Cô gái Hà Nội lấy chồng nhà đối diện, không đếm xuể số lần về ngoại trong ngày

Miêu tả cuộc sống lấy chồng gần của mình, cô gái Hà Nội nói: “Chỉ cần chạy ra cửa là nhìn thấy nhà bà ngoại, mỗi sáng quét cổng có thể quét luôn cho cả hai nhà”.

“4 năm yêu đương không tốn tiền xăng”

Chia sẻ loạt clip lấy chồng nhà đối diện trên TikTok, chị Nguyễn Thị Hoài Thu (32 tuổi, Long Biên, Hà Nội) khiến hội chị em thích thú. Nhiều người lấy chồng xa bày tỏ niềm ao ước được ngày ngày kề cạnh nhà ngoại như nàng dâu Hà thành.

Bên cạnh đó, nhiều người thắc mắc: “Hai nhà gần nhau như vậy, thuở tán tỉnh nhau sẽ thế nào?”; “Ngày đưa đón dâu tổ chức ra sao?”; “Vợ chồng lỡ xô bát xô đũa có khiến cả hai bên khó xử?”…

Trò chuyện với PV, chị Hoài Thu chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống hôn nhân của mình.

Chị Hoài Thu và anh Hoàng Tiến Nam (38 tuổi) kết hôn năm 2012 sau 4 năm yêu. Thuở cấp 1, cấp 2, dù sống đối diện nhà nhưng họ không có ấn tượng gì về nhau, không trò chuyện, cũng không có bạn bè chung.

Loạt clip chia sẻ cuộc sống lấy chồng gần của Hoài Thu hút sự quan tâm của dân mạng. Ảnh chụp màn hình

Loạt clip chia sẻ cuộc sống lấy chồng gần của Hoài Thu hút sự quan tâm của dân mạng. Ảnh chụp màn hình

Trong xóm, anh Nam được mệnh danh là “con nhà người ta” vì học giỏi. 

“Hồi đó, mỗi lần sang nhà anh Nam chơi, mình thường nghe mẹ anh kể xấu con trai. Bà kể con trai ham chơi điện thử, lên đại học lười học hơn… Bà kể thế thôi chứ anh Nam nổi tiếng trong xóm là thanh niên mọt sách”, Thu kể.

Hè năm lớp 9, Thu và một nhóm bạn đến nhà anh Nam học thêm. Cũng nhờ lần học gia sư ấy, chị lấy được chồng như ý.

Kết thúc kỳ học, thi đỗ vào lớp 10, Thu nhận được thư tay tỏ tình của anh hàng xóm. 

“Anh nhắn nhủ mình cứ yên tâm học hành, anh sẽ đợi. Mình bất ngờ lắm, vừa muốn từ chối thẳng thừng lại vừa sợ người ta tổn thương. Mình hỏi ý kiến mẹ. Mẹ bảo mẹ mong mình lấy chồng gần, hơn nữa, nếu là anh Nam thì mẹ càng yên tâm vì bấy lâu nay đã biết rõ tính tình, hoàn cảnh gia đình của anh”, Thu chia sẻ.

Nghe mẹ tư vấn, chị quyết định cho bản thân và chàng trai hàng xóm một cơ hội. Cả hai hẹn hò nhưng vẫn giấu gia đình suốt 2 năm.

Hình ảnh hài hước mỗi kỳ nghỉ hè của hai con gái Hoài Thu. Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh hài hước mỗi kỳ nghỉ hè của hai con gái Hoài Thu. Ảnh chụp màn hình

Trong thời gian đó, dù nhà đối diện nhưng mỗi khi đi chơi, họ vẫn phải hẹn gặp nhau ở đầu đường. Trước mặt gia đình, dù chạm mặt đôi bên vẫn tỏ ra như không quen biết.

Khi cặp đôi công khai tình cảm, hai bên gia đình đều rất vui mừng. Mẹ chồng Thu mừng rỡ nói: “Vẫn mong con trai lấy vợ gần mà không ngờ lại gần đến thế”.

Thu thường nói đùa với chồng “4 năm yêu em, anh chẳng tốn mấy tiền xăng”. Khoảng cách quá gần cũng khiến mỗi lần cãi vã, giận hờn của cặp đôi trở nên chóng vánh.

Ngó ra khỏi cửa nhà chồng là nhìn thấy nhà đẻ

Ngày sắp cưới, Thu từng tưởng tượng ra cảnh đi bộ rước dâu, đuôi váy cô dâu chưa kịp ra khỏi nhà đẻ, đã đến nhà chồng. Thế nhưng, sự thật lại không như vậy.

Nhà anh trai chồng Thu có một khu đất xây nhà riêng, cách đó khoảng 5 phút đi bộ. Ngày cưới, nhà trai dựng rạp ở căn nhà đó nên không có cảnh hai cổng cưới dựng đối diện nhau.

“Nhờ thế mà mình được trải nghiệm cảm giác đưa đón dâu. Chứ rước dâu chỉ có vài bước chân thì hài lắm”, Thu cười nói.

Vợ chồng Hoài Thu đã có 12 năm “về chung một nhà”. Ảnh NVCC

Vợ chồng Hoài Thu đã có 12 năm “về chung một nhà”. Ảnh NVCC

Tuy vậy, đám cưới gần nhà vẫn có một vài tình huống hài hước như: khách mời vào nhầm đám cưới; cô dâu sáng ở nhà chồng, chiều về nhà đẻ, chú rể quên sang đón cô dâu về…

Tháng đầu tiên về làm dâu, Thu vẫn giữ kẽ. Mỗi khi muốn về nhà mẹ, chị phải e thẹn xin phép bố mẹ chồng dù hai nhà chỉ cách nhau 5 giây đi bộ. Sau này, khi đã quen thuộc hơn, Thu không đếm xuể số lần về ngoại trong một ngày.

Cuộc sống làm dâu nhà đối diện của Thu là: Chỉ cần chạy ra cửa là nhìn thấy nhà ngoại, mỗi sáng quét cổng có thể quét luôn cho cả hai nhà, bố mẹ ốm chỉ cần điểm danh là có mặt ngay lập tức, không bỏ lỡ bất kỳ bữa cỗ hay giỗ chạp nào của nhà ngoại, không tốn tiền xe khi về nhà mẹ đẻ, không bao giờ đắn đo chuyện “Tết nội – Tết ngoại”, có thể chạy về nhà mẹ bất cứ lúc nào dù là nửa đêm hay sáng sớm…

Có người bình luận hài hước về cuộc sống lấy chồng gần của Thu: “Có con mà gả chồng gần, có bát canh cần con cũng sang xin”. Trên thực tế, chuyện sang nhà ngoại “ăn chực” hoặc xin bát lạc rang, bắp ngô luộc, quả chanh, quả ớt… đối với Thu là chuyện cơm bữa. Đổi lại, mỗi khi có miếng ngon, cô cũng dễ dàng đem sang biếu bố mẹ.

Những năm đầu mới cưới, mọi sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, giặt giũ, Thu đều làm ở nhà ngoại. Chỉ lúc ăn, ngủ cô mới về nhà chồng.

Thời điểm sinh nở, cô được cả hai bên hỗ trợ nhiệt tình, ngày thì bà nội, tối thì bà ngoại. Đôi bên chưa bao giờ xảy ra xích mích trong chuyện chăm sóc con cháu.

Thu hạnh phúc khi mối quan hệ giữa hai bên nội, ngoại luôn tốt đẹp. Ảnh NVCC

Thu hạnh phúc khi mối quan hệ giữa hai bên nội, ngoại luôn tốt đẹp. Ảnh NVCC

“Điều khiến mình hạnh phúc và tự hào nhất là hai nhà nội ngoại rất hiểu nhau. Đặc biệt bà nội và bà ngoại vốn thân thiết từ trước nên khi hai con kết hôn, thân lại càng thêm thân”, Thu chia sẻ.

Để tránh khỏi những tình huống khó xử khi lấy chồng gần, vợ chồng chị Thu thống nhất với nhau một số quy tắc như: không to tiếng khi cãi nhau, không xưng hô thiếu chuẩn mực, luôn bình tĩnh lắng nghe nhau…

Bản thân Thu cũng không cho phép mình được “xách vali về nhà ngoại” mỗi khi mâu thuẫn với chồng, không kể xấu chồng với mẹ đẻ…

12 năm về chung một nhà, cuộc hôn nhân của Thu vẫn luôn êm ấm, hai bên gia đình chưa từng xảy ra va chạm. Chị khẳng định: “Lấy chồng gần là chân ái”.

Thu từng là giáo viên mầm non nhưng sau đó rẽ hướng sang kinh doanh online. Làm mẹ của hai bé gái, bé lớn 11 tuổi, bé nhỏ 10 tuổi, chị muốn được chủ động về mặt thời gian, thu xếp ổn thỏa cả công việc lẫn gia đình.

Thanh Minh

Nguồn: [Link nguồn]

Phan Ngọc Thiện Mỹ từng nổi tiếng với ngoại hình xinh đẹp và sở hữu cái tên đặc biệt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nguyễn ([Tên nguồn])
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN