Được lòng sếp lớn, mất lòng sếp bé

Bạn đừng nghĩ đây là vấn đề của riêng công ty bạn, ở đâu cũng có sự bất công.

Khi không muốn chiến đấu, một vẻ bề ngoài vô hại chính là vũ khí tối thượng mà bạn nên sử dụng. Không phải tự dưng người ta nói “tránh voi chẳng xấu mặt nào” đâu, lùi một bước sẽ tạo ra không gian rộng hơn cho bạn.

Trong công ty của tôi, ở dưới sếp Tổng còn có chị Kế toán trưởng không chỉ lo cân đối tài chính mà chị còn can thiệp vào rất nhiều thứ trong công ty nữa. Tôi chỉ là một nhân viên bình thường nhưng rất được lòng sếp Tổng, hình như đó chính là lý do mà chị Kế toán trưởng luôn tỏ ra không hài lòng với tôi từ chuyện nhỏ cho tới chuyện lớn. Nếu tôi có hé lời nói với sếp Tổng về những điều vô lý mà chị làm với tôi, sếp Tổng có trách, chị lập tức xin lỗi tôi trước mặt đông đủ mọi người, nhưng sau lưng sếp chị lại tiếp tục làm như thế. Chẳng nhẽ tôi lại tiếp tục mách với sếp cho đến khi nào chị ta chừa thì thôi? 

Bạn có biết những con thú ăn thịt trong rừng như hổ, báo, chó, mèo... đều có thói quen dùng nước đái của mình để đánh dấu lãnh thổ như một tuyên bố “bất khả xâm phạm” hay không? Vùng đất khai mù lên đó được coi như đã có chủ quyền, chỉ cần bước chân vào là sẽ có chiến tranh. Những con thú đồng loại phải lựa chọn hoặc là “in” (vào) thì chiến đấu một sống một còn, hoặc là biết đường “out” (ra) sớm để bảo toàn tính mạng.

Thế giới loài người cũng không khác gì loài vật, có chăng cách thức thể hiện tinh tế hơn thôi. Người ta hành động theo nỗi sợ và những ham muốn của bản thân. Thật ra, sếp Tổng của bạn cũng phải chịu trách nhiệm một phần về tình trạng mâu thuẫn này. Bởi vì nếu trong công ty mà mọi thứ rõ ràng, ai làm việc người ấy và có phạm vi quyền hạn riêng, thì các nhân viên thuộc những bộ phận khác nhau sẽ ít có chuyện tranh đấu với nhau. Hoặc cũng có thể sếp lớn còn bận lo toan rất nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn sự mâu thuẫn giữa các chị em trong công ty, cho nên hầu như không thể trông chờ vào sự can thiệp của cấp trên, mà bạn phải tự thân vận động thôi.

Được lòng sếp lớn, mất lòng sếp bé - 1

Tôi chỉ muốn được yên để tập trung làm tốt những công việc mình đang làm thôi (Ảnh minh họa)

Bạn không nên nói với sếp Tổng theo kiểu “Em bị chị ấy bắt nạt”, như thế chỉ thể hiện sự non nớt của bạn và sếp Tổng cũng không giải quyết được gì. Thay vào đó, hãy khéo léo mà nói rằng: “Công việc của em làm gần xong rồi, chỉ còn mắc một chút xíu ở chỗ chị Kế toán, em cũng rất muốn làm nhanh lắm mà không được!”, như thế vấn đề sẽ rõ ràng hơn và cấp trên có thể giải quyết được.

Ngoài ra, với mỗi sự việc, bạn đừng thể hiện là mình mâu thuẫn với con người cá nhân của sếp bé (dù bên trong bạn nghĩ như thế thật). Hãy cho mọi người (và chị sếp bé) biết rằng, bạn chỉ không đồng ý với cách làm việc của chị ấy và bạn muốn cách làm việc được thay đổi thế nào để tốt nhất cho công ty chứ không phải cho cá nhân bạn.

Thứ mà sếp bé của bạn muốn, chính là “lãnh địa”, nơi bạn phải tuân theo luật của chị ấy, được chị ấy đang làm điều đó một cách khéo léo, ít ra là khéo léo hơn bạn. Sếp bé của bạn sợ nhân viên giành lấy những gì đang có, nếu bạn để cho chị ấy hiểu rằng bạn không có tham vọng lên làm lãnh đạo hay làm gì tổn thương chị ấy, thì mâu thuẫn đó sẽ tự động giãn xuống. Nhưng người ta sẽ không thể tự nhiên mà biết điều đó. Bạn hãy tìm các cách kết thân bằng “n” lý do nghĩ ra, như “Chiếc váy chị mặc đẹp thế, chị mua ở đâu vậy”, “Bé con nhà chị khỏe không, em biết chỗ mua sữa trẻ em tốt mà giá cả phải chăng”... Trong các cuộc họp, nếu bạn đang nói gì mà chị ấy ngắt lời, hãy im lặng ngay lập tức để chị ấy nói điều cần nói. Các luật lệ hay quy định mà chị ấy đưa ra, trừ phi nó quá vô lý (và nếu quá vô lý thì nhiều người trong công ty sẽ phản đối chứ không chỉ mình bạn) còn thì bạn cứ tuân thủ cho đúng.

Khi không muốn chiến đấu, một vẻ bề ngoài vô hại sẽ chính là vũ khí tối thượng mà bạn nên sử dụng. Không phải tự dưng người ta nói “tránh voi chẳng xấu mặt nào” đâu, lùi một bước sẽ tạo ra không gian rộng hơn cho bạn đấy.

Tôi rất ghét chị ta nên sẽ không làm bất cứ việc gì để “lấy lòng” hay “kết thân”. Sống trên đời đâu cần được lòng tất cả mọi người. Tôi chỉ muốn được yên để tập trung làm tốt những công việc mình đang làm thôi.

“Lưỡi còn vì mềm, răng không còn vì cứng”. Cái gọi là “công việc” nói chung, còn bao gồm trong nó cả “quan hệ với đồng nghiệp” chứ không chỉ ở hợp đồng và ở Việt Nam điều đó còn đúng hơn nữa. Nếu bạn cứ khăng khăng giữ thái độ như vậy thì e rằng người đi khỏi công ty... không phải là chị sếp bé. Bạn đừng nghĩ đây là vấn đề của riêng công ty bạn, ở đâu cũng có sự bất công và càng trưởng thành càng nên nhận thức rõ những bất công đó. Rất có thể sau này, muốn hoặc không muốn, bạn đứng vào vị trí của người quản lý bây giờ và đối mặt với những áp lực hiện nay chị ấy đang phải chịu cũng nên.

Bạn sẽ không thể chỉ tập trung làm việc được nếu cây khao khát lặng đến đâu đi nữa mà gió cũng chẳng chịu dừng. Vì vậy, bạn cần phải lựa chọn vị trí đứng của mình thật rõ ràng: hoặc thuộc vào “lãnh địa” của chị sếp bé, hoặc tìm kiếm/tạo ra “lãnh địa” cho riêng mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mốt & cuộc sống
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN