Thầy giáo tật nguyền viết chữ bằng miệng

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Với sự quyết tâm và lòng ham học, thầy giáo khuyết tật Phùng Văn Trường (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) đã dệt lên thiên cổ tích Nguyễn Ngọc Ký thứ hai khi tự mình cầm bút viết chữ bằng… miệng.

Cắm bút vào miệng tập… viết chữ

Về thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) vào một buổi chiều, chúng tôi vẫn cảm nhận được tinh thần học tập không ngừng nghỉ của những đứa trẻ nơi đây trong một lớp học đặc biệt. Đó là lớp học của anh Phùng Văn Trường (sinh năm 1979), một người thầy khuyết tật mới chỉ học hết lớp 8, chưa từng qua một ngày được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, hơn nữa lại phải cầm bút bằng miệng để viết chữ… nhưng vẫn được các em học sinh và người dân nơi đây gọi một chữ “thầy” với tấm lòng tôn kính.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh Trường không may mắn như bạn bè cùng trang lứa khi từ nhỏ đã bị một căn bệnh lạ khiến 2 tay, 2 chân ngày càng mất cảm giác và không thể hoạt động được. Sau này, khi được gia đình đi khám tại bệnh viên 103, anh được các bác sỹ kết luận mắc chứng teo cơ, khèo chân.

Dù vậy, khi đôi tay vẫn còn có thể cầm bút, anh vẫn cố gắng đi học để có được cái chữ. Anh Trường kể: “Ngày nhỏ nhà nghèo, bố bị bệnh nan y, tay chân mình thì cứ khó bảo dần nhưng mình vẫn cố gắng đi học. Có hôm trời mưa rét, đến lớp người mình ướt sũng nhưng vẫn cố gắng cầm cây bút để viết. Sau hôm đó, ốm mất gần 1 tuần nhưng khi khỏi hẳn, mình vẫn cố gắng đi học lại đều đặn”. Suốt những năm tháng học tiểu học năm nào anh cũng là học sinh khá, giỏi.

Nhưng số phận thật nghiệt ngã khi đến năm học lớp 8, tay chân anh gần như mất hết cảm giác, không thể nào cầm được cây bút để viết nữa nên anh đành bỏ dở việc học, bỏ lỡ ước mơ bước vào giảng đường.

Ở nhà ngồi bán tạp hóa ven đường, anh vẫn nhìn dõi theo bước chân của những em học sinh tan học ngang qua, nghe chúng bàn luận chuyện bài vở. Anh tâm sự: “Càng nhìn các em học sinh, tôi lại càng thèm được đi học. Chỉ tiếc hoàn cảnh khắc nghiệt đã làm giấc mơ đứt gánh”.

Nhưng rồi ý chí trong anh đã thôi thúc anh mạnh mẽ, tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân khiến anh không thể nào ngồi yên. Không thể cầm bút bằng tay, bằng chân, anh đã cắm bút vào miệng để tập viết. Những nét chữ đầu tiên chỉ là những dòng kẻ ngang, kẻ dọc nghuệch ngoạc trên trang giấy. Có nhiều người đi qua thấy vậy còn tưởng anh bị “điên”.

Nhưng với sự chăm chỉ khổ luyện của mình, lâu dần nét chữ của anh cũng thành hàng ngay ngắn. Nhiều người biết chuyện cũng có lời ra tiếng vào: “Đã bị tật thì yên phận đi còn viết làm gì, có tập cũng không được đâu…”. Nhưng biết ý chí của anh, làng xóm, đặc biệt là gia đình rất ủng hộ.

Rất nhiều cây bút đã bị mòn, rất nhiều quyển vở kín trang để anh viết được nét chữ. Viết được rồi còn là quá trình học hỏi, khổ luyện làm sao cho đẹp, tô nét thanh, nét đậm sao cho chuẩn. Và rồi cũng đến ngày những nét chữ từ miệng của anh trở nên sắc nét, đẹp đẽ, thậm chí còn hơn rất nhiều người bình thường viết bằng tay.

Thầy giáo tật nguyền viết chữ bằng miệng - 1

Nét chữ đẹp như tranh vẽ của thầy Trường

Anh tâm sự: “viết được cái chữ không có gì là to tát nhưng số phận không cho mình đôi bàn tay nên viết được bằng miệng để vượt lên chính mình, thể hiện được ý chí của mình. Đó là điều mình hướng tới ban đầu”.

Gieo mầm tương lai

Trải qua một quá trình khổ luyện rất dài và vất vả để có thể viết được bằng miệng, anh Trường quyết định đưa nét chữ đó đến với những đứa trẻ trong làng. Ý tưởng đó nảy ra khi đang bán hàng, anh thấy mấy đứa trẻ chơi quanh viết xấu quá, học toán cũng kém. Và từ đó, anh dạy dỗ, chỉ bảo chúng và rồi tiếng lành đồn xa, khi mà nét chữ là nết người, người dân trong xã bắt đầu gửi gắm con mình đến lớp học của thầy.

Do kinh tế không dư dả, lớp học chỉ gồm những bộ bàn ghế đơn sơ, đóng vội, ánh điện mờ ảo, lúc có lúc không, thậm chí có những lúc phải dạy học bằng đèn pin. Nhưng trẻ con trong xã vẫn cứ đến lớp học rất đông, phụ huynhluôn đặt trọn niềm tin vào thầy. Hiện lớp học của anh đang có 15 em từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi học sinh, anh lại có một cách dạy dỗ và kèm cặp riêng vì có em chữ xấu, có em lại kém về kiến thức.

Kiến thức học đến lớp 8 của anh không nhiều, chỉ có thể dạy đọc, viết, làm toán đơn giản cho bọn trẻ. Nhưng cái quý nhất trong lớp học chính là anh luôn truyền lại cho học sinh của mình được ý chí vượt lên hoàn cảnh, sự quyết tâm để thành tài. Cùng với đó là việc rèn cho học sinh nét chữ thật ngay ngắn với nét chữ là nết người.

Em Hà Thị Phương (9 tuổi, học sinh lớp 3, đã theo học hai năm nay tại lớp thầy Trường) vui vẻ kể lại: “Thầy Trường viết chữ đẹp lắm. Ban đầu tụi em cũng định bắt chước thầy cầm bút bằng miệng. Sau rồi thầy bảo, các em lành lặn thì phải cầm bút bằng tay viết cho ngay ngắn, nét chữ là nết người”.

Thầy giáo tật nguyền viết chữ bằng miệng - 2 

Học sinh thầy Trường mải mê rèn chữ dưới ánh đèn pin

Khi hỏi về kinh nghiệm dạy học của mình, anh chia sẻ: “Kiến thức mình không có nhiều, kiến thức nâng cao gần như là không có nên cái mình dạy được cho học trò chỉ là những cái cơ bản cho đỡ hổng kiến thức và cốt yếu là tinh thần vượn lên của người Việt Nam”. Anh cũng rất thường xuyên cập nhật kiến thức cho bản thân để dạy dỗ bọn trẻ tốt hơn thông qua chiếc máy tính của mình.

Những đứa trẻ trong lớp rất ngoan và nghe lời thầy giáo. Chúng đều học hết kiến thức trên ghế nhà trường đầy đủ nhưng cứ hết giờ học, chúng lại kéo nhau đến nhà "thầy Trường". Thậm chí, khi chúng tôi qua nhà anh đúng vào lúc mất điện, trời tối và không thể học được, bọn trẻ vẫn cứ cố nán lại cho bằng được. Có những em còn lấy đèn pin ra soi vào vở để tập viết hoặc hẹn thầy “có điện con lại sang học thầy nhé”.

Chia sẻ về cuộc sống của mình, anh tâm sự: “mình liệt cả chân và tay nên làm gì cũng khó, rất nhiều việc phải nhờ vợ giúp. Cũng may là có cô ấy thương yêu mình và chịu thiệt thòi khi kết duyên vợ chồng với mình”.

Anh cũng nói thêm: “Thực ra đến giờ, mình cũng không biết chính xác là mình bị bệnh gì. Từ lúc có đứa con vào tháng 7/2013, mình chỉ ước mong sống được thêm 10 năm nữa thôi. 10 năm nữa để con mình lớn hơn và nhận biết mọi việc, 10 năm nữa để mình gieo mầm ý chí cho thêm những lớp trẻ em nữa. Thế là mãn nguyện lắm rồi”.

Ước mong của thầy giờ đây là có một bác sỹ nào đó có thể khám chính xác bệnh tình của mình và đưa ra phương pháp chữa trị tốt nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Lịch ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN