Tân Thủ khoa Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đạt GPA 3.97/4.0

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Đặng Trần Tuyết Trinh là tân Thủ khoa Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Cô sinh viên ngành sư phạm Ngữ Văn đạt điểm tốt nghiệp với GPA gần như tuyệt đối 3.97/4.0. Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, nữ sinh còn là một trong những Đảng viên trẻ có hoài bão và khát vọng cống hiến vì cộng đồng, xã hội.

Đặng Trần Tuyết Trinh - tân Thủ khoa Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.

Đặng Trần Tuyết Trinh - tân Thủ khoa Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.

“Văn học đã thay đổi tính cách của mình”

Đặng Trần Tuyết Trinh sinh ra và lớn lên tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cô nàng xứ Huế là cựu học sinh chuyên Văn của Trường THPT chuyên Quốc học Huế. Trong những ngày tháng học tập tại trường cấp 3, Tuyết Trinh đã được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi tròn 18 tuổi. Từ khi còn bé, cô bạn có ước mơ trở thành nữ chiến sĩ công an với mong muốn theo nghiệp của ba. Tuy nhiên, Tuyết Trinh không thi đỗ vào Học viện Cảnh sát Nhân dân. Sau đó, cô nàng lựa chọn Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế để bắt đầu hành trình sinh viên của mình.

“Thời điểm đó, mình vừa học đại học năm nhất tại khoa Ngữ văn, mình vừa quyết tâm ôn tập để thi lại Đại học một lần nữa. Thế nhưng mình lại rớt vì thiếu 0.3 điểm. Khi học tập 1 năm dưới mái trường có bề dày lịch sử 65 năm này, mình đã thật sự rất ấn tượng về môi trường học tập, về quý thầy cô giáo. Cho nên dù không đậu Học viện Cảnh sát Nhân dân, mình vẫn vui vẻ và viết tiếp tương lai của mình ở Khoa Ngữ văn. Trước thềm thi THPTQG, mình cũng muốn chia sẻ rằng suy nghĩ về việc học ở đâu không bằng việc mình đã, đang và sẽ học như thế nào? Có thật sự nỗ lực hết mình để hoàn thiện mình hay là không?”, cô bạn chia sẻ.

Cô bạn đại diện sinh viên phát biểu trong lễ bế giảng của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.

Cô bạn đại diện sinh viên phát biểu trong lễ bế giảng của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.

Với sự tín nhiệm của tập thể, nữ sinh đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong nhà trường như Bí thư Văn B khóa K62, Trường Đại học Sư phạm Huế, Ủy viên Ban chấp hành Liên Chi Đoàn Khoa Ngữ văn và Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Nobel Khoa Ngữ văn. Khi nhìn lại hành trình đi qua, Tuyết Trinh tâm sự: “Bốn năm học so với đời người không quá dài, thế nhưng bốn năm đủ để mình có thể tích lũy được hành trang cho nghề nghiệp và đặc biệt hơn là những kỉ niệm về thầy cô, bạn bè, về một quãng thanh xuân quí giá và rực rỡ. Sau bốn năm học tập ở trường, mình không chỉ được lĩnh hội những kiến thức từ căn bản đến chuyên sâu về ngành nghề mà mình lựa chọn mà còn được trau dồi các kĩ năng thông qua các hoạt động Đoàn, Hội; học được cách đứng lớp; cách chăm chút với nghề; cách hiểu và đồng cảm cùng với học sinh. Không những thế, trường luôn tạo điều kiện để mình có cơ hội hội nhập, giao lưu với các trường đại học trong nước và quốc tế thông qua các buổi hội thảo nghiên cứu khoa học, giao lưu văn hóa. Hành trang được trang bị trong bốn năm qua tại trường Đại học Sư phạm sẽ được mình mang theo và phát triển trong tương lai”.

Đạt nhiều danh hiệu và thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.

Đạt nhiều danh hiệu và thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.

Được biết, Văn học đã thay đổi Tuyết Trinh rất nhiều, thay đổi rõ nhất là nhận thức và tính cách. “Trước đây mình nóng tính trong việc giải quyết các vấn đề, sau khi tiếp xúc với văn chương, mình đã có những sự thay đổi về nhận thức, mình biết bình tĩnh trước mọi chuyện. Trước kia, mình cũng không đủ kiên nhẫn, nay mình đã biết lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn. Văn học đối với mình là một người bạn. Bởi lẽ, khi buồn văn chương sẽ là bạn giải sầu cùng mình, khi vui văn chương sẽ là bạn cùng chia vui với mình. Khi đắm mình trong bể văn chương, mình cảm thấy được thấu hiểu, được tâm sự, được giải toả những căng thẳng”.

Văn học giúp Tuyết Trinh tích cực và lạc quan trong cuộc sống.

Văn học giúp Tuyết Trinh tích cực và lạc quan trong cuộc sống.

Tuyết Trinh chinh phục điểm GPA gần tuyệt đối nhờ vào phương pháp học khoa học, cô bạn chia sẻ: “Mình luôn đề cao phương pháp tự học. Trước mỗi kỳ học, mình luôn chủ động tìm kiếm tài liệu, tham khảo kinh nghiệm của anh chị đi trước và luôn chủ động đọc trước giáo trình, phần nào không hiểu mình sẽ ghi chú lại và nghiên cứu thêm. Ở lớp, mình thường tập trung lắng nghe bài giảng, tự ghi nhớ kiến thức dưới dạng sơ hồ tư duy để chuyển hoá kiến thức của giảng viên thành của mình. Bên cạnh đó, mình còn tự nghiên cứu thêm những tri thức liên quan đến chuyên ngành mình theo học”.

Đoàn - Hội giúp cô nàng xứ Huế có thêm trải nghiệm, kết nối và yêu thương.

Những hoạt động, phong trào Đoàn hội đã mang lại Tuyết Trinh nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm, sự trưởng thành hơn, biết yêu thương và kết nối với mọi người hơn. “Mình luôn học cách cân bằng giữa việc tham gia các hoạt động Đoàn hội với việc học. Mình tham gia chủ yếu tất cả các hoạt động Đoàn hội ở Khoa Ngữ văn là chủ yếu. Bên cạnh đó, mình luôn đặt việc học lên hàng đầu. Cho nên việc hoàn thành việc học trước khi tham gia hoạt động đoàn thể là việc mà mình nên và luôn làm. Mình đã không ngừng tự trau dồi bản thân trong việc học lẫn hoạt động. Không quản ngại công việc cực nhọc, cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc được giao”.

Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn – Hội.

Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn – Hội.

Trong hành trình học tập và rèn luyện cô nàng xứ Huế cũng gặp phải những khó khăn. Với tinh thần lạc quan, Tuyết Trinh chỉ xem đó là những khó khăn nho nhỏ, tân Thủ khoa Trường Đại học Sư phạm cho biết: “Trong việc học tập thì mình thường cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm và đọc hiểu tài liệu chuyên ngành, đặc biệt là về mảng lí luận và phương pháp dạy học. Trong việc rèn luyện và tham gia các hoạt động Đoàn Hội dường như mình không gặp khó khăn nào quá lớn. Đối với mình, khó khăn chính là động lực để mình có thể tiến lên phía trước, để mình có thể rút ra các bài học kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân hơn. Hãy đón nhận tất cả mọi điều đến với mình một cách tích cực nhất! Dù điều đó có tồi tệ như thế nào đi chăng nữa. Bởi lẽ khi mà mình tích cực thì vạn sự sẽ xoay chuyển theo hướng tích cực hơn và bạn sẽ dễ dàng giải quyết hơn”.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ khoa đại học ra trường phải đi nhặt rác

Từng được vĩ là thiên tài, được thầy cô và gia đình kỳ vọng. Tuy nhiên Diêu Viễn (Trung Quốc) của hiện tại lại là người vô gia cư phải nhặt rác, ăn xin để kiếm sống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Mai ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN