Chàng trai 8x và hành trình ''không thể vỡ''
Hiện tại Ngọc Anh đang mở dịch vụ Ship hàng quốc tế và điều hành Quỹ xương thủy tinh Việt Nam.
Vũ Ngọc Anh (Tiên Lãng, Hải Phòng) sinh năm 1987, bị mắc bệnh xương thủy tinh nhưng anh không đầu hàng số phận. Hơn 10 năm tự lập, Ngọc Anh đã làm đủ thứ nghề từ sửa chữa điện thoại đến các việc kiếm tiền online, bán đồ điện tử, đồ chơi... Hiện tại thì Ngọc Anh đang mở dịch vụ Ship hàng quốc tế và điều hành Quỹ xương thủy tinh Việt Nam.
“Thằng què đứng dậy”
“Ngày mình bắt đầu ngồi trên xe lăn, là ngày hai từ “thằng què” ra đời, cũng không có ác ý gì đâu nhưng mà tủi thân lắm. Nhất là mình không thể đứng dậy, không thể chạy nhảy vui đùa với bạn bè”, Ngọc Anh cười, nhớ lại.
Vũ Ngọc Anh
Tự khi lẫm chẫm biết đi, Ngọc Anh đã bị chấn thương liên tục, thêm hiếu động,chuyện gãy tay, gãy chân cũng nhiều nhưng không ai để ý. Khi đó, người ta gọi Ngọc Anh là thằng “xương mục” vì chỉ cần vấp ngã nhẹ hay cử động mạnh là gãy xương.
Khi đi khám ở Bệnh viện Việt Tiệp (Hà Nội) thì được chẩn đoán là bệnh xương thủy tinh. Trung bình mỗi năm, Ngọc Anh phải đến bệnh viện này để bó bột tới 5-6 lần. Lúc nhỏ, Ngọc Anh còn có thể tự di chuyển, nhưng đến năm 10 tuổi, cậu phải dựa vào vào đôi chân người khác và sau đó là ngồi xe lăn.
“Hồi đi học mình hay bị trêu chọc, lớp học ở trên tầng 2 nên mỗi khi tan trường bao giờ mình cũng ở lại lớp cuối cùng, một mình, vì phải chờ mẹ đến đón và đưa xuống chứ không tự đi xuống cầu thang được”, Ngọc Anh cho biết.
Năm 18 tuổi, Ngọc Anh quyết định thực hiện chuyến đi đầu tiên của mình và một mình. Anh chia sẻ: “Nếu không đi, chúng ta sẽ chẳng bao giờ bắt đầu”. Vây là, chàng trai xương thủy tinh đã tự mình thực hiện chuyến đi xa đầu tiên, điểm đến là Hà Nội.
“Mình được gặp gỡ, quen biết những người anh, người em, người bạn mới. Tự lập và đối mặt với cuộc sống lần đầu tiên cách quá xa gia đình cùng rất nhiều khó khăn...Với mình, bất kì con đường, góc phố nào ở Hà Nội cũng đều có kỉ niệm đẹp,” Ngọc Anh chia sẻ.
Không cam chịu số phận, Vũ Ngọc Anh đã tự đứng lên và đi tìm kiếm cho mình một con đường riêng.
Cuộc hành trình tự đi, tự “đứng dậy” của Ngọc Anh, với chiếc xe lăn mang tên “Không thể vỡ” được người anh đặt riêng theo kích cỡ. Anh bảo: “Nó đã gắn bó với mình rất lâu rồi, là người bạn giúp đỡ mình vượt qua rất nhiều quãng đường xây dựng niềm tin cho bản thân. Cũng có đôi lần hỏng hóc, nhỏ nhưng đến tận bây giờ, nó vẫn luôn luôn đáng tin cậy. Với mình, "cậu ta" thật sự "Không thể vỡ".
Hành trình “không thể vỡ”
“Ngày quyết định bắt đầu đi, mình đã nghĩ rất nhiều, nghĩ đến gia đình, bố mẹ, anh chị luôn luôn phải lo lắng cho mình. Mình lại là con trai cả, có rất nhiều trách nhiệm mà gia đình cần mình gánh vác...Quãng thời gian này có thể nói là rất khó khăn về mặt tinh thần đối với mình. Nhưng nếu không đi, có lẽ mình sẽ mãi là một “thằng què” chỉ biết dựa dẫm”, Ngọc Anh cười, cho biết.
Lúc mới lên Hà Nội, Ngọc Anh luôn tự ti và mặc cảm trước sự ái ngại của người khác cố gắng làm hầu hết mọi việc mà rất ít nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Anh cố gắng tự làm hầu hết mọi việc, không cần đến quá nhiều sự giúp đỡ của người khác và rồi sự tự tin cũng đã đến. Cùng với đó, Ngọc Anh đón nhận mọi thứ, cả ánh mắt người đời cũng trở nên bình thản hơn.
18 tuổi, là thời điểm mà nhiều người nghĩ đến cánh cửa đại học, nhưng với Ngọc Anh, đó là khởi đầu cho một cuộc hành trình hoàn toàn khác biệt, hành trình “không thể vỡ” được dựng lên bằng nước mắt và rất nhiều sự cố gắng.
“Quyết định này cũng đến từ mong muốn tự lập, khẳng định mình của một thằng con trai không muốn bố mẹ phải lo lắng quá nhiều cho mình nữa. Một phần cũng xuất phát từ ước mơ, khao khát muốn được đi, được trải nghiệm cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia”, anh cho biết.
Ngọc Anh ký tặng sách "Không thể vỡ" cho bạn đọc.
Ngọc Anh rời khỏi nhà với 2 bàn tay trắng, từ Hải Phòng lên Hà Nội, rồi từ Hà Nội đi khắp nơi. Những chuyến đi gần như khắp mọi miền tổ quốc với nhiều sóng gió và cả tai nạn đã mang đến cho anh nhiều trải nhiệm, nhiều góc nhìn mới. Cuộc sống dường như chân thực hơn qua cái nhìn cách mặt đất 80 cm.
“Mình tham gia nhiều chuyến tình nguyện, đây là một niềm hạnh phúc bởi mình không chỉ có thể tự lo được cho bản thân, mà còn có thể giúp đỡ được một chút gì đó cho người khác. Và mỗi chuyến đi là một bất ngờ khó có thể tưởng tượng”, anh bảo.
Nhớ ngày nào mới bắt đầu hành trình, bố mẹ anh phản đổi rất mạnh mẽ, nhưng anh vẫn quyết tâm bước đi. Sau cùng, bố anh chỉ dặn một câu: "Nếu khó khăn quá thì cứ về". Còn mẹ anh thì chỉ biết nén nước mắt, cầu cho cậu con trai mình bình an.
Gần 10 năm bước ra cuộc sống, những cảm nhận về chặng đường, bước chân đã đi qua khiến anh nảy ra ý tưởng viết hành trình của mình lên giấy. Tên cuốn tự truyện cũng là tên chiếc xe lăn đã gắn bó với anh qua biết bao chặng đường, chứng kiến những tình yêu, niềm đam mê, sự quyết tâm và nỗ lực.
“Tương lai, không ai định trước được, nhưng mình vẫn sẽ đi, sẽ tới những nơi mình muốn tới, đến khi nào không thể đi nữa thì thôi. Sau “Không thể vỡ” có thể mình sẽ tập trung hơn vào công việc kinh doanh và lo cho gia đình”, Ngọc Anh cười.
Hành trình “Không thể vỡ” của Ngọc Anh mới chỉ dừng lại chứ không kết thúc bởi “nếu không đi, chúng ta sẽ chẳng bao giờ bắt đầu”.