Nghị lực người vợ bị bỏ rơi khi sinh con tật nguyền

Người chồng bỏ đi ngay sau khi biết đứa con duy nhất bị tật nguyền. Người vợ sau một thời gian cạn nước mắt khóc thương con, thương mình phận bạc đã gượng dậy làm điểm tựa cho con trong căn nhà nhỏ, cũ kĩ.

Cạn nước mắt khóc thương phận bạc

Trong căn nhà nhỏ, cũ kĩ, cũ đến mức bức tường cũng trở nên rêu phong, trên tường treo rất nhiều bằng, giấy khen, mới nhất là hai danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” đều mang tên Trung úy Đoàn Thị Ngọ, nhân viên y tá của Tiểu đoàn 18 thuộc Sư đoàn 316.

Một chiều không có nắng, tôi bất chợt nhận ra người thiếu phụ ấy lặng lẽ dắt chiếc xe đi chầm chậm trên con đường rất đông rồi hòa vào dòng người tấp nập. Bà bán hàng nước trầm tư, chớp nhẹ đôi mắt, thương cảm nói: “Mỗi người một số phận, cô ấy sinh ra đã đa đoan rồi”. Tôi âm thầm nhìn theo bóng dáng người phụ nữ ấy. Chiều đổ gấp phía Tây, chị ấy chắc phải có số phận riêng nên đôi mắt mới phảng phất nét u buồn.

Nghị lực người vợ bị bỏ rơi khi sinh con tật nguyền - 1

Chị Ngọ chuẩn bị cho con đi học.

Ngày chưa tắt hẳn, vẫn dáng người lặng lẽ ấy, chị Đoàn Thị Ngọ đã quay trở lại căn nhà, nhưng phía sau là một cậu bé chừng 15-16 tuổi, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú.Nhìn thấy tôi, cháu nở nụ cười chào khách thân thiện. Chỉ có điều cậu bé không thể tự đứng, đi lại mà chị Ngọ phải dìu vào chiếc xe lăn. Nhìn cảnh tượng ấy tôi thấy thương cho cậu bé. Nếu không có mẹ, cuộc đời cậu sẽ sao đây.

Trong nhà chị Ngọ có một cuốn sổ đã cũ. Bên trong những dòng kẻ cũng đã mờ dần, thi thoảng lại có những trang nhòe chữ. Đó là nước mắt rớt xuống, tôi biết điều đó vì đây là nhật ký của chị Đoàn Thị Ngọ. Nếu để nghe kể, có thể người ta sẽ hư cấu, còn những lời đã viết thì đó là tâm tư trong những lúc tâm trạng nhất của mỗi con người.

Châu mắc căn bệnh bại não thể co cứng. Cách đây mấy năm, chị Ngọ đã đưa con đi mổ hai lần, mỗi lần hết 50 triệu đồng nhưng đôi chân của Châu vẫn chưa tự đi được. Ngay sau khi biết con bị bại liệt, người cha đã để lại phía sau mình một mầm cây đang teo tóp trong vòng tay mẹ để ra đi.

Chị Ngọ đã khóc thật nhiều, những giọt nước mắt rớt xuống mỗi ngày như ngấm dần vào trái tim non nớt của đứa trẻ. Giờ đây, Châu đã trưởng thành, hiểu được một phần câu chuyện của người lớn. Châu không trách ai, cũng không oán than số phận, chỉ biết cố gắng sống khỏe mạnh, học giỏi để mẹ vui lòng.

Học giỏi để được thấy nụ cười hiếm hoi của mẹ

Bảo Châu luôn cố gắng học tốt để mẹ vui.

Chị Ngọ như đọc được những suy nghĩ này của con những lúc nó thủ thỉ bên tai. Chị không thể ngờ rằng, dù bị tật nguyền nhưng Châu sống rất nghĩa tình. “Một lần tôi ốm, căn nhà nhỏ trở nên đìu hiu vì có một người khỏe nhưng đôi chân lại di chuyển khó khăn. Châu cố với bát thuốc cho mẹ rồi ngã còng queo. Lúc đó, tôi ôm con vào lòng nấc lên. Sau sự việc đó nó trở thành động lực giúp tôi quyết tâm làm việc thật tốt để làm nguồn an ủi, động viên cho con suốt cuộc đời.

Khi được nghe mẹ kể, mẹ vừa được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh tặng Bằng khen vì những năm qua mẹ đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của quân đội, Lê Ngọc Bảo Châu không nói nhưng những cử chỉ của cháu đã làm tôi vui mừng khôn xiết”, chị Đoàn Thị Ngọ tâm sự.

Phía góc bàn học tập, rất nhiều bài văn mang tên Lê Ngọc Bảo Châu đạt điểm cao. Tôi không nghĩ đấy là con của chị Ngọ vì một mình nuôi Châu từ lúc lọt lòng, gia cảnh khó khăn, làm gì có thời gian mà dạy con học tốt như thế. Bất chợt tôi nhận ra ở phía trước bàn học có một dòng chữ viết khá nắn nót trên một tờ giấy to: "Thượng đế không thể ở khắp mọi nơi nên ngài mới sinh ra người mẹ". Đó là tình cảm đặc biệt của đứa con tật nguyền lớn dần theo năm tháng từ miếng rau, bát cháo của mẹ. Tâm sự này cũng thể hiện rằng Châu phải cố gắng học thật giỏi để được thấy nụ cười hiếm hoi của mẹ.

Chị Ngọ kể với tôi, ngày con còn bé, tất cả những gì bán được chị đã bán hết để chữa trị cho con. Trong mâm cơm chỉ có một đĩa muối, rất nhiều người không tin đó là sự thật nhưng nghị lực, sự tảo tần nuôi một đứa con bị bại não mười mấy năm qua thì ai cũng khâm khục. Với chị Châu là nguồn động viên, là ngọn nến thắp sáng trong ngôi nhà nhỏ. Điều ấy đã giúp chị có thêm niềm tin vững chắc để sống vì tương lai của con mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nghiệp (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN