Chia tay chồng "vung tay quá trán" lại vướng anh "vắt cổ chày ra nước"
Khổ sở vì chồng tiêu tiền hoang phí, Mai đã phải ly hôn, nào ngờ, cuộc đời cô lại là vở hài kịch.
Chồng tôi hứng lên là mua đồ đắt tiền, không cần biết nhà đang nợ ngập đầu (Ảnh minh họa)
Thời còn yêu đương mặn nồng, Mai cảm mến Huy vì nhiều điểm, nhưng điều cô ấn tượng nhất ở anh là tính cách phóng khoáng, chịu chơi. Trong những bữa tiệc ở nhà hàng xa hoa, đắt tiền, việc Huy "vung tiền" trả hóa đơn, thiết đãi bạn bè không còn là chuyện hiếm gặp.
Tuy nhiên, cưới nhau về "ở chung một nhà" điểm mạnh đó dần trở thành điểm yếu của chồng. Con cái ra đời liên tiếp nhau ba năm hai đứa, chi phí cuộc sống với con nhỏ nay ốm mai đau đội lên rất nhiều. Tính cách phóng khoáng đó của chồng đã không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Trong việc chi tiêu mua sắm hằng ngày, tính "tiêu hoang" của Huy cũng không ít lần làm Mai khổ sở. Hai vợ chồng đang còn mua chung cư trả góp, mỗi tháng "đi đứt" 10 triệu tiền trả ngân hàng, trong khi tổng thu nhập của hai vợ chồng vỏn vẹn 20 triệu. Số tiền 10 triệu còn lại trong ngân quỹ hai người, Mai phải thật khéo léo vun vén trang trải chi phí trong tháng mới vừa vặn đủ.
Ai dè thi thoảng Huy hứng lên, không thèm bàn với vợ, cứ thích món đồ nội thất nào là đặt mua trên mạng bằng được. Mà anh toàn "chơi sang" mua đồ đắt tiền. Khi nhân viên giao hàng mang đồ đến, Mai mới té ngửa nhưng đã quá muộn. Thế là hóa đơn phát sinh với thói tật mua sắm quá đà của chồng khiến Mai mải miết "chạy theo" trả nợ, nhiều lúc cô phải lấy khoản nọ đập khoản kia rất khổ sở.
Nhiều lần ngồi góp ý tỉ tê với chồng, nhưng tình hình chẳng mấy khả quan. Huy vẫn hành xử theo kiểu "tiền trảm hậu tấu", thích gì hứng gì lên là mua bằng được, cứ đặt mua xong rồi mới nói với vợ. Luôn bị đặt ở vào thế "đã rồi", lâu dần Mai sinh tâm lý cáu bẳn, chán nản với người chồng vô lo, "bóc ngắn cắn dài".
Đỉnh điểm có lần, thằng cu đầu bị nhiễm dịch cảm cúm đang bùng phát ở trường mầm non, đêm sốt cao 40 độ phải vào bệnh viện cấp cứu. Trang trải viện phí cho con, trong túi cô chỉ vỏn vẹn 100 ngàn đồng. Khi hai mẹ con vừa xuất viện lết về đến nhà, cô thấy chồng điềm nhiên đang ngồi coi đá banh với cái tivi dán tường kiểu dáng mẫu mã hiện đại nhất trên thị trường.
Tá hỏa, Mai hỏi nhắm tiền đâu trả cho chiếc tivi mới đắt tiền này, trong khi chiếc tivi cũ nhà vẫn đang dùng tốt? Ai dè Huy điềm nhiên "trời sinh voi trời sinh cỏ. Mua cái tivi mới hưởng thụ trước đã, đời được mấy khi, ai biết ngày mai sống chết thế nào? Hai vợ chồng chịu khó tích góp thì 40 triệu tiền mua tivi chỉ một năm là trả hết. Có gì mà cô phải sồn sồn lên thế?".
Mai tức ngẹn ứ cổ họng. Cả đêm cô thức trắng. Những uất ức dồn nèn lâu ngày bùng lên quá sức chịu đựng, Mai quyết đâm đơn ly dị chồng.
Trở thành bà mẹ đơn thân một nách hai con nhỏ, Mai thầm nhủ cô sẽ ở vậy toàn tâm lo cho các con, không màng yêu đương kết hôn với ai nữa. Tuy nhiên, trong một lần tham dự buổi họp lớp bạn học cùng khối cấp hai ngày xưa, Mai gặp lại Toàn, anh chàng học giỏi toán có tiếng trong khối chuyên hồi đó.
Ngoài 30 mà Toàn vẫn lẻ bóng. Những kỷ niệm thời học sinh trong trẻo dội về, Mai và Toàn như trút bỏ được những nỗi lo "cơm áo gạo tiền" của hiện tại, tìm về những kỷ niệm ngày thơ. Rồi hai người không ngừng liên lạc. Biết được tình cảnh của bạn cũ, hiện tại đang làm mẹ đơn thân với hai con nhỏ, Toàn cảm thông và động viên Mai rất nhiều để cô vượt qua khó khăn hiện tại.
Trải qua thời gian, tình cảm của hai người dần phát sinh. Những ngày cuối tuần, Toàn thường đến chơi với hai đứa nhỏ. Tình cảm của anh đối với chúng rất chân thành. Mai cũng mở lòng để tự cho mình thêm cơ hội. Tuy nhiên "sống lâu mới biết đêm dài", qua thời gian yêu đương tìm hiểu, Toàn dần dần bộc lộ bản tính chi li tính toán trong chi phí cuộc sống hằng ngày.
Anh từng tâm sự với cô, mỗi ngày anh chỉ dừng ở mức chi tiêu 50 ngàn đồng. Nếu ngày đó có gì phát sinh, anh sẵn sàng nhịn ăn sáng để khỏi lạm chi. Đợt cô sinh nhật, anh nói chỉ mua quà không quá 500 ngàn đồng. Và nói là làm, 10 ngày sau đó anh chỉ ăn mì tôm trừ bữa...
Yêu nhau đã lâu nhưng Mai để ý, mỗi lần bạn bè tổ chức cưới hỏi, đi dự tiệc bạn đãi, anh toàn đi một mình. Nghĩ tình cảm hai người chưa đủ độ chín muồi để anh công khai bạn gái, Mai mới thỏ thẻ gợi chuyện. Ai dè Toàn đáp "đi một mình số tiền bỏ phong bì sẽ khác so với việc đi hai người. Đơn giản thế mà cũng phải hỏi".
Có lần cô ốm, không tự lo được. Anh đến mua đồ ăn sáng cho cô. Tuy nhiên, mua đồ cho cô rồi thì anh tự giác nhịn. Thấy quá ái ngại, cô lên tiếng thì anh lý luận "anh giờ là của hiếm trên đời. Em thử tìm ra ai là người thứ hai hy sinh vì bạn gái, nhịn đói để bạn gái được no như anh?" Đang nhai nuốt bát phở mà tự nhiên cô thấy trở nên đắng ngắt.
Nghĩ mình đã sắp là "gái già" lỡ dở một nách hai con nhỏ, được Toàn để mắt tới và yêu thương đã là quá đủ, Mai đành bấm bụng cho qua. Thế nhưng càng ngày chứng ki bo kẹt xỉ của người yêu càng khiến Mai không nuốt nổi. Khi hai người bàn tới chuyện cưới xin, Toàn nói chỉ tổ chức một bữa tiệc nhỏ để hạn chế chi phí. Tiền mừng của bạn anh, anh thu về. Tiền của bạn cô gửi thiệp, cô giữ. Mai á khẩu.
Cũng có lúc đồng cảm với người yêu, Mai nghĩ chắc thu nhập hằng tháng của anh quá hạn hẹp. Anh không muốn nợ nần nhiều nên đành phải cân đối chi tiêu, đôi khi trở thành cực đoan. Nhưng khi tìm hiểu sự thật, cô kinh ngạc khi biết số tiền anh kiếm được hằng tháng là 30 triệu, con số không hề nhỏ. Anh còn dành để mua được một miếng đất mặt tiền lên đến hàng tỉ.
Bất giác Mai liên tưởng đến nhân vật lão hà tiện trong câu chuyện tiếu lâm ngày xưa, mặc cả với cả mạng sống của mình, giữa làn nước giẫy giụa nhưng vẫn cố ngoi lên đáp trả "năm đồng đắt quá, thà chết còn hơn"...
Mai nghĩ đến giải pháp chia tay, thà ở vậy làm bà mẹ đơn thân hạnh phúc, sống cuộc đời theo ý mình, còn hơn gắn chặt phần đời còn lại với lãn hà tiện. Tiền của anh có nhiều, nhưng chắc đến già anh sẽ ôm khối tài sản đó mà xuống mồ theo.
Tôi như chết lặng trước lời bác sĩ nói. Cô bạn gái ngoan hiền, ngây thơ của tôi lại là người như thế sao.