Trang Hạ: Nhiều đàn ông Việt chưa chịu trưởng thành

Tôi cũng không thấy sốc khi đàn ông phẫn nộ, phản ứng mạnh mẽ như vậy. Họ không sốc thì tôi mới sốc.

Sau ba năm, phát ngôn “Đàn ông về nhà chỉ ăn – tắm – ngủ thì khác gì con lợn” của Trang Hạ bất ngờ trở lại, gây ra một cơn sốt dư luận mạnh mẽ và cao trào như thời điểm nó mới ra đời. Đặc biệt, trong khi phái mạnh sôi sục, phẫn nộ về cách so sánh được cho là bạo miệng, cuồng ngôn ấy thì  nhà văn Trang Hạ lại bình thản coi đó là một thành công.

Chúng tôi đã gặp gỡ và nghe Trang Hạ chia sẻ nhiều hơn về quan điểm này:

Chị có bất ngờ khi phát ngôn cách đây 3 năm của chị lại gây lên một làn sóng dư luận mạnh mẽ như vậy trong những ngày qua? Cảm giác của chị thế nào?

Tôi không bất ngờ khi phát ngôn ấy khiến dư luận dậy sóng. Tôi cũng không thấy sốc khi đàn ông phẫn nộ, phản ứng mạnh mẽ như vậy. Mọi thứ đều nằm trong dự liệu của chúng tôi. Họ không sốc thì tôi mới sốc. 

Trang Hạ: Nhiều đàn ông Việt chưa chịu trưởng thành - 1 Trang Hạ bình thản trước sự phẫn nộ của phái mạnh, coi đó là thành công

Tôi chỉ ngạc nhiên là sau ba năm phát ngôn ấy vẫn gây ra hiệu ứng mạnh mẽ đến vậy. Họ quên rằng, ba năm trước họ đã từng sôi sục, phẫn nộ, lồng lộn lên khi bị ví von là “lợn”? Hay sau ba năm đã có thêm một lứa đàn ông mới lấy vợ và bây giờ là lúc họ cần lên tiếng bảo vệ bản thân?

Tôi cũng cần nói rõ, phát ngôn này không nhắm đến những em nhỏ, những cụ già, những người đàn ông biết chia sẻ việc nhà với vợ, chăm lo hạnh phúc gia đình… mà nó nhắm đến những người thích bàn tán trên mạng, những kẻ chỉ biết ra ngoài uống bia để trốn công việc nhà rồi ngụy biện rằng họ đang giao lưu để lo việc lớn.

Ba năm trước, tôi và đạo diễn Lê Hoàng cùng nhau thực hiện một chương trình truyền thông nhằm vận động mọi người ủng hộ ý tưởng đàn ông chia sẻ việc nhà với vợ. Cách làm là anh Lê Hoàng đưa ra quan điểm, tôi đáp trả. Cứ khoảng 4 ngày, một trong chúng tôi phải có một hành vi nào đó trên báo chí, mạng xã hội…

Thời điểm đó, chiến dịch truyền thông đã tạo ra một làn sóng dư luận khá lớn. Mọi người xôn xao bàn tán, tranh luận, đưa ra ý kiến cá nhân, nhìn nhận lại giá trị của mình trong gia đình. Chúng tôi mừng vì mình đã thành công.

Ba năm sau, làn sóng dư luận ấy trở lại, dù chúng tôi chẳng phải làm gì. Đó có thể coi là một thành công nữa, nhưng hóa ra, đàn ông Việt vẫn có nhiều người chưa chịu trưởng thành.

Nhưng ví von đàn ông với lợn thì liệu chị có hơi “bạo miệng”?

Những người sẵn sàng dùng lời lẽ không hay để công kích đích danh một cá nhân nào đó nhằm thỏa mãn bản thân thì mới là “bạo miệng” hay cuồng ngôn. Còn tôi, tôi chưa bao giờ dám làm điều đó.

Nhiều người nói tôi định kiến với đàn ông nên tìm cách nhục mạ họ. Đàn ông ở đây là ai? Khi ai đó thấy giật mình thì họ chính là đối tượng truyền thông của chúng tôi và cần phải thay đổi.

Sau ba năm, chị có còn giữ quan điểm đàn ông cần chia sẻ gánh nặng việc nhà với vợ và “Đàn ông về nhà chỉ ăn – tắm – ngủ thì khác gì con lợn”?

Tất nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm đó.

Trang Hạ: Nhiều đàn ông Việt chưa chịu trưởng thành - 2

Trang Hạ cho rằng, nhiều người nhầm lẫn rằng bình đẳng trong hôn nhân là sự cào bằng

Có ý kiến cho rằng, nếu đàn ông về nhà chỉ ăn – tắm – ngủ không khác gì con lợn thì người phụ nữ chỉ biết nội trợ, không giúp chồng kiếm tiền nuôi gia đình phải chăng cũng là… lợn. Chị nghĩ sao về ý kiến này?

Họ đưa ra ý kiến này là bởi họ mắc một sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng “Phụ nữ ở nhà nội trợ là ăn bám”, “Đàn ông làm việc nhà là vô tích sự”. Nếu người đàn ông đủ sức lo kinh tế cho cả gia đình và bà vợ vui vẻ ở nhà nội trợ toàn thời gian thì việc phụ nữ ở nhà nấu ăn chẳng khác gì việc đàn ông ra ngoài làm việc.

Hơn nữa, cũng rất nhiều người nhầm lẫn rằng, bình đẳng trong hôn nhân là sự cào bằng. Chồng kiếm được 10 triệu, vợ cũng phải kiếm được 10 triệu. Vợ rửa bát thì chồng phải lau nhà, nấu cơm…

Bình đẳng ở đây là sự sẻ chia về thời gian. Nếu cả hai vợ chồng đều có 8 tiếng làm việc nơi công sở thì về nhà họ hãy cùng nhau nấu ăn, trò chuyện… Trong bài phỏng vấn ba năm trước tôi có nói: Chồng, vợ hay cô ô sin làm việc nhà cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hạnh phúc gia đình. Chỉ có người đàn ông tự cho phép mình nghỉ ngơi, bù khú cùng bạn bè trong lúc vợ vất vả với những việc không tên thì hạnh phúc gia đình mới lung lay”.

Với cách so sánh này, sự phản đối không chỉ đến từ phía đàn ông mà còn đến từ phái nữ? Chị thấy sao?

Tôi không thấy sao cả. Chỉ là, có một số hạnh phúc chỉ người trong cuộc mới hiểu, còn có một số bất hạnh thì chỉ người ngoài cuộc mới biết.

Chị từng chia sẻ chồng chị thường xuyên giúp đỡ vợ làm việc nhà. Chị có bí quyết gì để chồng hiểu và san sẻ với chị như vậy?

Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ phải yêu cầu anh ấy cùng tôi làm việc nhà. Anh ấy cũng chưa bao giờ phải làm trong tư thế bị “ép buộc” hay đề nghị.

Chúng tôi nhìn nhau mà sống. Người này muốn ngủ muộn hơn một chút thì người kia dậy đưa con đi học. Chúng tôi sống để chăm sóc nhau chứ không phải để rạch ròi trách nhiệm với nhau.

Cảm ơn Trang Hạ. Chúc chị và gia đình hạnh phúc!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN