Giấc mơ điệp viên của thủ khoa Cảnh sát
Đó là mơ ước từ nhỏ của Phạm Thị Hồng Lam - thủ khoa khối D của HV Cảnh sát.
Giấc mơ trở thành điệp viên
Phạm Thị Hồng Lam từng là học sinh chuyên Anh trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) dự thi vào ngành Ngôn ngữ Anh của học viện Cảnh sát nhân dân với số điểm 25.
Hồng Lam là con thứ ba của một gia đình có bố và hai chị đều làm trong ngành cảnh sát. Vì vậy, khi nhìn thấy con gái út có dáng người nhỏ nhắn, mọi người đều khuyên Lam không nên đi theo nghề này, nhưng với tình yêu từ nhỏ dành cho nghề, cô vẫn quyết định dự thi vào học viện Cảnh sát nhân dân.
Ít ai biết rằng cô nữ sinh trong suốt những năm phổ thông thường bị bạn bè trêu đùa và chỉ biết cười lại có một ước mơ đặc biệt - trở thành điệp viên.
Lam nhớ lại: “Ngày bé, khi xem những bộ phim hành động của Mỹ, mình lập tức thần tượng và hy vọng sau này được trở thành điệp viên. Vì vậy, khi nghe bạn nói dự thi vào ngành Ngôn ngữ Anh của trường có thể sau này được làm điệp viên nên mình lập tức nộp hồ sơ”.
Vóc dáng nhỏ nhắn, khá trầm tính và hơi rụt rè, nhưng khi nhắc đến ước mơ trở thành điêp viên, cô nữ sinh này lập tức thay đổi, trở nên hào hứng hơn hẳn.
Dù khi đỗ vào trường, Hồng Lam biết rằng điệp viên sẽ được lựa chọn bí mật mà không phải thông qua dự thi hay xét tuyển, nhưng cô vẫn không từ bỏ hy vọng.
Lam chia sẻ: “Theo mình, điệp viên là những người nhanh nhẹn, tài giỏi, thông minh và ứng phó nhanh. Vì vậy, mình đang nỗ lực để có được những phẩm chất ấy”.
Dù biết rằng điệp viên là một nghề thường xuyên phải đối diện với sự nguy hiểm, thậm chí phải xa gia đình, cắt đứt liên lạc với người thân và làm những việc không ai được biết, Hồng Lam vẫn quả quyết: “Mình không sợ gì cả. Nếu có cơ hội chắc chắn mình sẽ tham gia”.
Bên cạnh mục tiêu đó, Hồng Lam hy vọng sau khi tốt nghiệp được làm việc tại Interpol (Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế).
Để thực hiện giấc mơ của mình, ngay từ khi là sinh viên năm nhất, Hồng Lam đã đặt ra rất cho mình rất nhiều mục tiêu phải hoàn thành.
Nữ sinh này tâm sự: “Trước mắt, mình sẽ cố gắng rèn luyện thể lực thật tốt trong câu lạc bộ Karate của trường. Ngoài ra, mình hy vọng sau khi tốt nghiệp học sẽ sử dụng thành thạo ba ngoại ngữ gồm Anh, Trung và Nhật và trau dồi khả năng Tin học”.
Khi biết được ước mơ của cô con gái út, cả nhà đều động viên Lam phải mạnh mẽ hơn. Sau khi nhập trường, bản thân Lam cũng đã thay đổi, nói nhiều và tự tin hơn.
Hồng Lam đã từng phải sống xa bố mẹ từ khi còn rất nhỏ.
Tuổi thơ không thể nào quên
Bất kể ai lần đầu tiếp xúc với Hồng Lam đều nghĩ đó là một cô gái nhút nhát và yếu đuối. Nhưng cô nữ sinh này đã từng trải qua những năm tháng tuổi thơ phải xa bố mẹ từ rất nhỏ.
Bố Lam là công an tỉnh Lai Châu nên từ khi cô còn nhỏ bố đã thường xuyên vắng nhà. Khi cô chưa vào lớp 1, mẹ cũng chuyển công tác lên cùng bố, ba chị em sống ở Hà Tĩnh cùng ông nội một năm, thì ông qua đời. Từ đó, Lam và hai chị tự lo liệu cuộc sống của mình mà không có bố mẹ ở bên.
Lam bồi hồi chia sẻ: “Lúc đó chị cả mới chỉ là học sinh lớp 8, còn mình vừa vào lớp 1. Thời gian đầu xa mẹ mình nhớ lắm. Nhà gần ga nên mỗi lần nghe tiếng tàu chạy qua là mấy chị em khóc vì không có mẹ bên cạnh, nhất là những lúc đau ốm”.
Dù còn rất nhỏ, nhưng những ngày tháng đó vẫn còn im đậm trong trí nhớ của cô. Lam kể: “Dù chỉ có ba chị em ở nhà nhưng ai cũng yêu thương nhau. Mình vẫn còn nhớ chị cả rất thích tập võ và hay rượt đuổi các em. Còn chị hai chăm chỉ thường làm hầu hết các công việc nhà”.
Mỗi năm Lam và các chị chỉ được gặp bố mẹ vào dịp nghỉ hè và Tết. Đó là khoảng thời gian quý báu khi cả gia đình được đoàn tụ và ở bên nhau.
Ngày đó, để đến trường Lam phải đi bộ 3 km và vượt qua một con sông nhưng chẳng khi nào cô bỏ học. Sang lớp 3, Lam được bố mẹ đón lên Lai Châu học tập. Tuy nhiên, cô gái này lại trở về Hà Tĩnh vào lớp 9 để có điều kiện ôn thi vào cấp 3. Nhờ sự chăm chỉ học tập và thông minh, Hồng Lam đã đỗ vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).
Chính khoảng thời gian sống xa bố mẹ từ nhỏ đã giúp Lam tự lập và mãnh mẽ hơn trong cuộc sống. Hiện tại, chị cả của Lam đang là sinh viên năm cuối học viện Quân y, chị thứ hai là công an của tỉnh Lai Châu. Thành công của ba cô con gái khiến bố mẹ Lam rất tự hào và vui sướng.
Chế tạo dầu gội, chữa bệnh cho gà
Bên cạnh khả năng học ngoại ngữ, Lam còn rất thích Hóa học. Niềm đam mê này đã dẫn tới không ít những tình huống dở khóc dở cười.
Lam từng thử chế tạo dầu gội và kết quả cô bạn thân dùng thử bị… nấm đầu. Lần khác, khi thấy gà trong vườn bị ốm, Lam quyết định thử chữa bệnh bằng cách pha thuốc kháng sinh và tiêm cho gà. Đáng tiếc, chú gà đã không thể qua khỏi.
Lam cũng tự nhân mình thích đi chợ và sáng tạo ra nhiều món ăn lung tung nhưng theo cảm nhận của cả nhà thì “vẫn ăn được”.
Dù đã trở thành một cô gái trưởng thành, nhưng những ký ức thời trẻ thơ vẫn còn in đậm trong Lam. Mỗi lần nhớ lại luôn khiến cô nở nụ cười rạng rỡ.