Thông minh, sáng tạo nhưng không dám đột phá?

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Các chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý, gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam cùng bàn luận về tư duy và khả năng sáng tạo của giới trẻ hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý (Đại học Sư phạm Hà Nội): Thừa thông minh, thiếu động lực

Tôi cho rằng người Việt thừa sức thông minh, rất nhiều người Việt tài giỏi cả thế giới biết đến như Giáo sư Ngô Bảo Châu, Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesle, những nhà khoa học giỏi, những bàn tay vàng trong nghề y, những tài năng Toán, Vật lý, Tin học, kiện tướng cờ vua... đẳng cấp thế giới

Chúng ta thừa khả năng đi đầu, nhưng tại sao vẫn bị đánh giá là không sáng tạo? Đó là bởi sự rập khuôn. Trong lớp học, một học sinh đưa ra ý kiến trái chiều lại sợ sai, bởi tâm lý đám đông luôn được coi là đúng. Chính tâm lý đám đông khiến một bộ phận bạn trẻ ngại đấu tranh, ngại va chạm. Một số chưa chủ động, thích đi theo con đường vạch sẵn nhưng đó không phải phổ biến.

Cách ra đề thi Văn như năm nay rất tốt. Tôi nghĩ thế hệ trẻ hiện nay rất chủ động, sáng tạo vì được đào tạo bài bản, vấn đề là các bạn thiếu động lực để tiến lên. Nhiều tài năng còn phí phạm, nhiều bạn trẻ thích tìm giải pháp an toàn hơn là đi theo cái mới, ngại đối đầu. Chúng ta cần phải biến điểm yếu ấy của người trẻ thành điểm mạnh, cần phải khơi dậy lòng tự trọng dân tộc.

Tôi nghĩ, giáo dục trong nhà trường phải tôn trọng tư duy sáng tạo của học sinh, không dạy theo cách thầy đọc trò chép mà phải có tư duy mở. Chúng ta không cải tổ giáo dục thì không cải thiện được tình trạng này.

Thông minh, sáng tạo nhưng không dám đột phá? - 1

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý

Nguyễn Thanh Huyền (Giáo viên Văn, THPT chuyên Nguyễn Trãi - Hải Dương): Không có kiến thức mà chủ động là tự diệt

Nhiều bạn trẻ chưa thể hiện được mình, một phần bởi gia đình còn bao bọc. Ai cũng sợ môi trường xã hội phức tạp khiến con em mình không có đủ khả năng để đứng vững, nên phải vẽ đường cho con đi, rồi rào sẵn hai bên đường cho an toàn, tránh nguy cơ từ những con “thú dữ, rắn rết”...

Nguyễn Thanh Huyền- Giáo viên Văn (Hải Dương)

Đề Văn khối D năm nay khá thú vị, đặc biệt là câu hỏi nêu ý kiến nhận xét của một người trẻ - Tran Hung John khiến thí sinh hào hứng. Đề thi nói trúng vấn đề đang tồn tại trong đời sống xã hội. Một bộ phận giới trẻ đang mất đi sự chủ động, tích cực trong cuộc sống. Tôi nghĩ không ai muốn con em mình sống thụ động, nhưng nhiều gia đình đang bao bọc con quá mức. Các bạn trẻ cần có không gian, môi trường để thể hiện. Nhiều bạn trẻ chưa thể hiện được mình, một phần bởi gia đình còn bao bọc. Ai cũng sợ môi trường xã hội phức tạp khiến con em mình không có đủ khả năng để đứng vững, nên phải vẽ đường cho con đi, rồi rào sẵn hai bên đường cho an toàn, tránh nguy cơ từ những con “thú dữ, rắn rết”...

Đề thi là dịp để thế hệ trẻ nêu quan điểm, nhìn lại bản thân, và qua đây, người lớn cũng phải nhận thấy rằng, cần cho thế hệ trẻ một khoảng trời riêng để thể hiện bản thân. Có thí sinh thi vào Học viện Cảnh sát chia sẻ rằng, trong cuộc sống rất cần sự tự do, sự chủ động, nhưng phải trên cơ sở hiểu biết và có kiến thức, có tư duy, suy nghĩ độc lập. Có kiến thức mới nên chủ động, sáng tạo và đi theo con đường riêng của mình. Nếu không hiểu biết mà chủ động thì sẽ là tự diệt.

Là giáo viên dạy Văn, tôi luôn hướng dẫn học sinh chủ động trong học tập và giải quyết các vấn đề xã hội.

Trước đây, nhiều người nghĩ rằng, thầy cô luôn đúng, thầy nói ra cái gì, học trò tiếp thu cái đó, nhưng bây giờ cũng có chiều ngược lại, thầy cũng phải tiếp thu ý kiến của học trò.

Tôi thấy vẫn có những giáo viên đọc văn mẫu cho học sinh học thuộc, chỉ tiếp nhận cách giải bài tập theo cách của thầy, cô, còn cách khác thì không chấp nhận. Những điều đó sẽ làm triệt tiêu tính chất chủ động của học sinh, biến học sinh thành một lũ vẹt. Hãy cho phép học sinh có suy nghĩ, cách làm riêng của chúng.

Muốn học sinh chủ động, điều đầu tiên, nhà trường phải rèn khả năng tư duy, phương pháp tiếp cận với kiến thức cho học sinh. Có kiến thức thì mới có suy nghĩ độc lập và phải tôn trọng ý kiến của học sinh, không nên triệt tiêu sự hăng hái, chủ động của học sinh. Cứ hình dung, sự chủ động giống như một cái cây, nó cứ lên cái mầm nào, chúng ta lại đập cho nó bầm dập, thì sau này, cái cây đó làm sao mà khỏe mạnh được.

Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Đông (Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2012): Sáng tạo và chủ động

Thông minh, sáng tạo nhưng không dám đột phá? - 2

Tiến sỹ Nguyễn Huỳnh Đông

Theo thống kê của Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT về chất lượng và số lượng các công trình nghiên cứu khoa học, thì số lượng học sinh, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi tăng lên. Điều này chứng tỏ tuổi trẻ Việt Nam đâu có thiếu sáng tạo.

Lớp trẻ Việt Nam đã và đang bây giờ tài năng hơn, nhiều bạn trẻ làm CEO các tập đoàn lớn khi ở lứa tuổi đôi mươi, làm chuyên gia trẻ xuất sắc ở nhiều lĩnh vực, trong nghiên cứu khoa học thanh niên cũng giỏi. Tôi thấy thế hệ trẻ thích làm chủ, thích chủ động trong mọi thứ. Đôi khi tôi nghĩ, ở một số hoạt động, một số bạn trẻ có thể lái thậm chí dẫn dắt thầy cô, gia đình theo hướng của mình.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Đại học Khoa học xã hội& nhân văn TPHCM): Giỏi dung hòa hơn sáng tạo

Thông minh, sáng tạo nhưng không dám đột phá? - 3

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Trong xã hội có người này người kia, câu nói của Tran Hung John chỉ đúng phần nào nhưng theo tôi cũng có nhiều người Việt chúng ta còn chưa sáng tạo.

"Ở gia đình, bố mẹ nên khuyến khích con tự làm và tự chịu trách nhiệm với những việc làm của mình. Còn đối với xã hội cần bảo vệ bản quyền, lên án những hiện tượng đạo văn, copy sản phẩm... cởi mở với những ý tưởng mới" - Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Các bạn giỏi dung hoà nhiều hơn sáng tạo. Dung hòa văn hóa nước ngoài, dung hòa công nghệ nước ngoài, có nhiều tài lẻ trong bẻ khoá, ứng dụng... Thực tế nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố trong đó ở môi trường gia đình, lâu nay chúng ta chỉ dạy con biết vâng lời mà không khích lệ sáng tạo. Trong giáo dục học theo một lập trình, rập khuôn. Các nước phát triển có cách giáo dục hiện đại, khuyến khích học trò tư duy sáng tạo, làm khác đi, thử nghiệm khác đi. Giáo dục trong nhà trường rất quan trọng, là đòn bẩy để người trẻ chủ động sáng tạo bởi vậy cần dạy học sinh tư duy mở, không học theo một cái khuôn có sẵn. Ở gia đình, bố mẹ nên khuyến khích con tự làm và tự chịu trách nhiệm với những việc làm của mình. Còn đối với xã hội cần bảo vệ bản quyền, lên án những hiện tượng đạo văn, copy sản phẩm... cởi mở với những ý tưởng mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Yến - Trường Phong (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN