“Mẹ sẽ không còn bị ai chê cười nữa đâu, vì con đã là thủ khoa rồi”

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Đó là những câu chữ trong bài tri ân mẹ mình của Nguyễn Thị Xuyến – tân thủ khoa Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cô thủ khoa Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng mẹ (Ảnh: trang cá nhân của nhân vật)

Cô thủ khoa Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng mẹ (Ảnh: trang cá nhân của nhân vật)

Một mình nuôi cô con gái khôn lớn nhờ vào đồng lương ít ỏi từ công việc vệ sinh môi trường, cô Đinh Thị Nhạn không giấu nổi niềm vui trên gương mặt: “Nhìn Xuyến trưởng thành, tôi mừng lắm, sướng lắm.”

Gia đình Xuyến có 4 người, tất cả đều sống phụ thuộc vào mức lương 4 triệu/tháng chưa kể tiền làm thêm giờ của cô Nhan. Tuy vậy, cô luôn ưu tiên dành dụm tiền để Xuyến có thể đi học.

Để nuôi một đứa trẻ ăn học chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Nếu như các gia đình khác có cả bố và mẹ quan tâm, bảo ban con thì mẹ Nguyễn Thi Xuyến lại phải gánh vác trọng trách của cả hai.

Cô kể, khi học cấp 3, Xuyến bắt đầu đi học thêm buổi tối và buộc phải đi qua một đoạn đường qua cánh đồng không đèn cũng như ít người đi lại. Lo lắng cho sự an toàn của con, mẹ của nữ thủ khoa đã xin nghỉ ca đêm để đưa đón con gái.

Để con không thiệt thòi, chưa bao giờ cô Nhan ngừng cố gắng làm việc. Xuyến còn nhớ mãi về đêm 30 Tết khi còn học phổ thông, trời mưa lớn nhưng mẹ cô vẫn đi dọn vệ sinh đến 3 giờ sáng mới về đến nhà.

Thấu hiểu những khó khăn và vất vả của mẹ, nữ sinh đã quyết tâm học hành, bởi cô cho rằng chỉ học mới là cách duy nhất để mẹ có thể tự hào và tất cả sẽ nhìn Xuyến với ánh mắt khác.

Vì thế, mẹ Xuyến chưa bao giờ có thói quen giục con học bài. Cô kể, có những ngày Xuyến chỉ ngủ 3-4 tiếng, bài tập chưa xong thì nữ sinh chưa ngủ, vừa kể chuyện, ánh mắt của người mẹ lao công hiện lên đầy xúc động.

Trong suốt 5 năm học đại học, Nguyễn Thị Xuyến nhiều lần nhận được bằng khen cùng những giải thưởng khuyến khích của Đại học Bách khoa Hà Nội cùng Viện Vật lý Kỹ thuật. Mỗi lần như vậy, cô Nhan lại vui mừng và trân trọng hơn từng tấm giấy khen. Đây cũng chính là nguồn động lực lớn nhất giúp cô gạt bỏ những khó khăn, vất vả để tiếp tục cố gắng.

Quả ngọt của sự nỗ lực

Gia đình vốn đã neo người lại chưa có ai trong gia đình từng học Đại học Bách khoa Hà Nội, Xuyến biết đến ngôi trường đại học này chủ yếu qua lời khuyên từ các thầy cô giáo. Cô nữ sinh cấp 3 ngày ấy quyết tâm thi đỗ Bách khoa Hà Nội.

Khi được hỏi về lý do chọn Viện Vật lý Kỹ thuật, cô chia sẻ, bản thân ấn tượng với nhiều nhà vật lý cùng câu chuyện xoay quanh cuộc đời họ. Điều đó đã truyền cảm hứng để Nguyễn Thị Xuyến theo học ngành này.

Có người từng nói cô sinh ra mà không có bố. Có người từng chê bai mẹ cô vì hoàn cảnh gia đình cùng công việc lao công. Xuyến cũng từng trải qua những ngày tháng học sinh chẳng có một người bạn. Tuy vậy, Xuyến chọn cách im lặng. Nữ thủ khoa tâm niệm thời gian sẽ trả lời cho những nỗ lực của bản thân.

Nguyễn Thị Xuyến đã có những dòng chia sẻ trên trang cá nhân khiến nhiều người xúc động

Nguyễn Thị Xuyến đã có những dòng chia sẻ trên trang cá nhân khiến nhiều người xúc động

Thế nhưng, những ngày đầu, việc học cũng không hề dễ dàng. Xuyến từng bật khóc sau khi kết thúc kỳ thi Đại số vì nghĩ rằng mình đã không thể vượt qua được môn học khó nhằn này. Cô sinh viên năm nhất không thể nào quên hình ảnh một anh sinh viên khóa trên chạy đến và an ủi cô: “Em chăm thế thì sao trượt được. Trời không phụ lòng người đâu.” Câu nói đó như một triết lý học, gắn bó với Xuyến trong suốt quá trình gần 5 năm học tập tại Bách khoa Hà Nội.

Vượt qua các môn học đại cương trong năm học thứ nhất, khi chuyển sang các môn cơ sở ngành, Xuyến đã quen được với việc học tại trường. Điểm trung bình các môn học của cô luôn ở mức giỏi và đứng top trong lớp.

Cuối cùng thì quả ngọt cũng đã đến. Nguyễn Thị Xuyến được công nhận là thủ khoa đầu ra của Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 3.68/4.0. Ngày tốt nghiệp, ôm lấy mẹ, Xuyến chia sẻ: “Giờ đây mẹ có thể tự hào, vì con đã trở thành thủ khoa rồi”.

Sau khi tốt nghiệp, cô dự định xin học bổng để vừa học thạc sỹ trong nước, vừa đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Mình muốn học càng nhiều càng tốt. Nếu có điều kiện, tôi muốn học đến khi lìa đời.” – ngọn lửa đam mê với nghiệp học luôn cháy mãi trong cô gái trẻ.

Nâng bước sinh viên Bách khoa

Hiểu được những khó khăn của sinh viên trong quá trình học tập, Xuyến đã nhận công việc gia sư miễn phí cho các em khóa dưới, các bạn bằng tuổi và một số anh chị khóa trên phải học lại các môn cơ sở ngành.

Nguyễn Thị Xuyến lưu lại kỉ niệm ngày tốt nghiệp bên mẹ (Ảnh: trang cá nhân nhân vật)

Nguyễn Thị Xuyến lưu lại kỉ niệm ngày tốt nghiệp bên mẹ (Ảnh: trang cá nhân nhân vật)

Thời điểm cuối năm 3, sau khi được nhiều người biết đến, số lượng sinh viên mong muốn được Xuyến kèm ngày càng đông. Lúc này, cô đã quyết định xây dựng lớp học online với mức phí 150.000 đồng/khóa. Việc vừa đi dạy, vừa học đã giúp Nguyễn Thị Xuyến có thêm thu thập để trang trải cho việc học, vừa củng cố được kiến thức và trau dồi khả năng ăn nói.

Từ đây, mỗi năm học, nữ sinh này đã giúp đỡ khoảng 400 sinh viên Bách khoa “vượt vũ môn” các môn cơ sở ngành. Mỗi khi các bạn gặp khó khăn hay có những vấn đề cần giúp đỡ, Nguyễn Thị Xuyến luôn cố gắng tìm cách trả lời sao cho phù hợp, hữu ích nhất.

Với tân thủ khoa, sự tử tế và chân thành mới là điều quan trọng nhất. Học vấn không hoàn toàn đánh giá quá trình phát triển của một con người. Nguyễn Thị Xuyến hy vọng các sinh viên khóa dưới hãy cố gắng hết mình với những gì đã chọn, “biết khiêm nhường và chăm chỉ, các bạn sẽ đạt được những gì mong muốn.”

Nguồn: [Link nguồn]

Từng chán nản muốn thi lại đại học, cô gái tốt nghiệp xuất sắc ĐH Bách khoa Hà Nội

Thu Anh từng nghĩ trường Đại học Bách khoa Hà Nội không phù hợp với mình và muốn thi lại. Thế nhưng, khi nỗ lực thay đổi, cô nàng đã vượt lên, tốt nghiệp xuất sắc trường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Khôi ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN