Trào lưu “độ răng” siêu tốc của giới trẻ

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Giới trẻ đang đua nhau tìm đến bác sĩ nha khoa để mài dũa, đắp nổi răng nanh.

Bi hài công nghệ "nhân đôi" răng khểnh

Cơn sốt mài những chiếc răng nanh, nhọn hoắt không còn xa lạ với giới trẻ trên thế giới. Đặc biệt, thời gian gần đây, trào lưu này lan tỏa sang các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... và được nhiều ngôi sao ca nhạc, những nhân vật nổi tiếng hưởng ứng, khiến fan lập tức đua nhau “độ” răng như "ma cà rồng" để bày tỏ sự hâm mộ với thần tượng.

Theo Minh Hương (sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội), "độ" răng nanh không còn mới lạ. Trào lưu này thực ra là một bước tiến từ mốt đắp thêm răng khểnh để thêm phần duyên dáng từng gây "sốt" cách đây chưa lâu. Có điều, răng khểnh là khái niệm chỉ một chiếc răng "mọc hơi vô tổ chức" nhưng lại tạo nên sự duyên dáng tự nhiên cho phái đẹp.

Để gò theo quan niệm làm đẹp này, nhiều người sẵn sàng tìm đến bác sĩ nha khoa nhờ can thiệp để có "cặp đôi răng khểnh" như ý. Khách hàng tìm đến các phòng khám nha khoa có thể lựa chọn cách "độ" răng nanh bằng việc đắp răng giả tạm thời hoặc gắn vĩnh viễn vào răng. Bạn trẻ lựa chọn răng để "độ" khác nhau thì mức chi phí cũng khác nhau.

Đối với việc làm răng vĩnh viễn, các nha sĩ thường sử dụng công nghệ làm răng sứ để áp dụng cho khách hàng. Với hình thức này, những chiếc răng sứ sẽ được bác sĩ mài dũa kỳ công trước khi "trồng" cho bệnh nhân.

Minh Hương tỏ vẻ sành sỏi khi bật mí về bí quyết làm đẹp này: "Mức độ nhọn của chiếc răng khi được mài là một cách ngầm thể hiện đẳng cấp cũng như sự táo bạo của chủ nhân. Ngoài ra, một chiếc răng sứ xịn như răng sứ bằng kim loại, răng sứ bằng titan... sẽ đảm bảo độ bền cũng như màu sắc luôn sáng bóng đang là một tiêu chí để dân chơi lựa chọn...".
 
Minh Hương cho biết thêm, giá để "độ" một cặp răng nanh bằng sứ "xịn" không dưới 10 triệu đồng. Còn đối với loại sứ kém chất lượng, dù chủ nhân có ý thức giữ vệ sinh răng miệng đều đặn nhưng qua một thời gian, màu cũng sẽ bị xỉn, thậm chí ố vàng. Đối với loại răng kém chất lượng này, chủ nhân có phần mất tự nhiên, bởi luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ răng bị... mẻ khi mỗi lần thưởng thức những đồ ăn cứng.

Còn bác sĩ Thu Hằng (Khâm Thiên - Hà Nội) lại bật mí phương pháp "độ" răng nanh bằng sứ khiến nhiều bạn trẻ e ngại bởi giá thành khá "chát". Thời gian gần đây, giới trẻ đổ xô đi “độ” răng nanh bằng công nghệ siêu tốc, nghĩa là gắn răng giả tạm thời bằng chất liệu composite, vừa rẻ lại dễ dàng tháo gỡ khi không còn mặn mà với nó nữa.

Tương tự như phương pháp đắp can thiệp để sáng tạo ra những chiếc răng khểnh nhân tạo, việc "độ" răng nanh cũng được công nghệ đắp composite hỗ trợ sẽ trở nên đơn giản và mang lại hiệu quả tức thì. Đây thực chất là một loại nhựa tổng hợp đặc biệt cao cấp dùng để "chế", nặn mô phỏng những vật dụng có thực ngoài đời mà vẫn đảm bảo đồ giả giống tới 99% so với hàng nguyên bản.

Phương pháp này, hầu như không gây đau đớn, bởi chân răng không được thiết kế nằm sâu dưới lợi mà được các bác sĩ nha khoa khéo léo gắn lên trên chiếc răng thật bằng một thứ keo nha khoa chuyên dụng. Nhiều bạn trẻ tỏ ra khá hài lòng với phương pháp làm đẹp vừa nhanh gọn, lại vừa tạo hiệu quả thẩm mỹ đẹp tự nhiên về chiếc răng "vô tình" mọc không đúng hàng lối.

"Với phương pháp làm đẹp siêu tốc này, khách hàng chỉ cần bỏ ra số tiền bằng 1/10 so với cách làm răng vĩnh viễn bằng sứ và một khoảng thời gian 30 phút là đã có thể sở hữu một cặp răng "ma cà rồng" vô cùng ấn tượng", Thu Hằng cho biết.

Trào lưu “độ răng” siêu tốc của giới trẻ - 1

Cơn sốt mài những chiếc răng nanh, nhọn hoắt không còn xa lạ với giới trẻ trên thế giới (Ảnh minh họa)

Nguy cơ nhập viện tức thì

Không khỏi băn khoăn trước trào lưu làm đẹp đang “làm mưa làm gió” trong giới trẻ, chúng tôi liên hệ với bác sĩ T.D. Hùng (chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt, bệnh viện 108 - Hà Nội) để tìm hiểu thêm. Bác sĩ Hùng khẳng định: "Làm răng thẩm mỹ dù bằng hình thức nào nếu không đúng kỹ thuật thì cũng sẽ gây hại cho răng". Theo đúng nguyên tắc, việc làm răng sứ là phải mài răng đến 1mm.

Tuy nhiên, sự can thiệp vào công đoạn mài răng này sẽ gặp không ít phiền toái đối với những người mắc các bệnh về răng miệng, phần lớn phải dùng phương pháp lấy tủy sạch sẽ để răng mới trồng được đảm bảo môi trường vệ sinh tốt nhất.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng quan niệm, việc lấy tủy tức là làm chết răng, mặt khác họ không khỏi e ngại bởi sự đau đớn khi thao tác nên thường tặc lưỡi yêu cầu bác sĩ bỏ qua công đoạn này. Kết quả là nhiều nha sĩ chiều theo bệnh nhân, để được hiệu quả thẩm mỹ cao, người ta mài sâu xuống cổ răng để tạo cảm giác chân thực của chiếc răng sứ như mọc từ sâu dưới lợi lên.

Tuy nhiên, trong quá trình trồng răng, nếu không khéo léo rất dễ dẫn đến khiếm khuyết như vênh, lệch. Nếu không chỉnh lại kịp thời, các chân răng nằm trong huyệt với kết cấu lỏng lẻo sẽ trở thành ổ thức ăn thừa lưu lại và đùn lên, để lâu ngày rất dễ gây tình trạng ê buốt chân răng.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, composite thực chất là nhựa quang trùng hợp nên khi tì đè vào lợi lâu ngày có thể gây phản ứng sưng đau, viêm nhiễm. Xét về vị trí thì chiếc răng này không khớp với hàm nên thức ăn dễ bị giắt vào kẽ răng, có thể dẫn đến bệnh viêm cổ chân răng, rất nguy hiểm.

Trường hợp bệnh nhân là chị Nguyễn Thu Thủy (Trần Quốc Toản- Hà Nội) sau khi "độ" cặp răng nanh cấp tốc bằng chất liệu composite, đồng thời gắn đá cho thêm phần long lanh tại một trung tâm thẩm mỹ được khoảng nửa năm thì nhận thấy chiếc răng này "xuống cấp" nghiêm trọng khi chuyển sang màu xỉn, rồi vàng ố.

Vội vã đến bệnh viện 108 để kiểm tra, chị không khỏi tá hỏa bởi kết luận của bác sĩ: Viêm chân răng ở thể cấp, do phản ứng với chất liệu composite. Kèm theo đó là hàng loạt những triệu chứng gây đau đớn và phiền toái như: Chứng hôi miệng và chảy máu chân răng, lợi sưng đỏ khiến chị khá tốn kém trong việc tháo gỡ cũng như khắc phục hậu quả của trào lưu làm đẹp gây sốc này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Nhi (Đời sống & Pháp luật)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN