Muốn thuê côn đồ “xử” người yêu

Nhìn cái vẻ mặt nhơn nhơn của anh ta, cháu đang nghĩ đến chuyện thuê côn đồ "xử".

Cháu là một cô gái cá tính và thường không chịu thua bất kỳ ai. Trong suốt 3 năm học THPT cháu luôn là người học giỏi nhất khối. Không chỉ học giỏi, cháu còn biết cầm kỳ thi họa. Nên đương nhiên cháu là người nổi bật trong bất cứ hoạt động gì. Cháu chọn một trường đại học rất danh tiếng gần nhà mà cháu đã mơ ước từ lâu để nộp đơn dự thi. Cháu đỗ với điểm rất cao. Bố mẹ cháu mua tặng luôn một chiếc xe tay ga sành điệu để đi học. Với một profile ấn tượng và sự nổi bật ngay từ lúc nhập học nên cháu được bầu làm lớp trưởng.

Mọi thứ với cháu cứ như rất dễ dàng nếu không gặp người con trai ấy. Trong lớp cháu đa số các bạn đều học các trường chuyên ra và hầu như gia đình ai cũng có điều kiện. Chỉ có bạn ấy xuất thân “nhà quê”, ở một nơi cách Hà Nội gần 100km. Bạn ấy ít nói và kỹ năng nghe nói trong môn ngoại ngữ thì có thể nói là kém nhất lớp. Bạn ấy có vẻ như không tham gia vào bất kỳ hoạt động ngoại khóa gì của lớp, của trường trong năm đầu tiên. Chỉ biết có học, nhưng hết năm đầu tiên tất cả điểm tổng kết của bạn ấy liên quan đến ngoại ngữ (chiếm quá nửa thời lượng số môn học) vẫn rất bết bát. Là lớp trưởng, cháu có trách nhiệm phải tìm hiểu và giúp đỡ, những lúc đó thú thật là cháu rất coi thường bạn ấy, bạn ấy cứ như  là “của nợ” của cháu. Lúc đó cháu đã ước giá như lớp cháu không có bạn ấy thì sẽ dễ chịu hơn. Không hiểu lúc đó do tính bạn ấy nhút nhát hay do không thích cháu nên khi cháu muốn nói chuyện (vì cháu là lớp trưởng) thì bạn ấy luôn tìm cách tránh.

Nhưng khi lên năm thứ hai, bảng điểm xếp hạng trong lớp cháu bắt đầu thay đổi. Nhiều bạn học các trường chuyên (trong đó có cháu) chủ quan, vừa học vừa hưởng thụ cho thành tích đỗ đại học, đã bị “tụt hạng”. Và người hạ bệ cháu chính là người bạn mà trong năm học thứ hai người bạn trai cháu đã từng coi như “của nợ”. Không hiểu bằng cách nào mà trong năm học thứ hai người bạn trai đó đã khắc phục được gần hết những điểm yếu trong năm thứ nhất.

Và cháu đã thật sự bị “đánh gục” trong ngày lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường. Bạn ấy đã thể hiện một tiết mục văn nghệ mà cháu dám chắc là tất cả các sinh viên nữ trong trường đều “chết”. Bạn ấy chơi violon  bản “Secret Garden” thuần thục như một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Cháu được học nhạc từ bé và hiểu rằng để chơi được như thế thì bạn ấy ngoài việc khổ luyện từ nhỏ còn phải có một năng khiếu âm nhạc. Khi chơi xong bản nhạc, bạn ấy nói rằng đây là quà tặng riêng cháu. Tiếng vỗ tay không ngớt. Bạn ấy phải chơi lại lần hai. Và lần này còn tâm trạng hơn lần trước. Bác sĩ không hiểu được là bản nhạc và những lời nói của bạn ấy hôm đó đã làm đảo lộn cuộc sống của cháu như thế nào đâu? Cả tuần cháu cứ bị ám ảnh, cứ nghĩ đến bạn ấy, đến những gì bạn ấy nói.

Bác sĩ cũng đoán được rằng với “đòn hiểm” như thế thì con tim cháu đã bị chinh phục hoàn toàn. Hai tháng sau ngày bạn ấy chơi bản nhạc tặng cháu, chúng cháu yêu nhau. Người yêu cháu trở thành “hot boy” từ năm học thứ ba. Anh là thần tượng của các em sinh viên mới vào trường. Anh đi làm thêm với những khoản tiền rất cao bằng khả năng ngoại ngữ “khủng”. Nổi bật trong các hoạt động ngoại khóa như văn nghệ, thể thao…

Muốn thuê côn đồ “xử” người yêu - 1

Nếu mình xét trên góc độ của tình yêu thì mọi thứ không như thế (Ảnh minh họa)

Đùng một cái, anh bảo chúng cháu nên chia tay nhau. Cháu hỏi lý do thì anh chỉ nói vì không hợp nhau. Lúc đầu cháu cứ nghĩ anh nói đùa. Nhưng ngay sau đó anh đi chơi với một cô gái khác trước mặt cháu (mà không hỏi ý kiến cháu). Anh cũng chẳng thèm gọi điện hay nhắn tin cho cháu. Cháu hiểu mình đã bị anh “đá”, nhưng cháu không hiểu lý do bác sĩ ạ! Cháu hội tụ gần như mọi thứ cần có của một cô gái hiện đại hoàn hảo? Hay là anh ta chơi kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” và thích sưu tập các cô gái? Cháu không thể là kẻ bị động trong phi vụ này được. Nhìn cái vẻ mặt nhơn nhơn của anh ta, cháu đang nghĩ đến chuyện thuê côn đồ làm cho nó nát ra như tờ giấy rách. Nhưng kể cả có làm như thế đi chăng nữa thì cháu vẫn chưa thể hả giận bác sĩ ạ!

Cháu rất mong nhận được chia sẻ của bác sĩ!

(T.H)

Không thể dùng tình yêu để duy trì vị trí thủ lĩnh!

Tâm lý học phân biệt ba tầng: Tầng gốc là Nhân cách (tiếng Pháp là Peronnalité), tầng trung là Khí chất (Tempérament), tầng chót để lộ ra ngoài là Tính cách (Caratère). Mình có thể (cố gắng) phân biệt, nhưng khó có thể phân định ranh giới giữa “cách” sống và cách cư xử với chính mình, với bạn và với đời. Đó là tánh (con người có tánh) xa vọng, đại vọng, khát vọng (theo tác giả Đào Duy Anh là Ambition). Quan niệm thứ nhì là tánh (con người có tánh) tự mãn, tự kiêu, tự cao, hiếu danh, hư không, hư ảo, hư vinh (theo tác giả Đào Duy Anh là Vanité).

Nếu mình là người có năng khiếu mà bên ngoài (quá nhiều người) cũng nhận thấy như thế thì cái Tôi rất (quá) thích thú, càng thêm tự tin (tức tôi tin tôi luôn luôn có lý) nơi chính mình. Đến đâu và bao nhiêu là đủ? Ai là đối tác với ta và ta làm gì với “nó” và nó là con người hay chỉ là “cái đó” để ta (làm cơ sở) chứng minh ta vẫn là nhất, không ai bằng ta, không cái gì bằng cái ta có? Tức là Tôi là tôi và tôi yêu tôi nên thổi phồng cái tôi như bong bóng. Cái Tôi yêu tôi quá mức thì những gì “phạm” tự ái (Ái trong nghĩa Hán Việt là yêu) phải “được tôi” trừng phạt.

Nếu mình xét trên góc độ của tình yêu thì mọi thứ không như thế. Yêu là mong muốn bạn nhớ đến mình bằng mình nhớ đến bạn. Nếu mình yêu bạn theo hướng giữ nhân cách, tôn trọng bạn thì dĩ nhiên là có qua có lại bình đẳng. Nếu mình đã xem “của nợ” là nơi mình khinh bỉ, vì tập thể “bắt buộc” mình “đạo đức” một tí tẹo với “thằng ngu nhà quê” thì khó mà nhận được nhiều điều có thể hơn cho mình. Lúc đó, trong tiềm thức, mình dùng cái gọi là “tình yêu” để chinh phục, hạ bệ đối tác, để giữ vai trò “tổng đốc” của mình. Ai thắng, ai thua? Bị bỏ rơi là thua mà khó/không chấp nhận nổi lên tánh xấu nhất của con người là tính côn đồ!

Đời sẽ dạy cho mình những bài học cuối đời. Cháu hãy về phòng riêng, tự mình đọc thành lời thư cháu gửi, sau đó cháu đọc tư vấn của tôi cho bố mẹ cháu nghe (đừng xấu hổ) và im lặng chờ ý kiến bố mẹ. Trong giáo dục con cái, nguy hiểm nhất là việc bố mẹ tâng con mình lên mây xanh, ca ngợi con một cách thái quá mà tưởng đó là giáo dục.

Cháu phải sửa tánh, điều chỉnh nhân cách để từ giờ biết khiêm tốn, thật sự khiêm tốn! Cháu đã dũng cảm viết thư cho tôi chứng tỏ cháu là người cầu thị!

Điều cuối cùng tôi muốn tâm sự với cháu là vào thế kỷ XIX, văn hóa thế giới tưởng rằng trên đời này có hai loại người: Hạng làm chủ và hạng làm tớ. Người có tài, có tiếng và có tiền “đương nhiên” là thuộc đẳng cấp cao có quyền ân xá, dạy dỗ người bần cùng, người ngu, người nghèo. Lý  luận này rất nguy hiểm vì nó đưa đến quan điểm trong xã hội người giàu bố thí “cho” người nghèo công ăn việc làm. Vậy thì còn gì là xã hội sống “cộng (và) hòa” với nhau? 

Bác sĩ Liêm

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sinh viên Việt Nam
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN