Thanh toán online là chân ái: Những tình huống éo le của Gen Z chơi hệ “không xài tiền mặt”

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Hiện nay, các phương thức thanh toán không tiền mặt đang lên ngôi và “gây thương nhớ” cho Gen Z bởi tính tiện lợi, nhanh chóng với nhiều chương trình khuyến mại thường xuyên. Tuy nhiên, không ít các bạn trẻ chơi hệ “không dùng tiền mặt” cũng gặp phải những tình huống éo le trong câu chuyện “thanh toán online”.

Thanh toán trực tuyến có gì mà hấp dẫn thế?

“Cô ơi, con chuyển khoản nhé!... Anh ơi, em xin số tài khoản, mã QR”. Đó là những câu nói quá quen với Gen Z trong thời đại công nghệ 4.0. Hầu hết các bạn trẻ giờ đều có ít nhất một ứng dụng ví điện tử trong điện thoại. Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang được Gen Z tích cực “thả tim” bởi những tiện ích mà nó mang lại.

Hương Ly (20 tuổi, Hà Nội) dùng ví điện tử với mọi chi tiêu kể từ khi “gia nhập” cuộc sống đại học: “Mình thấy ở thành phố, thanh toán không dùng tiền mặt rất phổ biến và rất tiện! Mỗi lần đi chợ hay vào siêu thị mình không cần phải đem theo ví lớn mà chỉ cần bỏ điện thoại vào túi áo là xong, còn thẻ tín dụng thì kẹp trong ốp điện thoại”.

Hương Ly “chấm điểm 10” cho thẻ, ví điện tử. Ảnh: NVCC

Hương Ly “chấm điểm 10” cho thẻ, ví điện tử. Ảnh: NVCC

Hương Ly nói thêm, dù có lúc e ngại về mức độ bảo mật thông tin, nhưng xét về khía cạnh an toàn khi sử dụng thì cô bạn vẫn “chấm điểm 10” cho thẻ, ví điện tử: “Trường hợp không may bị đánh cắp thẻ, bạn chỉ cần liên hệ ngân hàng để khóa thẻ lại, ngăn chặn những giao dịch không mong muốn có thể xảy ra. Nhưng với tiền mặt thì không thể làm được điều đó”.

Thu Huế (19 tuổi, Hà Nội) cũng “bắt trend” thanh toán không sử dụng tiền mặt ngay từ năm nhất. “Ví điện tử thường có các mã giảm giá, voucher nên khi thanh toán sẽ được giảm rất nhiều. Hồi mới lên đại học, chưa có xe máy, mình phải gọi xe công nghệ, do liên kết ví với ứng dụng nên mỗi chuyến xe mất có 3 - 4 nghìn đồng, có lần ít quá, tài xế không lấy phí luôn. Hơn nữa, khi đi ăn với bạn, chi phí chia ra nhiều lúc ra số lẻ thì chuyển khoản dễ dàng hơn tiền mặt”.

Thu Huế không mang tiền mặt đến những nơi đông người. Ảnh: NVCC

Thu Huế không mang tiền mặt đến những nơi đông người. Ảnh: NVCC

Thu Huế cũng cho biết mang theo tiền mặt đến những nơi đông người như siêu thị, trung tâm mua sắm, show ca nhạc... sẽ có khả năng bị "móc túi" nếu lơ đễnh. Việc thanh toán trực tuyến sẽ giúp cô bạn giảm thiểu tối đa những rủi ro ngoài ý muốn.

7749 câu chuyện hài hước của Gen Z với cuộc sống “không tiền mặt”

Ví điện tử và ứng dụng ngân hàng được xem như là một “trợ thủ” đắc lực của giới trẻ khi thanh toán. Ví có thể “trống rỗng” nhưng tiền trong thẻ tín dụng thì chắc chắn phải có. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến hàng loạt câu chuyện éo le khiến Gen Z “khóc không được mà cười cũng chẳng xong”.

Hà Thư (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Có lần đi chợ với bạn, cứ đinh ninh rằng mua gì cả hai đứa đều chuyển khoản nên chủ quan chỉ cầm theo điện thoại. Đến khi đi lấy xe, bác bảo vệ chỉ nhận tiền mặt 10 nghìn, bọn mình mới ngớ người ra khi quên mất không tính đến chuyện này. Rồi bọn mình phải đi hỏi mọi người xung quanh để xin chuyển khoản rồi nhận lại tiền mặt”.

Từ đó Hà Thư luôn dắt túi 50K tiền mặt để tránh những trường hợp tương tự. Ảnh: NVCC

Từ đó Hà Thư luôn dắt túi 50K tiền mặt để tránh những trường hợp tương tự. Ảnh: NVCC

Từ đó, cô bạn rút kinh nghiệm khi đi đâu cũng bỏ sẵn tối thiểu 50 nghìn đồng tiền mặt để phòng trừ những trường hợp không thể chuyển khoản.

Hồng Phương (20 tuổi, Yên Bái) cũng có phen "hú vía" với việc thanh toán trực tuyến: “Nhiều lúc mình cần chuyển khoản gấp mà tự dưng “não cá vàng” quên luôn mật khẩu đăng nhập. Vì vậy, mình phải dành ít nhất 10 phút thực hiện các thao tác yêu cầu để được cấp lại mật khẩu. Ngoài ra, vào những ngày giáp Tết thì một số ngân hàng rơi vào tình trạng bị “đơ” và báo lỗi không thực hiện được giao dịch nên mình chỉ có thể chuyển khoản vào ban đêm”.

Hồng Phương lo nhất là việc bị quên mật khẩu tài khoản. Ảnh: NVCC

Hồng Phương lo nhất là việc bị quên mật khẩu tài khoản. Ảnh: NVCC

Hồng Phương cho biết do việc gì cũng chuyển khoản nên nhiều lúc trong người không có nổi một nghìn tiền mặt. Thỉnh thoảng trước khi đi mua rau ở chợ hoặc trả tiền gửi xe ở trường, cô bạn phải “cầu cứu” bạn bè cho vay ít tiền lẻ rồi sẽ chuyển khoản lại sau.

Bỏ qua hạn chế, Gen Z vẫn “chốt đơn” với thanh toán online

Nguyễn Hiền (20 tuổi, TP. HCM) cho biết từ khi dùng thẻ ngân hàng, cô bạn đã tiết kiệm được rất nhiều và chắc chắn cho phương thức thanh toán này vào mục yêu thích. Tuy nhiên, Hiền cũng từng chứng kiến bạn bè rơi vào tình huống bị các đối tượng xấu giả danh nhân viên ngân hàng hoặc người thân lừa chuyển khoản gấp. Vì vậy, Hiền nhắc nhở mọi người phải hết sức cảnh giác với các chiêu lừa đảo tinh vi qua mạng cũng như liên tục cập nhật các thông báo từ ngân hàng để đảm bảo ví tiền điện tử của bản thân.

Nguồn: [Link nguồn]

Gen Z giữa thời ”bão giá”: Tự nấu ăn ở nhà, chăm mua đồ secondhand, tiết kiệm là ”thượng sách”

Gen Z thường được gắn mác với hình ảnh tự do, phóng khoáng và sẵn sàng chi tiêu xa xỉ để “nuông chiều” bản thân. Tuy nhiên hiện nay, không ít bạn trẻ lại hướng tới lối...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Anh - Hoài Lan ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN