Dân công sở rủ nhau trốn việc đầu năm

Dù kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài hơn so với năm ngoái nhưng dân công sở vẫn trốn việc cơ quan để đi xem bói, lễ chùa hay… đánh bài đầu năm ngay tại cơ quan.

Bỏ việc cơ quan đi xem bói, lễ chùa đầu năm

Nếu không xin nghỉ được cả ngày để đi chùa chiền xa thì dân công sở, đặc biệt là chị em phụ nữ thường tranh thủ vài tiếng đầu giờ hoặc chiều để đi chùa ở gần cơ quan hoặc nhà mình, bởi quan niệm năm mới đi làm việc đang còn ít, lại chưa lấy được hứng thú với công việc nên hầu hết dân công sở đều chọn cách đi chùa cầu may.

Chị My, nhân viên ngân hàng nói: “Năm nào mình và các chị cùng cơ quan cũng rủ nhau đi lễ chùa vào dịp đầu năm mới, lên cơ quan chỉ một lúc rồi chị em kéo nhau đi chùa. Đầu năm công việc chưa nhiều, sếp thì dễ tình, hơn nữa người Việt Nam trọng tâm linh, người ta đi mà mình không đi thì cảm giác bất an, sợ thần linh trách phạt.”

Là một người cũng trọng về phần âm, cô Giang, Hoàng Mai chia sẻ: “Năm mới tôi tranh thủ đến cơ quan một chốc vào buổi sáng rồi cũng về chuẩn bị lễ cúng lên chùa thắp hương, cầu trời khấn phật cho cả năm được bình an, mạnh khỏe. Mấy ngày Tết bận đi chúc tết nhà này, nhà kia nên chưa đi được chùa, đành để hết Tết mới đi”.

Trong khi nhiều chị em trốn việc đi lễ chùa cầu may thì một số khác lại tận dụng đầu năm được sếp cho qua liền kéo nhau đi xem bói. Đây cũng là lý do mà từ nhiều năm nay, những ngày đầu xuân được xem là dịp các thầy bói bốc ra tiền. Bói quẻ lành thì ít que dở thì nhiều. Nhiều chị em bị thầy bói phán quẻ không tốt, liền xì tiền ra cho thầy giải hạn, thế là tiền cứ từ từ đi vào túi thầy bói một cách dễ dàng. Trong số đó, có những chị em đến tuổi mà chưa lấy được chồng, lại được thầy phán năm nay chưa lấy được chồng, phải làm lễ cắt duyên mới tìm được chồng tử tế, đàng hoàng; không thì “cao số”, “nặng duyên âm”, khó lấy chồng, không làm lễ “cắt tiền duyên” thì ở vậy cả đời.

Anh Hà, 30 tuổi, dù không phải là độ tuổi già quá vì các cụ có câu “trai 30 tuổi vẫn xoan”, nhưng do bố mẹ đã tuổi xế chiều nên anh cũng muốn nhanh chóng lập gia đình, yên bề gia thất cho bố mẹ an lòng, có cháu bồng cháu bế. Nhưng chật vật, trải qua 4, 5 mối tình từ thời sinh viên, đến giờ anh vẫn chưa tìm được ý chung nhân. Anh Hà kể: “Mẹ mình lo lắng, sốt ruột nên đưa mình đi thầy cắt duyên, đặt lễ mấy triệu, thầy nói cắt duyên xong chắc chắn sẽ lấy vợ được ngay”.

Công sở vắng tanh vì chị em trốn việc đi làm đẹp

Chị Dương 24 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội là nhân viên kế toán cho biết: “Năm nay việc kinh doanh của công ty cũng gặp nhiều khó khăn, đầu năm công việc ít nên chị em lên công ty ngồi chơi cũng chán đành rủ nhau đi tút tát lại chút nhan sắc, vì sợ ít bữa nữa công việc bận rộn không còn thời gian chăm sóc sắc đẹp”.

Dân công sở rủ nhau trốn việc đầu năm - 1

 Tâm lý vui chơi ngày Tết vẫn còn nên tinh thần làm việc của nhiều người vẫn chưa thể tập trung được (Ảnh minh họa)

Vừa bước chân đến cửa văn phòng, chị Tú đã nghe mấy chị em trong phòng đang bàn bạc đi chỉnh chu lại hình thức, nào là đi lột da mặt ở đâu, dưỡng da toàn thân chỗ nào tốt. Tết nghỉ dài ngày nhưng do bận nhiều việc bên nội, bên ngoại, rồi về quê ăn Tết, không có điều kiện đi làm đẹp nên khi ra thành phố các chị em tranh thủ đi “tân trang” lại ngay. Bàn bạc xong các chị em nháo nhào đi ngay trong giờ làm việc đầu năm mới.

Đúng là đầu năm mới, hầu như mọi người đang quen với việc ăn chơi nghỉ Tết nên chưa xốc lại được tinh thần làm việc như ngày thường, kết quả là cả văn phòng đang rôm rả tự nhiên lạnh tanh như vẫn đang kì nghỉ Tết.

Đầu năm dân công cở "sát phạt" ngay tại cơ quan

Dịp đầu năm hiếm có cơ quan, văn phòng nào bắt đầu làm việc nghiêm túc luôn được. Ngẫm mới thấy lời các cụ nói “tháng giêng là tháng ăn chơi” vẫn còn nguyên giá trị. So với những năm trước thì năm nay được nghỉ tận 9 ngày, nhưng đến khi công việc bắt đầu trở lại thì mọi người vẫn còn mang tinh thần vui chơi của ngày Tết đến cơ quan.

Các chị em phụ nữ thì trốn việc cơ quan rủ nhau đi spa, làm đẹp, đi chùa chiền, xem bói; đàn ông thì có thú vui đến cơ quan ngồi “xếp quạt”. Anh Quốc Vượng, 28 tuổi, nhân viên kinh doanh của một công ty nói: “Tết nhất chưa ai mua bán gì nên đến công ty chỉ để điểm danh thôi, ngồi lại cơ quan chơi bài với các anh em là vui nhất”.

Điều này cũng diễn ra ở cơ quan của chị Hoa, nhân viên kỹ thuật ở Hà Nội. Cơ quan chị vốn ít phụ nữ, nhiều nam giới nên cứ đến dịp Tết là các ông ấy lại chia nhau ra ngồi thành vòng tròn 4 đến 5 người chơi đủ các loại từ phỏm đến ba cây, bài nam. Gọi là chơi cho vui nhưng cũng có người thua, người thắng. Người thắng thì vui vẻ, tươi cười, rạng rỡ, người thua thì mặt mũi ỉu xìu.

Không chỉ riêng năm nay và cũng không chỉ riêng một cơ quan công sở nào đó, tâm lý vui chơi ngày Tết vẫn còn nên tinh thần làm việc của nhiều người vẫn chưa thể tập trung được.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Xốc lại tinh thần làm việc sau Tết

Dân công sở thích "buôn chuyện" hơn công việc

Mất việc "ngon" vì tật nói ngọng

Chuyện rất... đàn bà nơi công sở

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Gianh (Đời sống & pháp luật)
Ăn mặc và giao tiếp chốn công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN