Chàng trai ăn xin giúp người nghèo

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Tân không nhớ đã giúp đỡ được bao nhiêu người, có người Tân cho tiền, người được Tân mua cơm.

Bị liệt, không nói được, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người khác hỗ trợ nhưng “thủ lĩnh tình nguyện” có một không hai Nguyễn Minh Tân (SN 1988, ở TP Nam Định) hằng ngày vẫn lê la khắp các góc chợ, vỉa hè xin của người đi đường về trao lại cho những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.

Tân “lì”

Tân không nói được, tôi phải trò chuyện với Tân bằng cách chat qua facebook nhiều giờ đồng hồ. Tay Tân cứng đơ, chỉ mổ cò bằng một ngón nhưng rất nhanh. Sợ Tân mệt, thi thoảng tôi dành thời gian nghỉ nhưng Tân nhiệt tình: “Tôi mổ cò quen rồi, chỉ vất vả ở chỗ phải tìm cách diễn đạt câu chuyện cuộc đời mình sao cho hài hước và trung thực”. Tân không muốn ai xót thương cho mình mà chỉ mong có thêm những người bạn đồng hành cùng chàng trai nghị lực trên con đường thiện nguyện.

Minh Tân có 19 năm sống cuộc sống lành lặn, khỏe mạnh. Bước sang tuổi 20, lúc đang học năm 2, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Tân bắt đầu mắc chứng bệnh kỳ lạ có tên Wilson (một bệnh hiếm gặp với tỷ lệ mắc là 1/30.000 người, nếu không chữa trị kịp thời dễ dẫn đến tử vong). Diễn biến của bệnh khiến Tân co và rút các cơ toàn thân. “Người tôi như có hàng trăm con chuột rút, đau kinh khủng khiếp. Lúc nào cũng phải dùng thuốc an thần. Trong năm đầu bị bệnh, tôi liên tục kêu gào để chế ngự cơn đau. Những lúc như thế mẹ là người ôm chặt lấy tôi truyền thêm sức mạnh”, Tân kể.

Sau 2 năm, Tân bị căn bệnh quái ác quật ngã, nằm liệt một chỗ, tay chân co quắp, mặt méo xẹo, không nói năng được. Bác sĩ cho biết, bệnh của Tân phải mất 13-15 năm điều trị mới có thể ngồi dậy được. Không đầu hàng số phận, bước sang năm thứ 3, Tân tập ngóc đầu dậy, lật cơ thể, rồi đòi bố mẹ làm cho hai gióng sắt treo lên giường và bắt đầu hành trình luyện tập.

“Nó bám hai khuỷu tay vào hai gióng sắt rồi đu nổi người lên lủng lẳng trong đau đớn. Máu ở khuỷu tay tứa hết ra nhưng nó vẫn cứ miệt mài tập”, bà Nguyễn Thị Đào, mẹ Tân kể. Sau 3 tháng tập, Tân đã có thể nhón bàn chân xuống giường. Luyện tập có kết quả tốt hơn, Tân đòi bố mẹ mua đôi nạng để tập đi. “Khuỷu tay nó yếu không thể đỡ nạng được. Nó để nạng vào kẽ nách và đi. Kẽ nách chảy máu ướt cả áo rồi loét ra từng mảng. Xót quá, tôi cấm không cho con đi nữa nhưng nó vẫn cương quyết đi. Dần dần, kẽ nách nó chai sạn lại”, mẹ Tân kể tiếp.

Nhờ sự nỗ lực phi thường đó mà sau ba năm Tân đã làm được điều kỳ diệu, có thể chống nạng đi lại được. Một sự hồi phục nhanh chóng, hiếm người mắc bệnh như Tân có thể làm được. Tân dí dỏm tự phong cho mình “siêu nhân Tân lì”.

Chàng trai ăn xin giúp người nghèo - 1

Tân (giữa, hàng trên) tặng quà cho người khuyết tật tại Trung tâm Nghị lực sống Hà Nội

“Thủ lĩnh tình nguyện” đặc biệt

 “Anh Tân là một thủ lĩnh tình nguyện đặc biệt, luôn đặt ra cho mình mục tiêu và kiên định thực hiện. Anh ấy có một nguồn năng lượng dồi dào, làm việc không biết mệt. Từ năm 2012, ngoài các cá nhân được tặng quà, anh Tân đã tổ chức được 4 chương trình từ thiện trao quà cho các tập thể”. - Đào Văn Trường, Chủ nhiệm CLB Hành Trình Xanh Nam Định

Những ngày cuối tháng 7 vừa rồi, Trung tâm nghị lực sống (do cố Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng sáng lập) đã được nhận món quà 3.100.000 đồng từ một vị khách đặc biệt- Nguyễn Minh Tân. Cầm món quà của Tân trao, chị Thảo Vân, quản lý Trung tâm Nghị lực sống rưng rưng: “Thực sự chị không muốn nhận số tiền này chút nào Tân ạ. Nhìn em, chị có thể hiểu được em đã cố gắng thế nào để có được số tiền này, em đã phải chịu đựng bao nhiêu tủi nhục, sự nghi ngờ tư lợi. Có mấy ai biết em không khóc xin cho mình, Tân ơi!”.

Lần đầu tiên, Tân ra Hà Nội tặng tiền cho người khuyết tật, bố Tân không yên tâm để đứa con trai tật nguyền đi một mình, ông bỏ tiền túi bắt taxi chở Tân đi. Cũng như các chương trình trước, để có được món quà đi trao tặng Tân phải đánh đổi bằng những ngày dài đằng đẵng đứng khắp góc đường, tới chợ ăn xin. Lúc đầu, người cho Tân tiền vì ái ngại trước hoàn cảnh của cậu. Nhưng khi biết các chương trình tình nguyện, tặng quà giúp người nghèo, mọi người vui vẻ, quý trọng Tân và số tiền ủng hộ tăng lên.

Ý tưởng làm tình nguyện của Tân bắt nguồn từ một lần đi châm cứu, Tân gặp phải những người mắc bệnh tương tự mình, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn, khiến Tân động lòng trắc ẩn. Biết Tân “đi ăn xin” để ủng hộ người nghèo, bố mẹ và người thân không ủng hộ bởi một người khuyết tật như cậu vốn không lo nổi những sinh hoạt hằng ngày của bản thân, làm sao đi giúp người khác được. Nhưng Tân vẫn kiên quyết thực hiện.

Cách làm tình nguyện của Tân cũng không giống ai. “Đồ nghề” để Tân giao tiếp với mọi người là chiếc điện thoại và máy tính cũ sản xuất từ năm 2000 với bàn phím mất vài chữ cái. Hằng ngày, Tân cùng chiếc xe đun treo lên mình tấm biển có dòng chữ “Thủ lĩnh tình nguyện có 1 không 2”, rong ruổi khắp các khu chợ, con phố để ăn xin. “Hầu hết những người đi đường chỉ nghĩ tôi đi xin cho mình, thấy đáng thương họ cho ít tiền lẻ. Những ai biết được việc làm của tôi thì cho nhiều hơn, thường 50 đến 100 nghìn”, Tân kể.

Bà Đào chia sẻ: “Ngày nắng cũng như mưa, nó cứ đi miết như thế. Có hôm xin được 300 đến 400 nghìn nhưng có ngày cũng chỉ xin được mấy chục nghìn. Có hôm mưa quá, tôi đạp xe đi tìm đưa nó về, cả mẹ và con cùng ướt sũng. Về nhà, nó ốm không ăn uống được gì cả nhưng hết sốt, nó lại đi”.

Để minh bạch việc làm của mình, sau mỗi chuyến đi xin về, Tân nhờ mấy bác bán nước đầu ngõ kiểm tiền rồi ghi sổ rõ ràng. Mỗi lần đi trao quà, Tân thường mời các thành viên CLB Hành trình xanh Nam Định đi cùng.

Đến nay, Tân không nhớ đã giúp đỡ được bao nhiêu người, có người Tân cho tiền, người được Tân mua cơm. Chị bán hàng nước trong khu phố có hoàn cảnh khó khăn, Tân ủng hộ một số mặt hàng như trà, nước, hoa quả…

Thời gian này, Tân đang tích cực kêu gọi các tấm lòng hảo tâm để đến dịp Trung thu tới, Tân sẽ đến thôn Xuân Đình, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên gặp em Nguyễn Thị Thu Hương đang mắc căn bệnh như mình để giúp đỡ và truyền thêm sức mạnh cho em.

Cảm phục về việc làm của Tân, tháng 4 vừa qua, Đào Thị Vân Anh, bạn học cấp 3 của Tân đã kêu gọi bạn bè ủng hộ mua tặng Tân chiếc xe lắc. Nhiều khi lắc xe mệt, Tân chỉ ước có được chiếc bình ắc quy lắp vào chạy. Trân quý từng món tiền xin được để dành tặng cho người nghèo, Tân quyết không lạm dụng một xu cho mình. Tân cứ miệt mài lắc xe đi giữa dòng người xin tiền cho người khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Trinh (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN