Chị em công sở hăng hái làm thêm kiếm tiền tiêu Tết

Nhiều chị em đã tận dụng thời gian, ngày đi làm việc chính, tối về làm việc phụ kiếm tiền tiêu Tết.

Làm mứt thức trắng đêm

Mứt là món không thể thiếu mỗi dịp Tết, vì vậy mà nhu cầu tiêu thụ của các nhà cũng rất lớn. Nếu như trước kia, mọi người đều mua mứt tại các cửa hàng thì giờ đây lại thích tự làm hoặc mua của những người quen để đảm bảo chất lượng và vệ sinh.

Chị em công sở hăng hái làm thêm kiếm tiền tiêu Tết - 1

Chị em công sở tranh thủ giờ rảnh rỗi làm mứt bán Tết(Ảnh minh họa)

Đã ba năm gắn bó với việc làm mứt, từ buổi đầu chỉ chuyên mứt dừa, giờ đây chị Hiền (nhân viên kế toán tại Cầu Giấy, Hà Nội) đã bổ sung vào hàng của mình đủ các loại từ mứt khoai, mứt cà rốt, mứt xoài… Chị cho biết: "Mọi người thích ăn mứt do mình làm vì đảm bảo chất lượng. Giờ mạng internet cũng phổ biến cách làm mứt nhưng chủ yếu mọi người hay làm mứt dừa. Vì vậy mình phải cải tiến và làm thêm nhiều loại khác để đáp ứng nhu cầu của khách hàng".

Nói về lượng khách hàng của mình, chị Hiền cho biết: "Khách của mình chủ yếu là các anh chị đồng nghiệp, bạn bè và người thân. Mình đã làm được mấy Tết rồi nên số lượng hàng cũng ổn định. Có khi nhiều đơn hàng quá mà công việc cuối năm trên công ty cũng bận nên đêm phải thức để đảo mứt. Vì làm cũng mải nên đôi khi thức trắng đêm mà mình vẫn thấy bình thường".

Là nhân viên văn phòng, lương ổn định nhưng vì "một chốn ba quê", Tết đến trăm thứ phải chi mà "tiền lương thì chỉ có thế" nên chị Quỳnh Thơ (Hà Nội) cũng phải lo kiếm thêm tiền. "Đang không biết nên làm thế nào để tăng nguồn thu cho dịpTết thì mình lên mạng học được cách làm mứt. Làm thử thấy mọi người ăn đều khen và muốn đặt hàng nên mình nhận luôn. Tuy làm mứt cũng tốn thời gian nhưng được cái là có thể làm bất cứ lúc nào. Gọi là lấy công làm lãi nên cứ chăm chỉ và có đơn đặt hàng đều thì cũng có khoản để tiêu tTết." - Chị Thơ chia sẻ.

Làm lạp xưởng hun khói đỏ hoe mắt

Đang trong thời gian nghỉ sinh con và ở nhà ông bà ngoại, chị Tâm (Yên Bái) đã đăng lên mạng món ăn truyền thống của vùng núi Tây Bắc và được rất nhiều người đặt hàng. Chị cho biết: "Ban đầu cũng chỉ định làm để nhà ăn nhưng thật bất ngờ là khi đăng lên facebook thì có nhiều người lại muốn mua. Vậy là mình nhận làm luôn để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa cho mọi người có cơ hội thưởng thức món ăn truyền thống của quê hương".


Chị em công sở hăng hái làm thêm kiếm tiền tiêu Tết - 2

 Lạp sưởng hun khói cho ngày Tết.

Theo chị Tâm, làm lạp xưởng vất vả nhất là lúc hun khói. "Lạp xưởng ngon thì ngoài vị thịt ướp bên trong, bên ngoài khói phải ngấm đều nên trong quá trình hun khói mình phải ngồi canh và đảo liên tục. Lúc ra lò được một mẻ thì mắt cũng đỏ hoe vì khói".

Khi được hỏi "nếu không cần tiền thì chị có làm không?", chị Tâm thành thật chia sẻ: "Nếu nói vì tiền thì cũng chỉ đúng một phần vì làm món này rất tốn thời gian, vất vả mà lãi lại rất ít. Hết làm lòng rồi lại đến thái thịt, tẩm ướp, phơi nắng rồi hun khói, cả tuần mới xong một mẻ. Quan trọng nhất là mình thích làm, vừa có cơ hội giao tiếp với mọi người lại có thêm ít tiền tiêu Tết".

Làm cây, quả trang trí nhà

Nhu cầu trang trí nhà cửa dịp Tết tăng cao, tạo điều kiện cho những người khéo tay như chị Yến (nhân viên truyền thông, Hoàng Mai, Hà Nội) có thêm cơ hội trổ tài, kiếm tiền.

Đến nhà chị trong những ngày giáp Tết, mọi người bị choáng ngợp bởi những cây, quả cảnh làm từ giấy, kẹo và tiền. "Bản chất mình cũng hay tự nghĩ ra những thứ để trang trí nhà cửa. Thích làm những việc tỉ mẩn nên thấy làm thêm hoa lá kiểu này rất hợp với mình". Chị Yến chia sẻ.

Tâm sự về việc làm thêm của mình, chị cho biết: "Năm nay kinh tế khó khăn, lương hai vợ chồng bình thường cũng chỉ đủ chi tiêu. Đợt này còn lo Tết về quê nữa nên cũng cần tiền lắm! May mà nhu cầu của mọi người mua cây tiền, quả dứa, kẹo hoa chơi Tết cũng nhiều nên mình cũng tranh thủ kiếm được kha khá, gọi là có đồng ra đồng vào".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Bình ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN