Không có Tết giàu, Tết nghèo vì Tết sum vầy mới là đẹp nhất

Sự kiện: Vui xuân Quý Mão

Nhà là nơi để về và Tết chính là cơ hội tuyệt vời nhất để ta tận hưởng giây phút đoàn viên.

Những ngày cận Tết, các bến xe, ga tàu, sân bay chật ních người. Dẫu là một năm khó khăn, người thất nghiệp, người thu nhập bấp bênh nhưng họ vẫn về quê đón Tết bên gia đình bằng mọi giá. Với nhiều người, không có Tết giàu, Tết nghèo, Tết vui, Tết nhạt, chỉ có Tết sum vầy là đẹp nhất.

Mấy năm dịch COVID-19 ập đến khiến kinh tế lao đao, người con xa xứ như Lan Hương (27 tuổi) càng lắm nỗi lo khi nghĩ đến những khoản sắm sửa, chi tiêu ngày Tết nhưng nỗi lo ấy chẳng thể ngăn được niềm mong mỏi về nhà đón một cái Tết sum vầy. Lan Hương nói, dù khó khăn cỡ nào, dù chẳng có tiền hay quà cáp, cô vẫn sẽ về quê ăn Tết cùng bố mẹ.

Tết đoàn viên là giây phút ai cũng chờ mong (ảnh minh họa)

Tết đoàn viên là giây phút ai cũng chờ mong (ảnh minh họa)

Cũng có lúc, Lan Hương muốn ở lại thành phố làm thêm, vừa kiếm được tiền, vừa không phải lo nhiều khoản chi tiêu Tết. Nhưng những cuộc gọi của bố mẹ với chỉ một câu ngắn ngủi: “Về ăn Tết đi con”, cô không thể cầm lòng được mà muốn về ngay bên gia đình. Khi ấy, những nỗi lo về tiền lì xì, tiền biếu bố mẹ, tiền sắm sửa Tết, chẳng còn khiến cô bận lòng.

“Bố mẹ biết năm này mình khó khăn nên mỗi khi gọi điện chẳng nói nhiều, chỉ hỏi đi hỏi lại: “Ngày mấy con về?”, “Tết được nghỉ mấy ngày”, “Nhớ về dọn nhà, gói bánh chưng cho mẹ”. Có lần, mình kể với mẹ muốn ở lại thành phố làm qua Tết, chắc bố mẹ lo mình ở lại thật nên tìm cớ gọi mình về. Ở quê có người thân trông mong như vậy thì nghèo cỡ mấy, mình cũng phải về”, Lan Hương chia sẻ.

Đối với Khánh Linh (30 tuổi), chuyến xe về quê ăn Tết là chuyến xe hạnh phúc nhất trong năm. 12 năm học tập và làm việc xa nhà, chưa bao giờ cô đón Tết xa quê. Mưu sinh bằng đủ thứ nghề ở thành phố, có năm thiếu thốn, năm dư giả nhưng năm nào cũng vậy, ngoài 25 tháng Chạp là cô về quê ăn Tết. Cô rất thích được cùng mẹ rửa lá dong, gói bánh chưng, gói giò, chế biến thịt, chở mẹ đi chợ Tết, rồi mỗi sáng dậy sớm cùng mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng. Cảm giác ấm áp và bình yên ấy cô chẳng thể nào có được khi phiêu bạt nơi thành thị. Bởi vậy, Tết nào cô cũng tìm về quê để tận hưởng hương vị này.

“Năm nào cũng vậy, cứ về đến sân nhà là bố chạy ra giúp mình dỡ hành lý khỏi xe, rồi mang xe đi rửa, vừa rửa vừa lẩm bẩm: “Con gái con đứa, cái xe cõng mình cả năm mà để nó bẩn thế này”, còn mẹ mình thì nhìn thấy con gái là phân công việc nhà. Chẳng có cảnh tượng sướt mướt nào khi đứa con xa quê về ăn Tết nhưng không hiểu sao, mình vẫn mong về nhà đến thế”, Linh cười chia sẻ.

15 năm làm việc xa nhà, có duy nhất một năm Tạ Ninh (36 tuổi) không về quê ăn Tết. Đó là năm anh “nhảy việc”, không có thưởng Tết, cũng chẳng có lương tháng thứ 13. Nỗi lo cơm áo gạo tiền cộng thêm nỗi ngại ngần vì sự nghiệp thất bại đã ngăn cản bước chân anh về với gia đình. Năm đó, đêm muộn 30 Tết anh vẫn chạy xe dạo ngoài đường, phố xá vắng teo, hàng quán đóng cửa, anh tìm mãi mới thấy một tiệm bánh mỳ chỗ bùng binh. Về đến nhà, cả dãy trọ vắng tanh, anh vừa gặm ổ bánh mỳ, vừa gặm nhấm nỗi nhớ nhà. Ba mẹ anh gọi điện bảo: “Cố gắng về quê ăn Tết con nhé. Còn mùng là còn Tết”. Tắt điện thoại, anh òa khóc nức nở, buồn, tủi, nhớ nhà, tự trách bản thân chỉ vì áp lực tiền nong mà bỏ qua một cái Tết bên cha mẹ.

“Kể từ năm đó, không bao giờ tôi đón Tết xa nhà nữa. Giờ đã có vợ con, nỗi lo cơm áo càng nhân lến gấp bội nhưng chẳng còn điều gì có thể cản bước chân tôi về quê đón Tết. Bố mẹ tôi già rồi, không biết còn sống được bao lâu. Ông bà cũng chẳng cần tiền bạc của tôi, chỉ mong tôi đưa vợ con về sum vầy. Tôi nhớ mãi, bố từng nói với mình: “Khó khăn mấy cũng về con ạ. Về thắp nén hương gia tiên, các cụ sẽ phù hộ cho con rộng đường thăng tiến”. Bởi vậy, Tết với tôi là về nhà”, anh Ninh tâm sự.

Hồng Anh (35 tuổi) trò chuyện với tôi khi đang cùng chồng con trên chuyến tàu về quê ăn Tết. Chị quê gốc Hà Tĩnh, lấy chồng Hà Nội. Vì cả năm ở gần nhà chồng nên mỗi dịp Tết, chị đều được toàn quyền quyết định có về quê đón Tết hay không.

Dẫu vậy, gần 10 năm lấy chồng, chị cũng chỉ về quê ăn Tết được 3 lần bởi khi thì bầu bí, lúc lại con nhỏ, rồi dịch COVID-19. Năm nay, kinh tế khó khăn, vợ chồng chị thu nhập kém, lại phải tiết kiệm tiền cho 3 đứa con ăn học, chị định bụng “nhịn” về quê ăn Tết. Chị nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bố mẹ nhưng cứ nghĩ đến khoản tiền tàu xe đi lại, tiền lì xì Tết, quà cáp cho họ hàng… lại thấy “tần ngần”. Chị nghĩ, chịu khó vài ngày cho xong cái Tết là tiết kiệm được đôi chục triệu đồng, ra Tết khỏi cần “chạy đôn chạy đáo” lo tiền đóng học cho con.

Nhưng trong lúc nói chuyện phiếm với cô em đồng nghiệp, chị nhẩm tính: “Năm nay, bố mẹ chị 60 tuổi. Giả dụ, bố mẹ thọ được 20 năm nữa, mà mỗi năm chị về quê 2 lần thì chỉ còn 40 lần gặp bố mẹ”. Nói đến đây, chị  bỗng ngẩn người. Ngay lập tức, chị gọi điện đặt vé tàu về quê ăn Tết.

“Có lẽ, đó là quyết định đúng đắn nhất của tôi trong cả năm vừa qua để giờ đây được hân hoan về quê đón Tết. Còn đắn đo gì nữa khi bố mẹ đang ở nhà trông ngóng ta về? Còn phân vân điều gì khi ta chẳng còn bao nhiêu lần được gặp lại bố mẹ trong cuộc đời? Tiền bạc, áp lực cuộc sống… tất cả chẳng là gì so với một cái Tết sum vầy bên bố mẹ”, chị chia sẻ.

Cuộc sống của người trưởng thành là những ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh, cố gắng làm việc chăm chỉ để lo cho bản thân, gia đình và khẳng định chính mình. Trong những bộn bề, lo toan ấy, có những người quên mất giấy phút đáng quý của sự đoàn viên.

Tết là cơ hội tuyệt vời nhất để về bên gia đình, đón một năm mới trong sự quây quần, ấm cúng. Nhà là nơi bình yên nhất, vui vẻ nhất, ở đó có những người thân yêu ngày ngày trông ngóng ta. Đừng để bất kỳ nỗi lo nào ngăn trở chúng ta về nhà đón Tết đoàn viên.

Nguồn: [Link nguồn]

Mê mẩn ngắm ”bản sao Lưu Diệc Phi” diện áo dài đỏ đẹp nền nã ngày Tết

Trong tà áo dài đỏ thắm, nữ sinh Kon Tum khoe nhan sắc mặn mà, quyến rũ bên hoa đào, hoa mai ngày Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Vui xuân Quý Mão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN