Đề xuất xe buýt riêng cho phụ nữ để tránh quấy rối tình dục

GS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển cho rằng, nên có xe buýt, toa tàu hỏa dành riêng cho phụ nữ, trẻ em để tránh nạn quấy rối tình dục.

Theo kết quả khảo sát do Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình & Môi trường trong Phát triển, có 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt, 20% người chứng kiến trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng không hành động gì...

Đề xuất xe buýt riêng cho phụ nữ để tránh quấy rối tình dục - 1 
Không khó để bắt gặp cảnh quấy rối tình dục trên xe buýt (Ảnh minh họa)

Trao đổi với phóng viên, GS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển cho biết, qua nghiên cứu chương trình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”, Giáo sư Quý nhận được phản ánh của các em gái về việc bị quấy rối tình dục trên xe buýt.

Có nhiều cách biểu hiện về quấy rối tình dục khác nhau, ví dụ, có trường hợp như cố ý lợi dụng chen lấn để đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của người phụ nữ. Hoặc người nam nhìn chằm chằm vào bộ phận "nhạy cảm" trên cơ thể phụ nữ, rồi tỏ thái độ khiếm nhã... Không chỉ nữ sinh mà cả nam sinh cũng bị lạm dụng từ người đồng tính.

Qua khảo sát của mình, Giáo sư kể lại, nhiều phụ nữ sau khi bị quấy rối tình dục, họ bước xuống xe buýt với trạng thái tổn thương, nôn ọe,  cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.

Một phụ nữ kể lại rằng, lúc trên xe buýt đông người, gã con trai cứ đứng áp sát ngực vào phía sau lưng chị. Lúc sau, khi bước xuống xe buýt chị mới thấy trên quần áo chị có “vết loang”của “dê xồm”. Lúc đó, nạn nhân có cảm giác ghê sợ khủng khiếp.

Giáo sư cũng cho rằng, rất khó xử lý nạn quấy rối tình dục trên xe buýt. Chỉ có thể xử lý được trong trường hợp nạn nhân phản ứng mạnh mẽ thì người xung quanh mới biết để bênh vực nạn nhân, lên án kẻ quấy rối.

Tuy nhiên, đa phần nạn nhân im lặng, không lên tiếng tố giác ngay bởi họ cảm thấy xấu hổ khi nói ra vấn đề “tế nhị”.

“Các chị em hãy nghĩ lại, trong trường hợp quấy rối tình dục, ai mới là người phải xấu hổ? Những kẻ đi quấy rối tình dục mới xấu hổ chứ nạn nhân không việc gì mà xấu hổ. Các chị em không thể xấu hổ thay cho kẻ “quấy rối”, nữ Giáo sư đưa ra lời khuyên.

Do vậy, nạn nhân phải phản ứng một cách mạnh mẽ, nói ra bằng lời hoặc có thể dùng “cái tát” để phản ứng lại “kẻ quấy rối” trên xe. Điều này sẽ làm đối tượng quấy rối không dám tiếp tục hành vi. Nếu nạn nhân cứ im lặng, đồng nghĩa tiếp tay cho kẻ quấy rối thực hiện hành vi đối với người khác.

Đề xuất xe buýt riêng cho phụ nữ để tránh quấy rối tình dục - 2 

GS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển 

Bà cũng đồng tình với giải pháp của Hà Nội giao cho Sở GTVT Hà Nội, Công an TP và Tổng công ty vận tải Hà Nội vào cuộc điều tra, giải quyết nạn quấy rối tình dục. Cần phải đưa lên mặt báo một vài “tấm gương” để họ cảm thấy xấu hổ và răn đe những ai đang có ý định quấy rối.

 Đối với người bị bệnh, phải được đưa đi chữa, không thể để họ mang bệnh ra gây hại cho xã hội.

Giải pháp khác được Giáo sư Quý đề xuất chính là có xe buýt dành riêng cho phụ nữ, người già, trẻ em. Điều này sẽ hạn chế được nam giới cùng có mặt trên xe buýt, nhất là lúc đông người để lợi dụng, quấy rối phụ nữ.

Bà cũng cho biết thêm, trên các phương tiện công cộng khó tránh khỏi người bị bệnh “lệch lạc về tình dục”, nếu có xe buýt riêng cho phụ nữ sẽ giúp chị em tránh được đối tượng này.

Theo Giáo sư, ở các nước như Ấn Độ, Mexico... đã có xe buýt, toa tàu hỏa dành riêng cho phụ nữ, trẻ em để giải quyết nạn quấy rối tình dục nơi công cộng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó GD Sở GTVT Hà Nội nói rằng, hành vi quấy rồi tình dục “nhạy cảm”, nếu không để lại hậu quả, bằng chứng, không cấu thành hành vi vi phạm...  chưa thể đưa ra xét xử theo pháp luật.

Ông Linh khuyên các nạn nhân phải lên tiếng tố giác ngay khi có dấu hiệu bị quấy rối tình dục trên xe buýt. “Làm như vậy, nạn nhân sẽ nhận được sự bênh vực từ những người xung quanh. Người quấy rối sẽ cảm thấy xấu hổ mà dừng hành vi của mình lại” - ông Linh cho hay.

Thông tin 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt và 20% người chứng kiến trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng không hành động gì đã được công bố tại Hội thảo “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: Giấc mơ có thành hiện thực?” do Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam (Plan) và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình & Môi trường trong Phát triển (CGFED) tổ chức. Đây là kết quả khảo sát 2.046 người.

Theo kết quả khảo sát, 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này. 40% người tham gia khảo sát đã từng chứng kiến các hành vi quấy rối các em gái vị thành niên, 47% trong số đó chứng kiến hành vi này lặp lại nhiều lần, chỉ 13% trẻ em gái cảm thấy an toàn tại những nơi công cộng . 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN