Hạ ơi, nhớ lắm thủa "thứ ba học trò"

Cảm xúc về những kỷ niệm thủa học trò bao giờ cũng nhẹ nhàng, sâu lắng và nhớ mãi khôn nguôi.

12 năm đi học thì 12 năm Hoài làm lớp trưởng. Được cái thần dân cũng dễ bảo nên lớp lúc nào cũng đứng đầu trường. Tất cả sẽ như một giấc mơ và Hoài cũng sẽ mãi oai như cóc nếu cái “của nợ” mới chuyển đến ấy không phá tan tất cả những gì Hoài đã dầy công xây dựng.

“Của nợ” này tên đầy đủ là Nguyễn Hoàng Gia Bảo, nghe cái tên cũng đã thấy là “của quý” trong nhà nhưng lại là “của nợ” trong cái lớp 12D1 này. Hàng ngày “của nợ” ung dung đi học chỉ với 1 quyển vở, nghe giảng mà gió mát hiu hiu là “của nợ” lại lăn ra khò. Do “của nợ” cao nên bị tống xuống bàn cuối nên càng dễ lộng hành. Nhiều lúc thấy chăm chú tưởng đọc sách hóa ra đang đọc truyện hoặc chơi game trên điện thoại.

Có “của nợ” vào, điểm thi đua tụt dốc không phanh, hết đi muộn, không mặc đồng phục, trốn học thì gần đây nhất là rủ rê lôi kéo cả mấy thanh niên trai tráng trong lớp  xuống dằn mặt một nhóc lớp 10 chỉ vì can cái tội thích nhìn đểu. Vì thế mà mặt “của nợ” bị bêu lên trước toàn trường. Trong khi đồng bọn cúi đầu tỏ vẻ ăn năn thì “của nợ” đứng hết sức hiên ngang như là nam tài tử đứng trên sân khấu nhận tượng vàng Oscar cho hạng mục “nam chính xuất sắc nhất”. Khi nghe thấy một số fan nữ hâm mộ xì xầm bên dưới: “Đẹp trai thế nhở” là “của nợ” lại nhoành miệng nặn ra nụ cười quyến rũ nhất có thể khiến Hoài ngồi dưới nghiến răng trèo trẹo “Ta sẽ cho ngươi biết thế nào là lễ độ”.

Vì biết của nợ hay đi học muộn hoặc trốn học đi chơi nên cứ 12 giờ là Hoài có mặt trước nhà “của nợ” để lôi hắn đi học cùng. Đuổi mãi Hoài không chịu đi trước, hắn đành dắt con xe SH từ trong nhà ra. “Ơ, xe đạp của ông đâu mà đi xe máy, đang là học sinh sao lại đi xe máy vậy?”. “Trời, xe máy thì sao chứ, đầy người đi có sao đâu. Mà bà đạp chậm rề rề vậy, tôi đi xe máy tôi phóng thì bà làm sao mà kịp”. “Cất xe máy đi, đi xe đạp của tôi đây này”. “Của nợ” trố mắt: “Hả, cả đời tôi đi xe đạp bao giờ đâu, làm sao biết đi, hay bà chở tôi?” Thấy vẻ mặt nhơn nhơn của tên “của nợ”, Hoài cú lắm: “Nếu ông không biết xấu hổ khi ngồi sau con gái thì leo lên đây tôi chở cho”. Hoài vừa nói dứt câu, hắn leo phóc lên yên sau xe đạp ngồi vểnh râu. “Bình tĩnh Hoài, bình tĩnh” – Hoài tự nhủ lòng mình, coi như đang chở “bao gạo” thôi. Thế nhưng cái “bao gạo” này nó như muốn trêu ngươi Hoài, ngồi sau đã nặng thì chớ nó lại còn uốn éo, nghêu ngao bằng giọng hát dở ẹc khiến người đi đường ai cũng ái ngại quay sang nhìn Hoài. Đúng là đồ “của nợ” mà.

Khi vào đến lớp hắn lại trố mắt lần hai khi thằng bạn chiến hữu ngồi cạnh đã thay bằng Hoài “đại ca”. Cuối lớp không còn là thiên đường mà biến thành địa ngục khi chỉ cần ngủ gục là bị đập vào đầu. Quên vở không ghi chép bài được thì lập tức một quyển vở mới đã chìa sẵn ra trước mặt. Hắn bực mình quá xá đi, hắn quẳng bút, xẵng giọng: “Tôi không thích chép bài”. Chưa kịp nói thêm câu nào đã thấy “đại ca” đứng phắt dậy: “Thưa cô, bạn Bảo không chịu chép bài ạ”. Ngay lập tức, hắn thấy cô di chuyển với tốc độ tia chớp đến “hiện trường” để xác minh vụ việc. Thấy phản ánh của “người dân” là chính xác, cô giáo điều chuyển hắn ra đứng xó lớp. Từ nay về sau cứ đến giờ của cô, hắn sẽ phải vừa đứng xó lớp, vừa ghi bài.

Sợ lịch sử lặp lại, đến những tiết khác hắn đành ngậm ngùi ngồi ghi bài trong im lặng. Trước khi chở hắn đến trường, lớp trưởng “trời đánh” đều bắt hắn mở cặp ra kiểm tra sách vở đến khi đủ mới thôi. Kiếp trước hắn có hận thù ân oán gì với con nhỏ này hay sao mà kiếp này nó hành hắn quá trời. Không những thế, mỗi lần kiểm tra 1 tiết hay thi học kỳ, con nhỏ cũng dành ra 2 tối ngồi thiền nhà hắn ép hắn học làm muốn nổ đầu. Tối đầu tiên nó giảng và củng cố kiến thức còn thiếu, tối thứ hai thì nó ra một đống bài tập bắt luyện. Mà con nhỏ có năng khiếu ghê, cô giảng trên lớp hắn còn ù ù cạc cạc thì khi con nhỏ giảng lại hắn thấy khai thông đầu óc dễ sợ.

Nhờ nỗ lực của con nhỏ mà điểm số hắn cải thiện trông thấy, bố mẹ hắn thì ca ngợi con nhỏ đến tận mây xanh. Tiếp xúc nhiều với con nhỏ một thời gian, dù hành hạ nhau như vậy nhưng trong lòng hắn vẫn cảm ơn con nhỏ lắm lắm. 12 năm học sắp trôi qua rồi, hắn muốn làm một cái gì đó cho con nhỏ vui.

Hôm cuối cùng bế giảng kỷ niệm ùa về khiến Hoài “đại ca” lòng buồn vô hạn. Bỗng có cái gì đó ngoe nguẩy cọ cọ nơi tai khiến Hoài “đại ca” thần hồn nát thần tính hét thất thanh: “Ôi mẹ ơi, sâu, sâu, cứu con với, aaaaaaaa”, chân tay thì vung loạn xạ. Đến lúc trấn tĩnh lại “đại ca” mới thấy 1 thân hình đang quằn quại vì cười trước mặt. Á, à, hóa ra là tên “của nợ”. Chưa kịp lao đến xông phi một phát thì hắn đã lù lù trước mặt rồi “Tặng bà này”, hắn nói 1 câu rồi chạy thục mạng.

Ngắm gói quà có trang trí cái nơ xanh xanh, Hoài mới hiểu hóa ra con sâu lúc nãy là đây. Liệu hắn có bày trò gì không ta. Tò mò quá xá nên dù sợ nguy hiểm, Hoài vẫn thử mở. Đó là một tấm thiệp khá ngộ nghĩnh có hình 1 cô giáo đang nhịp nhịp cái que, mồm khạc ra lửa, bên cạnh là một cậu học trò vừa ngồi chép bài vừa khóc hu hu. Dưới đấy là dòng chữ: “Cám ơn cô giáo trong suốt thời gian qua đã “hành hạ” em. Mong tiếp tục được cô “hành hạ” để em có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và cả 2 cùng đỗ được đại học. Cám ơn cô nhiều! Ký tên: Học trò cưng của cô!

Đọc thêm những cảm xúc tuổi học trò:

Nữ sinh dân tộc Mông đón mùa World Cup 2014

Tiếng ve ngày ấy

Những câu văn cười ra nước mắt của sĩ tử

Nỗi nhớ tình yêu tuổi học trò

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Thị Như Thủy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN