Bố mẹ từ mặt vì cưới chàng trai sống "đời chạy thận"

Chị Nghĩa chưa bao giờ hối hận về quyết định gắn cuộc đời với một người đàn ông phải sống “kiếp chạy thận”.

Đang có mối tình đẹp với một chàng trai khỏe mạnh, cô gái Phùng Thị Nghĩa (Ba Vì, Hà Nội) bỗng đi đến một quyết định khiến bố mẹ “nổi điên”. Đó là gắn cuộc đời mình với người đàn ông bị suy thận, xác định phải sống với bệnh viện cả đời. Gia đình đều cho rằng quyết định ấy của con gái chỉ là nhất thời, là sự bột phát nông nổi. Nhưng hơn 10 năm sau ngày nên duyên với người đàn ông phải sống đời “chạy thận”, chị khẳng định chưa một lần hối hận vì lựa chọn con đường gập ghềnh này.

Từ bỏ tình yêu đẹp đến với người bạn “chạy thận”

Người đàn ông khiến chị Nghĩa có quyết định “điên khùng” ấy là anh Mai Anh Tuấn (SN 1976), hiện là xóm trưởng “xóm chạy thận” tại ngõ 121, đường Lê Thanh Nghị. Anh Tuấn được bầu làm xóm trưởng bởi có thâm niên “chạy thận” đã 18 năm. Cánh tay anh chi chít những vết sẹo lồi lõm, kết quả của việc 3 lần/tuần đến bệnh viện Bạch Mai “chạy thận”. Là một trong những người bám trụ lâu nhất ở xóm, anh Tuấn cho biết: “Tâm lý chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc chữa trị. Tôi may mắn có gia đình bên cạnh làm chỗ dựa. Dù khó khăn, vất vả thế nào thì tôi vẫn quyết tâm chiến đấu với bệnh tật đến cùng”. Khi nói những lời này, anh Tuấn không quên đưa ánh mắt tràn đầy yêu thương và biết ơn về phía vợ - chị Phùng Thị Nghĩa.

Bố mẹ từ mặt vì cưới chàng trai sống "đời chạy thận" - 1

Chị Phùng Thị Nghĩa (Ba Vì, Hà Nội)

Anh Tuấn và chị Nghĩa vốn là người cùng quê. Hai người quen biết từ năm 1992. Năm 1996, anh Tuấn phát hiện mình mắc căn bệnh nghiệt ngã, phải gắn quãng đời còn lại với bệnh viện. Rời quê xuống Hà Nội, anh vừa kiếm sống vừa chữa bệnh. Cùng thời gian này, chị Nghĩa cũng xuống Hà Nội làm công nhân. Cảm thương số phận anh bạn đồng hương, chị thường xuyên lui tới thăm và giúp đỡ. Tuy nhiên, đây chỉ đơn giản là tình cảm bạn bè dành cho nhau, bởi chị Nghĩa lúc ấy đã có người yêu. Nhưng ở chiều ngược lại, anh Tuấn từ lâu đã dành cho cô bạn cùng quê một tình cảm đặc biệt. Đôi lần, chị Nghĩa vô tình dẫn người yêu cùng đến thăm là trái tim anh Tuấn như thắt lại. Đối diện với tình cảnh trớ trêu đó, nhiều lần anh Tuấn định thổ lộ tình yêu đơn phương của mình. Nhưng nghĩ tới bản thân bệnh tật, anh lại phải dằn lòng.

Cho đến một ngày, không kìm nén được cảm xúc, anh đã sơ ý để lộ tình cảm với người con gái thầm thương trộm nhớ bằng “ánh mắt khác thường”. Cảm nhận được bao tình ý qua ánh mắt ấy, chị đã rung động. “Đó là ánh mắt nhen nhóm ngọn lửa hy vọng, lại như tha thiết, níu kéo… Bắt đầu từ lúc đó, tôi biết rằng anh cần có tôi bên cạnh”, chị nhớ lại. Từ hôm đó, chị quan tâm tới người bạn ở “xóm chạy thận” nhiều hơn. Ánh mắt của anh cứ ám ảnh trong chị mãi không thôi. Chị suy nghĩ mãi và quyết định cho người bạn ấy một cơ hội. Sau mỗi giờ làm, chị đều đến giúp đỡ anh những công việc thường ngày. Và chị yêu anh từ lúc nào không hay. Giờ đây, khi nhớ lại lời cầu hôn của chồng, chị vẫn không giấu nổi xúc động: “Hãy lấy anh nhé, anh sẽ có trách nhiệm với em”.

Chuyện cô gái khỏe mạnh, lành lặn, nhiều người theo đuổi chấp nhận lấy một chàng trai mắc bệnh nan y và không biết khi nào sẽ ra đi khiến cả “xóm chạy thận” xôn xao. Tất cả đều mừng cho hạnh phúc của đôi bạn trẻ, bởi tình yêu của họ đã “thổi” một luồng không khí ấm áp vào cái nơi đang chìm trong tăm tối bệnh tật này. Tuy nhiên áp lực cho đôi trai gái trẻ khi ấy là sự phản đối kịch liệt từ gia đình cô dâu. Biết chuyện, bố chị khuyên can con gái: “Bạn bè thì không nên bỏ nhau lúc bệnh tật, khó khăn. Nhưng con có thể giúp bạn bằng kinh tế còn cưới xin thì bố nhất quyết phản đối. Sống hôm nay nhưng ngày mai biết thế nào, lấy nó thì con sẽ khổ cả đời thôi. Nếu nhất quyết làm theo ý mình thì con đừng về cái nhà này nữa”. Sau khi hết lời cầu xin không làm bố lay chuyển, chị đành dứt khoát: “Con yêu và thương Tuấn. Vì vậy, con nhất định sẽ lấy anh làm chồng. Con mong bố đồng ý chuyện này, sướng khổ gì con cũng tình nguyện chấp nhận. Con biết anh có bệnh nhưng dù chỉ sống với nhau một ngày, một tháng thì con cũng đã cảm thấy mãn nguyện rồi”. Sau lựa chọn ấy, cô gái trẻ cương quyết đi theo tiếng gọi con tim bị gia đình từ mặt.

“Đời tôi chỉ có một con đường”

Bố mẹ từ mặt vì cưới chàng trai sống "đời chạy thận" - 2

Gia đình nhỏ hạnh phúc của xóm trưởng “xóm chạy thận”

Tháng 10/2002, anh chị tổ chức lễ cưới. Đám cưới chỉ có vài mâm cỗ bên gia đình nhà trai. Nhà gái tuyệt đối không có bất cứ một ai đến dự. Không được như các cô dâu khác váy áo là lượt, chị chỉ may cho mình một chiếc áo dài mặc vào ngày cưới. Đến giờ, chị vẫn giữ gìn và coi nó như báu vật. Sau đám cưới ở quê nhà, hai người phải chuyển ngay lên “xóm chạy thận” để thuận tiện cho việc chữa bệnh của anh Tuấn. Để có tiền cho chồng “chạy thận” và duy trì sinh hoạt, chị Nghĩa đã phải làm việc gấp đôi, gấp ba trước đây. “Vợ tôi là người kiếm tiền chính trong gia đình. Cô ấy vừa phải kiếm tiền cho tôi “chạy thận”. Chỉ khi nào thật khỏe, tôi mới chạy vài chuyến xe ôm phụ thêm đồng ra đồng vào. Vợ tôi vất vả lắm, tôi biết cô ấy đã chịu thiệt thòi và hi sinh rất nhiều”, anh Tuấn cho hay.

Khi phân xưởng thảm len thuộc công ty may Chiến Thắng nơi chị Nghĩa làm việc tan rã, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn. Chị phải đi bán hàng rong trong bệnh viện, rồi bán hàng nước ở ngoài cổng bệnh viện, gặp việc gì làm việc ấy để kiếm tiền. Những lúc không xoay xỏa được, chị lại “chạy ngược xuôi” đi vay bà con, hàng xóm. “Đến mức họ hàng thấy tôi đều phải quay đi”, chị Nghĩa nửa thật nửa đùa. Những khi khổ không biết than với ai, chị chỉ biết lên chùa khóc trước bàn thờ đức Phật. Có đợt, đi họp lớp sau 15 năm ra trường, trong khi bạn bè xe này xe nọ, quần là áo lượt thì chị Nghĩa vẫn đạp chiếc xe cũ kĩ, đầu đội nón lá. Khi bạn bè thương cảm hỏi han, chị tâm sự: “Nếu cho lựa chọn lại, mình vẫn đi con đường này. Không phải cứ có tiền là sung sướng, có những người vì bon chen với đời nên cuộc sống chẳng hạnh phúc gì. Còn mình nhờ an phận, hài lòng với những gì đang có nên cuộc sống cảm thấy thanh thản hơn rất nhiều”.

Chi Nghĩa và anh Tuấn thổ lộ: Món quà kỳ diệu lớn nhất đối với họ chính là sự có mặt của cậu con trai khỏe mạnh, kháu khỉnh. Ngày biết mình mang bầu, người vợ trẻ vỡ òa trong sung sướng. Chị Nghĩa cho hay: “Khi lấy anh, tôi đã xác định rằng có thể mình sẽ không có được hạnh phúc làm mẹ. Cho nên khi biết tin, tôi đã khóc rất nhiều, khóc vì vui mừng. Chồng tôi cũng vậy, anh ấy vui không nói nên lời. Đêm đó, vợ chồng tôi đã thức cả đêm để nghĩ tên cho con. Chồng tôi bảo: “Vợ chồng mình đã vượt qua và chiến thắng được số phận nên lấy tên con là Mai Chiến Thắng, để sau này con biết rằng sự ra đời của nó có giá trị như thế nào đối với cuộc đời bố mẹ””. Từ ngày sinh cháu Thắng, bố chị cũng vì thế mà nguôi lòng, đón nhận con rể và cháu ngoại.        

Chồng nhập viện, vợ một mình “vượt cạn”

Chị Nghĩa còn nhớ mãi cái đêm con trai ra đời. Hôm ấy, anh Tuấn sốt cao phải vào Bệnh viện Nhiệt đới điều trị. Chị vừa trở về phòng nằm, gần 3h sáng thì vỡ ối phải tự vào viện. Ngày hôm sau, chờ mãi không thấy vợ mang cơm vào như thường lệ, anh Tuấn về nhà thì nhận tin từ bà chủ trọ: “Vợ cậu nhập viện sinh con tối qua”. Mọi mệt mỏi tiêu tan, anh lao vào viện. Nhìn hai mẹ con nằm trên giường, lúc ấy anh thấy “mình đúng là người hạnh phúc nhất”. Con trai của anh chị hiện đang học lớp 5. Cháu học rất giỏi và biết thương bố mẹ. Cháu Thắng chính là minh chứng cho tình yêu, hạnh phúc của gia đình xóm trưởng, cũng là niềm vui, niềm hy vọng của cả “xóm chạy thận” này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Tiến (Gia đình & xã hội)
Những câu chuyện tình yêu cảm động nhất Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN