Tưởng sướng lấy được chồng giàu già như bố, không ngờ phải thế này
Tôi những tưởng Tết này đã có thể nở mày nở mặt khi cùng chồng về quê ngoại nhưng không ngờ mình lại rơi vào cảnh trớ trêu như vậy.
Ai cũng nói tôi may mắn khi lấy được một người chồng khá giả, nhà lại ở ngay phố cổ nội thành. Tuy giữa chúng tôi có sự chênh lệch về tuổi tác khi anh nhiều tuổi gần bằng bố tôi nhưng cái nhìn của xã hội giờ đã không còn khắt khe như trước.
Ảnh minh họa
Tôi sinh ra ở một vùng quê, gia đình tôi kinh tế cũng bình thường, đủ ăn đủ tiêu chứ không phải quá dư dả. Bố mẹ tôi cũng không đặt nặng chuyện lấy chồng giàu nhưng cuộc sống thực tế đã giúp tôi hiểu được, dù gì có tiền cũng vẫn hơn.
Vài năm ở Hà Nội, tôi cũng trải qua vài mối tình nhưng không đến đâu. Họ là những chàng trai trẻ và đầy nhiệt huyết tuổi thanh xuân. Chúng tôi cũng đã có những kỷ niệm đẹp bên nhau, tuy nhiên rồi cũng mỗi người một đường vì không cùng chung một suy nghĩ.
Sau đó, chẳng biết số phận run rủi thế nào tôi lại phải lòng một chàng trai gốc Hà Nội, à mà phải nói là một ông chú thì mới đúng. Anh hơn tôi gần 20 tuổi và làm việc tại gần công ty tôi.
Trước đây tôi cũng khá ngại với những mối quan hệ cùng người chênh lệch tuổi tác đến thế nhưng chẳng hiểu sao đến khi quen anh tôi lại thấy câu nói tình yêu không có tuổi tác là thật.
Anh rất chiều chuộng tôi và cũng trẻ trung nhiều hơn so với tuổi thật. Anh không ngại cùng tôi đi xem phim, đến những nơi tưởng chừng chỉ dành cho giới trẻ. Anh cũng không tiếc tiền tặng tôi những món quà mỗi khi các dịp lễ Tết đến.
Thế nhưng lấy nhau về rồi tôi mới biết sự thật không như là mơ. Nhà chồng tôi có điều kiện thật nhưng lại vô cùng tiết kiệm.
Mỗi buổi sáng cả gia đình chồng tôi đều nấu cơm ăn tại nhà. Sau đó chồng tôi sẽ mang cơm đi ăn trưa mà không đi ăn hàng. Chẳng phải anh sợ mất vệ sinh hay gì mà chỉ vì chồng tôi sợ tốn kém, nhất là nhỡ chẳng may mấy cô đồng nghiệp đi ăn cùng lại phải mời.
Đó cũng chưa là gì so với những thói quen tiết kiệm đến đáng sợ của anh và bố mẹ. Ở nhà chồng tôi, nước tắm cho trẻ con không bao giờ đổ đi mà sẽ để lại giặt quần áo, lau nhà hay rửa xe. Điện cũng phải tiết kiệm đến mức tối đa, chỉ cần quên một lúc là y như rằng cả nhà chồng tôi sẽ ra sức nhắc nhở.
Tuy nhà chồng có điều kiện nhưng mọi chi tiêu trong nhà anh đều bắt tôi ghi chép vào sổ. Ngay phần cửa ra vào là một cuốn sổ để trong tủ ghi chép mọi chi tiêu của gia đình trong ngày. Đến cuối tháng nếu chi vượt qua hay có những khoản không hợp lý, chúng tôi sẽ "họp gia đình".
Những ngày Tết đang đến gần thì mẹ tôi không may bị huyết áp lên cao đột ngột rồi đứt tĩnh mạch. Nghe mọi người báo tin mà tôi hộc tốc vào viện xem tình hình của mẹ thế nào. Tôi còn nhớ như in lúc ở trong phòng, chồng tôi hùng hồn tuyên bố sẽ lo tiền viện phí cho mẹ, ấy vậy mà vừa ra ngoài anh đã nói nhỏ với tôi vợ chồng chỉ đỡ một nửa thôi, còn đâu bố mẹ tự giải quyết.
Cũng may bệnh tình của mẹ tôi đã được giải quyết sau khi mổ. Năm nay cũng là năm đầu tôi ăn Tết xa nhà nên muốn sắm sửa Tết cho gia đình chu đáo hơn. Công ty tôi năm nay làm ăn được nên khoản thưởng Tết cũng khá, được hơn 15 triệu.
Tôi tính sẽ dành 7 triệu để biếu Tết nhà ngoại còn nhà nội thì tươm tất hơn một chút. Thế nhưng phản ứng sau đó của chồng khiến tôi thực sự sững sờ.
Anh nói lúc trước mẹ tôi ốm hai vợ chồng cũng đã có biếu tiền rồi, nay Tết đến cần gì phải biếu nữa. Vả lại anh nói người ta chỉ biếu Tết nội chứ ai Tết ngoại bao giờ. Về quê ngoại chỉ cần một gói quà gọi là có tấm lòng thôi.
Tôi nghe anh nói mà tức điên người. Chẳng hiểu sao anh lại có suy nghĩ vừa biếu mẹ tiền lúc ốm rồi thì Tết không cần phải biếu nữa. Nếu chỉ cần nội mà coi trọng ngoại thì ai là người đã sinh ra tôi?
Nghĩ đến cảnh người ta nói đẻ con gái ra, nuôi hai mấy năm rồi theo chồng mất mà tôi muốn rớt nước mắt. Tôi sẽ thế nào khi Tết đầu đi lấy chồng đã tay trắng về nhà thăm bố mẹ. Tôi là người kiếm ra tiền, chỉ là tôi không ngờ mình phải đi dấm dúi chính những đồng tiền của mình để biếu bố mẹ mà thôi.
Không phải cứ cưới chồng giàu là sướng, nếu không thể sống hạnh phúc với nhau thì tốt nhất nên buông tay.