Tôi đã bị “tống cổ” ra đường
Tất cả những gì diễn ra sau đó như một cơn ác mộng.
Tôi đã đứng đó không biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ dám xuất hiện trước người phụ nữ và 2 đứa trẻ trong ngôi nhà ấy. Tôi chỉ có thể đứng nhìn họ từ xa, nghĩ về những ngày tháng cũ và tự dày vò mình…
… Không biết từ bao giờ cái nốt ruồi nơi khóe môi của bà xã bỗng khiến tôi khó chịu. Mỗi khi nhìn thấy nó, tôi lại nghĩ đến những người phụ nữ lắm lời, ăn nhiều, nói leo. Cái dáng đi hấp tấp của Hương cũng khiến tôi bực bội và liên tưởng đến dáng chạy lạch bạch của mấy chú vịt xiêm. Rồi cả cái kiểu ăn cơm hay làm dính một hạt đâu đó trên mặt trước đây tôi hay đùa “đúng là con ông ngoại” giờ cũng khiến tôi không thể nào chịu nổi khi nghĩ rằng điều đó chỉ xảy ra ở những người ăn uống lụp chụp “như đồ nhà quê”…
Nói tóm lại là giờ đây, trong mắt tôi, cả cái chiều cao 1,55m của Hương cũng trở nên “ngắn ngủn, lùn tịt”. Tôi không bao giờ ngăn mình đừng nghĩ xấu về người phụ nữ đã sống với mình 8 năm qua. Giọt nước tràn ly khi mẹ vợ tôi bảo: “Ở được thì ở, không ở được nữa thì thôi chớ đừng kiếm chuyện với nó như vậy. Hồi trước ai bắt nó phải nghỉ làm ở nhà giữ con? Giờ nó thất cơ lỡ vận lại quay ra nặng nhẹ. Con có còn là đàn ông không vậy?”.
Câu nói của mẹ vợ khiến tự ái của thằng đàn ông trong tôi bốc lên ngùn ngụt. Nếu tôi không là đàn ông thì làm sao vợ tôi có thể sinh được 2 cô công chúa như vậy? Nếu tôi không là đàn ông thì bao nhiêu năm nay làm sao bảo bọc được gia đình khi mà chỉ một mình tôi gánh vác?
Đành rằng tôi có bắt vợ phải nghỉ làm ở nhà trông con nhưng không phải vì vậy mà vợ tôi có quyền nghĩ rằng đã hi sinh tất cả vì chồng con và đòi hỏi tôi phải thủy chung như nhất. Tôi làm sao có thể cứ thẳng một đường mà đi khi xung quanh có biết bao nhiêu người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang hơn người vợ cục mịch, xấu xí, vô dụng của mình ở nhà?
“Nếu em im lặng chấp nhận thì tôi sẽ tiếp tục lo cho em và mấy đứa nhỏ; còn không thì đường ai nấy đi. Em cứ giữ lấy con, tôi sẽ cấp dưỡng”. Tôi lạnh lùng đặt tờ đơn ly hôn trước mặt Hương. Cô ấy ngồi sụp xuống ôm lấy chân tôi: “Anh đừng bỏ mẹ con em. Không có anh, em không thể sống được... Thì thôi, bây giờ anh muốn làm gì tùy ý, chỉ xin anh đừng ly dị em”.
Có nghĩa là Hương đã nhượng bộ và chấp nhận tất cả yêu cầu tôi đưa ra. Tôi bỗng thấy thương hại vợ. Thật lòng mà nói, khi một người- dù là đàn ông hay phụ nữ- bị loại ra khỏi các sinh hoạt xã hội thì họ không còn là mình nữa. Họ đã đánh mất rất nhiều thứ, trong đó có sự tự chủ và lòng tự trọng. Điều này ở Hương có một phần lỗi của tôi. Chính tôi đã ép cô ấy, không cho cô ấy có bất cứ lựa chọn nào sau khi sinh đứa con đầu lòng… Tôi đỡ Hương dậy: “Được rồi. Mọi thứ cứ giữ nguyên như vậy. Em nói thì giữ lời. Lần sau mà còn tới văn phòng làm loạn thì đừng có trách tôi”.
Tạm thời tôi đã cắt được cái đuôi của vợ để tự do đến với Nguyệt, người phụ nữ trẻ đẹp, tài năng, giàu có hiện là cộng sự của tôi ở văn phòng luật sư. Tôi thấy mình thật phi thường khi vừa có vợ con đề huề ở “hậu phương”, vừa có người tình xinh như mộng ở “tiền tuyến”. Ở đời, mấy ai làm được như vậy?
Thế nhưng niềm kiêu hãnh của tôi không kéo dài lâu. Chỉ được 1 năm. Hôm đó vợ tôi lại xuất hiện ở văn phòng luật sư, trước mặt người tình của tôi và nhiều nhân viên khác. Cô ấy nhẹ nhàng đặt lá đơn ly hôn mà tôi đã viết trước đây lên bàn: “Em đã ký rồi. Anh được tự do hoàn toàn”. Nói rồi, cô không nhìn tôi, cũng không nhìn Nguyệt mà chào các nhân viên khác rồi lầm lũi bỏ đi.
Tôi sững người. Hương dám chủ động ly hôn, đó là điều có ngủ mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ tới. Ly hôn rồi cô ấy và các con sẽ sống thế nào? Một người phụ nữ có thói quen lệ thuộc vào người khác như Hương sẽ làm được gì khi bước trở lại môi trường xã hội? Tôi không tin Hương dám làm như vậy. Có thể đây chỉ là chiêu trò để làm áp lực, đòi tôi phải thỏa mãn điều gì đó…
Chưa bao giờ tôi thấy mình nhỏ bé, thấp hèn và đáng thương như vậy… (Ảnh minh họa)
Tôi chưa kịp nghĩ thấu đáo mọi điều thì Nguyệt đã xen vào: “Chị ấy đã muốn như vậy thì anh chiều đi, chần chừ gì nữa?”. Vậy là tôi đưa đơn ra tòa không phải vì Hương mà là vì Nguyệt. Thật lòng, tôi cũng muốn được sống trọn vẹn với người phụ nữ xứng đáng với mình hơn là cô vợ cũ kỹ, xấu xí lâu nay…
Chúng tôi ly hôn, Hương giành nuôi cả 2 đứa con. Trước khi chia tay ở sân toà án, Hương bảo tôi: “Bất cứ khi nào anh muốn thì cũng có thể tới thăm con. Em mới đi làm, tiền lương không có bao nhiêu nên chắc sẽ khó khăn… Anh nhớ gởi tiền cấp dưỡng đều đặn cho hai đứa nhỏ”.
Điều tôi nhớ nhất ở Hương là cái dáng lầm lũi khi bước chân ra khỏi tòa án. Bất giác tôi thấy rất tội nghiệp cho người phụ nữ ấy. Nhưng thôi, ai cũng chỉ có một cuộc đời, nếu cứ lần lữa không dám cắt đứt thì sẽ mãi quẩn quanh với những đau khổ do chính mình gây ra…
Tôi dọn ra ở hẳn văn phòng luật sư. Đây là ngôi nhà tôi đã mua nhưng không nói cho vợ biết và hiện giờ nó đứng tên Nguyệt. Cả chiếc xe hơi tôi đi hằng ngày cũng đứng tên cô ấy. Thế nhưng điều đó không làm tôi bận tâm bởi một người tài năng, xinh đẹp như Nguyệt thì xứng đáng được nhiều hơn thế…
Nguyệt giục tôi cưới nhưng tôi chần chừ bởi tôi vừa thoát khỏi một cuộc hôn nhân, còn chưa kịp hoàn hồn thì không có lý gì lại đi tròng vào cổ mình một chiếc ách khác? Tôi muốn kéo dài cảm giác được làm người tình bởi tôi biết, một khi đã ràng buộc nhau bằng hôn nhân thì chưa chắc mọi thứ vẫn đẹp như khi còn dở dang…
Lần thứ hai Nguyệt nói đến chuyện cưới, tôi cũng gạt đi: “Cho anh thêm ít thời gian nữa…”. Tôi hẹn Nguyệt 1 năm. Và thời gian 1 năm đó đủ để cô luật sư tài giỏi, xinh đẹp của tôi lấy nốt những gì còn lại trong số tài sản mồ hôi nước mắt mà tôi đã chắt chiu bao năm qua.
Hôm đó, Nguyệt cho người đến gỡ bảng hiệu văn phòng luật sư mang tên tôi và thay vào đó một tấm bảng khác. Tôi chưa kịp hiểu nguồn cơn thì hai người thanh niên lực lưỡng đã xách mấy chiếc va li ném trước mặt tôi. “Cái gì vậy?”- tôi kinh ngạc. Nguyệt cười: “Quần áo, tư trang của anh. Giờ thì anh đi được rồi”.
Tất cả những gì diễn ra sau đó như một cơn ác mộng. Tôi bị tống ra đường đúng nghĩa của từ “tống cổ”…
Những ai đã từng lâm vào hoàn cảnh như tôi hẳn sẽ hiểu được tâm trạng của tôi lúc đó. Thoạt đầu là ngạc nhiên, sau đó là giận dữ và cuối cùng là cam chịu…
… Mấy hôm nay, chiều nào tôi cũng đi ngang ngôi nhà nhỏ của Hương và 2 đứa nhỏ. Nếu như trước đây thì tôi đã ghé vào, đường đường, chính chính thăm con, cho tiền chúng, hỏi thăm công việc của vợ bằng giọng ban phát của kẻ bề trên.
Còn bây giờ, tôi không dám đặt chân vô đó bởi tôi không muốn các con nhìn thấy mình trong bộ dạng nhàu nhĩ, khốn nạn như lúc này. Tôi không muốn đánh cắp lòng tự hào, kính trọng mà cả tôi và mẹ chúng đã cố tình dựng nên trong suy nghĩ của chúng kể từ lúc chúng tôi ly hôn.
Có phải đây là cái giá mà tôi phải trả cho những gì tôi đã gây ra cho Hương, cho các con? Chưa bao giờ tôi thấy mình nhỏ bé, thấp hèn và đáng thương như vậy…