Cô hiệu trưởng trả lời sai: Có đáng bị ném đá?

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Việc lúng túng trên truyền hình có đáng để cô hiệu trưởng phải nhận nhiều "gạch đá" đến vậy?

Câu chuyện cô giáo hiệu trưởng một trưởng tiểu học ở Phú Thọ tỏ ra lúng túng trên truyền hình và trả lời sai câu hỏi "Nghĩa trang Hàng Dương nằm ở đâu?" gây xôn xao dư luận suốt những ngày qua. 

Cô hiệu trưởng trả lời sai: Có đáng bị ném đá? - 1

Việc trả lời sai câu hỏi về nghĩa trang Hàng Dương khiến nữ hiệu trưởng bị "ném đá" dữ dội

Clip phần thi của cô Nguyễn Thị Kim Liên (hiệu trưởng trường Tiểu học Phù Ninh (Phú Thọ) trong chương trình "Ai là triệu Phú" phát sóng ngày 14/6 được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Kèm theo đó là vô số những lời chỉ trích, châm biếm khi cô không biết nghĩa trang Hàng Dương - nơi chôn cất anh hùng Võ Thị Sáu nằm ở tỉnh nào và trong số 8 câu hỏi của show truyền hình thì có 4 câu cô phải nhờ đến sự trợ giúp.

Không chỉ bị chế giễu về chuyên môn, nữ hiệu trưởng còn bị gọi là "thánh nổ" bởi trước đó, ở phần đầu chương trình cô đã "trót" chia sẻ rằng mình thường xuyên đạt giải nhất trong các cuộc thi  giáo viên giỏi, quản lý giỏi, đỗ thủ khoa...

Chia sẻ với báo chí, cô giáo hiệu trưởng cho hay, cuộc sống của cô bị ảnh hưởng quá nhiều bởi "làn sóng" chỉ trích của cộng đồng mạng. Thậm chí, bạn bè cô còn nói, tham gia chương trinh này là việc làm dại dột của cô.

Liệu việc tỏ ra lúng túng trên truyền hình có đáng để nữ hiệu trưởng bị "ném đá" nhiều đến vậy? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với blogger Nguyễn Ngọc Long xung quanh chủ đề này.

Anh nghĩ sao về việc hiệu trưởng trường tiểu học không biết nghĩa trang Hàng Dương - nơi chôn cất anh hùng Võ Thị Sáu nằm ở đâu?

Tôi thấy bình thường. Thú thật, tôi cũng không biết nghĩa trang Hàng Dương ở đâu và không biết nó có liên quan đến chị Võ Thị Sáu. Trong đầu tôi chỉ biết đến mấy nghĩa trang là: Văn Điển, Bình Hưng Hóa, Ninh Hải... tại những tỉnh tôi đã sống.

Tôi có đi thăm một số nghĩa trang liệt sĩ ở Việt Nam nhưng tôi không nhớ được tên.

Cô hiệu trưởng trả lời sai: Có đáng bị ném đá? - 2

Cô Kim Liên còn bị gọi là "thánh nổ" khi chia sẻ về các giải thưởng của mình

Việc trả lời sai câu hỏi này khiến cô giáo hiệu trưởng bị "ném đá" nhiều bởi đường đường là hiệu trưởng mà không nhớ nổi kiến thức có trong chương trình học tập của học sinh. Anh có đồng tình?

Nhiệm vụ của một hiệu trưởng là điều hành chứ nhỉ? Chỉ khi cô ấy không nhớ các kiến thức về điều hành, quản lý giáo dục thì mới đáng bị "ném đá".

Mà ngay cả khi ở cương vị giáo viên cô ấy cũng chỉ cần giỏi việc truyền đạt kiến thức và quan trọng nhất là truyền cảm hứng chứ không phải phấn đấu thành "cái kho lưu trữ". Cô gấy đâu cần phải giỏi hơn học sinh? Quan niệm giáo viên phải là "siêu nhân" đã quá lỗi thời.

Tôi cho rằng, người giáo viên cần dạy giỏi hơn học sinh chứ không cần giỏi nhớ kiến thức hơn học sinh. Và kỹ năng quan trọng nhất của một giáo viên là truyền cảm hứng. Ngay cả những thứ đáng ra cần phải nhớ mà cô ấy lỡ có quên thì cũng chẳng sao. Đâu ai nhớ hết được mọi thứ trên đời ở mọi nơi, mọi lúc?

Một số ý kiến còn cho rằng, sở dĩ cô giáo này bị "ném đá" dữ dội như vậy là bởi phần đầu chương trình đã "nổ" quá nhiều rồi khi bước vào phần thi lại không làm tốt? Anh nghĩ sao?

Tôi nghĩ việc "ném đá" đó là hành vi vô học. Nhưng cười nhạo mà không xúc phạm thì họ có thể làm vì đó là quyền cá nhân.

Cô hiệu trưởng trả lời sai: Có đáng bị ném đá? - 3

Blogger Ngọc Long cho rằng, một hiệu trưởng chỉ đáng bị phê phán khi họ quên các kiến thức về điều hành

Nghĩa là theo anh, việc một hiệu trưởng lúng túng trên truyền hình và trả lời sai câu hỏi về kiến thức chuyên môn không đáng để bị chỉ trích nhiều như thế?

Ai tự tin trả lời được hết các câu hỏi về mọi địa danh, mọi nhân vật, mọi mốc thời gian.... mời đến gặp tôi trắc nghiệm.

Về việc này, đôi lúc tôi nghĩ, nếu nghĩa trang đó không phải là nơi chôn cất một vị anh hùng mà chỉ là một nghĩa trang bình thường thì cô giáo kia có bị ném đá nhiều như thế. Nếu lý luận, nhớ hết các thông tin về một vị anh hùng là thể hiện sự tôn kính thì bây giờ tôi hỏi tiếp: Chị Sáu sinh năm bao nhiêu? Bị bắt ngày nào? Bị kết án ngày nào?... Tôi chắc không nhiều người trả lời được hết. 

Riêng tôi, đôi khi còn muốn xóa bớt một số kiến thức trong đầu chứ đừng nói đến chuyện cố nhớ thêm một chút để được coi là giỏi. Khi cần tra cứu, tôi sẽ hỏi "anh google", vừa nhanh, vừa chính xác lại cập nhật kịp thời.

Gần đây, có một nhân vật cũng trở thành "trung tâm ném đá" của các "anh hùng bàn phím", đó là hoa hậu Thu Vũ. Trong một cuộc thi nam vương, khi cô đưa ra câu hỏi bằng tiếng Anh cho thí sinh, cả khán phòng đều đơ ra không hiểu. Anh nghĩ sao về trường hợp này?

Tôi cũng phải xấu hổ để thú nhận rằng, tiếng Anh của tôi không khá lắm nên khi nghe cô ấy nói tiếng Anh tôi không thấy buồn cười. Nhưng nếu cô ấy biết trước phải nói tiếng Anh thì nên ôn luyện trước hoặc xin phép ban tổ chức cho nói tiếng Việt và nhờ phiên dịch.

Việc cô ấy chưa giỏi tiếng Anh không có tội nhưng không lượng sức mình để làm ảnh hưởng đến chương trình thì lại là lỗi không đáng có.

Cô hiệu trưởng trả lời sai: Có đáng bị ném đá? - 4

Hoa hậu Thu Vũ - người bị phê phán vì nói tiếng Anh dở trong một cuộc thi nam vương

Trong các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam, có khá nhiều nàng hậu bị chỉ trích, phê phán vì ngoại ngữ kém. Riêng anh thấy sao về việc hoa hậu không biết tiếng Anh?

Ngày trước chỉ có thi hoa hậu, không có thi người mẫu. Giờ lại tách ra hoa hậu riêng, người mẫu riêng rồi lại tách tiếp thi người mẫu high-fashion và người mẫu commercial (The Face).

Tôi cho rằng theo xu thế sẽ có cuộc thi người mẫu mông, đùi, ngực, chân, mặt... Mọi thứ sẽ được chuyên nghiệp hoá vì vậy, hoa hậu không cần thiết phải trở thành một siêu sao tiếng Anh. Ngoại ngữ chỉ nên được coi như một loại trang sức cộng thêm thôi là vừa vặn.

Từ hai trường hợp trên, anh có ý kiến gì về thói chê bai của cộng đồng mạng Việt?

Bình luận về việc Hoa hậu Thu Vũ nói tiếng Anh quá dở, trang Manila Chanel viết: "Nếu bạn gặp phải tình huống như vậy, đừng cười họ mà hãy giúp họ". Tôi nghĩ câu bình luận này đáng để suy ngẫm.

Việc chỉ trích cô giáo hiệu trưởng, Hoa hậu Thu Vũ rất có hại cho xã hội. Nó khiến cho mọi người khiếp đảm" không còn dám xuất hiện trong show truyền hình kiến thức hoặc không dám nói tiếng Ạnh trước chỗ đông người, không dám mạnh dạn giơ tay phát biểu. Hệ quả là tất cả chúng ta sẽ đi lùi.

Liệu có phải càng ngày chúng ta càng khắt khe với nhau nên chỉ cần một chút sai sót là có thể đua nhau mổ xẻ và chế giễu?

Tôi nghĩ tình trạng này đã bị bám rễ trở thành "văn hoá" chứ không đơn giản chỉ là thói quen. Tức là, việc chỉ trích, lên án được coi là chuyện bình thường, hiển nhiên. 

Hệ quả là khi thấy bất cứ sự sai sót nào, người ta sẽ bị "kích hoạt" dây thần kinh chửi. Tôi không cho rằng, nhiều người tham gia chửi ý thức được họ đang quá khắt khe hay đang chế giễu người đối diện.

Tất nhiên, cứ chê thôi nếu điều đó làm cuộc đời các bạn thêm hạnh phúc và thành công. Tôi nghĩ vế đầu thì dễ đạt được đấy nhưng vế sau thì rất khó. Tôi chưa từng đọc được một ưu tiên tuyển dụng nào dành cho những kẻ giỏi chê bai, ném đá.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN