉ cần về nhà nằm nghỉ là hết thôi, rồi tôi nằm im thin thít với tiếng thở dài nhọc nhằn, không còn muốn nghĩ ngợi gì nữa....Khi rẽ vào phố Cao Bá Quát, lúc ngang qua viện Xanh-Pôn, anh chần chừ dừng lại, đòi đưa tôi vào viện. Tôi la hét ầm ĩ, dứt khoát không chịu....

Anh bảo em không vào viện, nhỡ chết thì sao? Tôi lắc đầu và nói: gần đến nhà rồi, em không vào viện đâu, em không có người thân ở đây, mọi người không có ở Hà Nội. Anh lại hỏi tiếp: em người miền Nam đúng không? Ra Hà Nội lâu chưa? Em sống cùng ai ngoài này?

Tôi trả lời: vâng ạ, em từ miền nam mới ra được một tuần, sống ở nhà chú thím. Thế chú thím đâu rồi? Đi công tác hết rồi, còn mấy đứa em về nhà bà tối mới về lại..., anh đưa em về nhà đi, em không sao thật mà.

Và cuối cùng anh cũng làm theo ý tôi, khi xe dừng lại ở trước ngõ, anh bảo tôi gọi điện thoại cho người nhà xuống dìu lên, chứ anh không dìu em lên được vì chỗ này cấm đỗ taxi. Tôi đáp: anh quên rồi à? Làm gì có ai ở nhà nhưng em tự lên được.

Anh bỗng giật mình, ừ nhỉ, anh quên mất nhưng anh không yên tâm để em về nhà một mình, ốm đau thế này nguy hiểm lắm! Anh lại bảo hay anh đưa em vào viện nhé! Tôi lắc đầu không chịu, lại còn đòi anh đưa lên Bờ Hồ rút tiền. Đồng hồ đã điểm 6h chiều. Anh bắt đầu gay gắt: Em có làm sao không? Lúc này còn đòi đi rút tiền, từ đây lên đó đang giờ cao điểm, xe đông lắm..., em lên nhà nghỉ đi, đừng nghĩ ngợi gì cả.

Dù anh có nói gì đi nữa nhưng không có tiền trả anh, tôi cũng thấy ái ngại vô cùng, tôi vội vàng nói anh cho tôi số điện thoại, lát nữa nếu em khoẻ đi rút được tiền thì phiền anh quay lại cho em gửi, hoặc khi nào đi ngang trường Sư phạm 1 thì cho em gửi, ngày nào em cũng học ở đấy cả.

Anh cho tôi số điện thoại  và lấy số của tôi rồi nói: khoảng 30 phút nữa anh gọi lại cho em, nếu em nói được thì chắc không sao, còn không nói được thì anh đến đưa em vào viện nhé! Tôi nghẹn ngào cám ơn anh và nói: anh yên tâm, em không chết được đâu mà lo rồi lảo đảo bước lên nhà vội vã mở cửa vào, rồi một mình nằm lăn lộn trên giường với tếng thở dài hổn hển trong căn phòng trống trải.

Như lời anh nói, chừng 30 phút sau anh gọi đến: em thế nào rồi? Đỡ hơn chưa? Mọi người đã về chưa? Tôi trả lời thều thào bằng cái giọng yếu ớt: em còn mệt lắm nhưng không sao anh à, bọn trẻ sắp về rồi... Anh tiếp lời: em vẫn ở nhà một mình sao? Anh thấy hối hận vô cùng, lẽ ra anh phải đưa em vào viện mới đúng, bây giờ anh đến đưa em vào viện nhé, không nhỡ có chuyện gì xảy ra thì anh áy náy lắm.

Không đâu ạ! Tôi đáp lại, em chỉ còn mệt tí nhưng đỡ hơn rồi, anh không phải lo như thế đâu, mọi người sẽ về ngay thôi... đến lúc này thì anh nói thôi được rồi, em nghỉ ngơi đi, khi nào khoẻ gọi điện cho anh biết nhé.

20h30’ bọn trẻ trở về nhà, thấy tôi nằm vật vã trên giường, mặt mày thất thần, nói giọng yếu ớt, thằng Hải hoảng hốt vội gọi điện cho mẹ nó: mẹ ơi! Chị V. làm sao ý? Chị yếu lắm, nói không ra tếng nữa.

Tôi nhắc thằng Hải chị không sao đâu, chị mệt tí thôi, em đừng có rối lên thế, để mẹ làm việc...

Thằng Hải đáp: mẹ xong vệc rồi, đang trên đường từ Hà Giang về, chị yên tâm nhé...

Ừ! Chị không sao đâu, mấy đứa nấu gì cho chị ăn đi, chị đói quá....

Vâng ạ!, Em pha mì tôm cho chị ăn đỡ nhé! Ba sắp về rồi thế nào cũng mua đồ ăn về... Và tôi kể lại câu chuyện chiều nay đi taxi mà không trả tiền, nó ngạc nhiên vô cùng! Thật à? Sao có người tốt bụng thế chứ?... Ừ, em gọi điện cảm ơn người ta giúp chị, bảo chị đã khoẻ rồi.

Hai ngày sau anh gọi điện lại cho tôi: em khỏe hẳn chưa?

- Vâng ạ! Cảm ơn anh, em khoẻ rồi ạ! Anh đang ở đâu? Khi nào cho em gửi tiền nhé! Em không biết phả trả ơn như thế nào nữa, nếu hôm đó anh không dừng lại chắc bây giờ em không còn sống để nói chuyện điện thoại với anh thế này được.

- Có gì đâu em, nếu người khác họ cũng sẽ làm như anh thôi, hôm trước em làm anh sợ quá, mà em thì không chịu vào viện.

Rồi anh cứ hỏi mãi tôi bị bệnh gì? Có hay bị như thế không? Nhưng tôi nào có dám nói ra đấy là bệnh gì, chỉ bảo rằng em bị như thế hoài, ở ngoài đường thì rất nguy hiểm nhưng về nhà thì không sao...

- Nếu thế thì em phải đi chữa bệnh đi chứ?

- Không ạ! Bệnh này bác sĩ bó tay anh ạ, họ bảo chỉ khi nào lấy chồng mới đỡ thôi! (Tôi vừa nói vừa cười)....

Rồi anh hẹn tôi, bữa nào rảnh anh mời em đi ăn trưa nhé! Em còn ở Hà Nội lâu không?

- Vâng! Em còn đi học ở đây

- Em học trường nào?

- Trường Sư phạm 1 ạ?

- Em là sinh viên à?

- Không ạ! Em đang ôn thi cao học ở đây

- Thế à! Anh cũng có cô em gái làm việc ở trong trường đấy....

Nói vậy thôi chứ từ đó đến giờ tôi chưa từng gặp lại anh lần nào, và tôi không ngờ rằng chuyến taxi anh đưa tôi về nhà là chuyến cuối cùng anh làm tài xế cho hãng Mai Linh, sau đó thì anh về sống hẳn ở Bắc Giang, anh nói thỉnh thoảng anh mới lên Hà Nội thăm em gái.

Nhưng cuộc đời nhiều khi không theo như nguyện vọng, năm ấy trước khi rời khỏi Hà Nội, tôi có gọi điện cho anh mong muốn gặp anh một lần để nói lời cảm ơn, anh bảo anh mấy ngày nữa mới lên Hà Nội được, em từ từ hãy về... tôi thấy rất buồn vì không gặp lại được ân nhân nhưng cũng phải đành chịu, ngậm ngùi về miền Nam.

Mặc dù vậy, hơn một năm đầu anh vẫn hay liên lạc với tôi chỉ để hỏi thăm sức khoẻ, anh hay động viên tôi mọi chuyện trong cuộc sống, anh nói em có bất ngờ không khi anh đã có gia đình? Nhưng anh phải nói điều này anh thật sự rất quý em, em phải cố gắng giữ gìn sức khoẻ, để còn có dịp gặp lại nhé! Thật sự thì tôi cũng hơi ngạc nhiên vì trông anh còn rẩt trẻ, gương mặt rất thư sinh, hiền lành và trắng trẻo, không có nét gì của dân lái xe cả,  anh trẻ hơn nhều so với tuổi, thậm chí tôi còn nghĩ anh ít tuổi hơn tôi cơ...và anh nói anh xấp xỉ u30.

Tôi luôn coi anh là ân nhân cứu mạng mình mà suốt đời này phải biết ơn, mỗi lần gọi điện hỏi thăm tôi, tôi lại nhắc đến chuyện cũ, anh thì xem đấy là một chuyện bình thường, anh bảo người khác cũng sẽ làm thế thôi... Sao thế được, bao nhiêu người đã làm ngơ đi qua cơ mà (tôi đáp lại)... Anh nói khi nào em ra Hà Nội thì gọi cho anh, anh hứa sẽ đưa em đi vòng quanh thành phố (miễn phí) để rõ Hà Nội hơn.

- Vâng ạ! Nhất định em phải gặp lại ân nhân của mình.

Hè năm 2012 tôi ra lại Hà Nội, có mong muốn được gặp anh nhưng không liên lạc được, rồi một thời gian sau anh lại điện hỏi thăm tôi nhưng tiếc là tôi đã rời khỏi Hà Nội....

Mấy tháng sau nữa, tôi làm mất điện thoại và không biết làm sao để liên lạc với anh, cũng không thấy anh điện gì, có lẽ cũng vô tình như tôi anh chắc đã làm mất số của tôi.

Năm 2013 cũng vào dịp hè tôi lại một lần nữa đặt chân đến thủ đô, vẫn niềm hy vọng mong được gặp lại ân nhân nhưng không thể nào liên lạc được, tôi chỉ nhớ anh có gương mặt rất thư sinh lại trông giống nhà phê bình văn học Hoài Thanh mà tôi được biết qua ảnh, tôi cũng nhớ là số điện thoại của anh rất đẹp, có rất nhiều số 9, anh tên là Trọng, nhưng không thể nhớ đầy đủ cái gì Trọng, nhưng nhớ là anh bảo tên anh nặng cả tấn, có cô em gái công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội, gia đình bên vợ ở gần Chợ Phùng Khoan, Thanh Xuân (nhà bà tôi cũng ở khu vực này nhưng không biết làm sao để tìm được anh cả, vì anh nói trước đó anh đã về sống hẳn ở Bắc Giang)...

Chỉ ngày mai nữa thôi (6/5/2014), tôi lại đặt chân một lần nữa lên mảnh đất thủ đô nhưng không biết làm sao để nói với anh rằng tôi đã ra Hà Nội, tôi chỉ mong ước một điều kỳ diệu xảy ra là những người có duyên ắt sẽ gặp lại nhau, tôi chỉ mong thế để được nói lời cảm ơn anh, chỉ mong thế thôi...".

Sau khi đăng tải, đoạn chia sẻ của cô giáo trẻ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cư dân mạng. Nhiều người chia sẻ, họ rất cảm động trước tấm lòng tốt của anh tài xế và mong rằng hai người sẽ sớm gặp lại nhau.

Nick name Hồng Hạnh chia sẻ: “Mình rất xúc động khi đọc câu chuyện của chị này. Mong rằng hai người sẽ sớm gặp lại nhau. Người tốt chắc chắn sẽ gặp lại nhau, “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”

Còn bạn Kim Thoa lên tiếng: “Xúc động quá. Hai anh chị đã chứng minh một thực tế, trên đời còn rất nhiều người tốt, họ sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn”.

Nhiều dân mạng đã chia sẻ lại câu chuyện của cô giáo trẻ, với mong muốn hi vọng điều kỳ diệu sẽ đến với cô. Mong cô sớm tìm lại được ân nhân của mình để nói lời cảm ơn chân thành nhất.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Cô gái tìm được ân nhân sau 8 năm thất lạc

Cô gái trẻ xuyên Việt bằng chiếc cup “già” 50

Cô gái Việt bé nhỏ chinh phục "đỉnh" Harvard

Cô gái treo biển "cấm đi thẳng" gây tranh cãi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chương Tương (Đời sống & pháp luật)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN