Cái bẫy ngọt ngào khiến phụ nữ trở thành người giúp việc cả đời

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, tác giả của câu nói này thật quá đỗi cao siêu khi gói gọn hai vai trò, hai kiểu tư duy, hai thiên chức, hai vị trí bao đời chưa thay đổi của đàn ông và phụ nữ vào một câu ngắn ngủi.

Từ thời xa xưa khi loài người còn sống cuộc đời mông muội trong hang đá, đàn ông đã là người ra ngoài săn bắt, hầu như chỉ quan tâm đến con mồi to, đến chiến lợi phẩm lớn, phụ nữ đã ở nhà nuôi nấng con cái, trồng trọt hái lượm, thu vén lương thực, và đốt đống lửa ấm áp mỗi đêm để dẫn đường chỉ lối cho người đàn ông từ rừng sâu tìm về tổ ấm.

Dẫu là tổ ấm hoang dã đơn sơ ấy, hay là tổ ấm hiện đại của ngày hôm nay, dẫu phải đánh lửa đến chai đầu ngón tay hay chỉ cần bật bếp ga một tiếng nhanh gọn, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng chẳng hề thay đổi. Phụ nữ chẳng đơn giản là người nhóm lửa, họ giữ gìn một ngọn lửa vô hình trong gia đình, họ xây nên một tổ ấm trong khi đàn ông còn mải băn khoăn mua gạch xây tường.

Cái bẫy ngọt ngào khiến phụ nữ trở thành người giúp việc cả đời - 1

Tất cả công việc lớn, liên quan tài chính đều được mặc định phải do chồng gánh vác, còn việc nội trợ, chăm sóc con là do vợ. Ảnh: I.T

“Đàn bà xây tổ ấm”, “chân lý” ấy chẳng có ai phản đối, nhất là đàn ông. Họ hưởng ứng quá là đằng khác. Thế nhưng phụ nữ chớ có vội mừng, coi chừng lại rơi vào một cái bẫy ngọt ngào của những lời xưng tụng giả vờ bởi những kẻ vốn không hiểu hoặc cố tình không hiểu ý nghĩa thực sự của cụm từ “xây tổ ấm”. Hay nói thẳng ra, đấy là những kẻ cho rằng “xây tổ ấm” chỉ đơn thuần là rửa bát quét nhà, giặt đồ nấu ăn, là phục vụ mọi nhu cầu của chồng con bằng mọi quỹ thời gian của mình.

Trước khi thốt lên rằng suy nghĩ ấy thật là ấu trĩ, tôi nhận ra một sự thật buồn cười rằng, nếu theo quan niệm ấy thì người xây tổ ấm ở rất nhiều gia đình hiện nay chính là… người giúp việc, thậm chí có thể là máy giặt, máy rửa bát, máy hút bụi… chứ chẳng phải người vợ lẫn người chồng. Nếu chỉ cần rửa bát, đàn ông có thể mua máy rửa bát. Nếu chỉ cần giặt quần áo, đàn ông chỉ cần mua máy giặt. Nếu chỉ cần nhà cửa tinh tươm, cơm nước sẵn sàng, đàn ông chỉ cần thuê một người giúp việc.

Nhưng nếu thề chung sống suốt đời với một người phụ nữ chỉ để có quần áo sạch, thức ăn nóng, nhà cửa gọn gàng… mặc nhiên coi tất cả những việc nhà có tên hoặc không tên ấy thuộc về phụ nữ vì họ là người cần “xây tổ ấm”, thì xin chia buồn, suốt đời anh sẽ không biết tổ ấm thực sự là gì.

Thật tệ khi có những người mặc nhiên hiểu nghĩa bóng của sự việc theo nghĩa đen, như thể mặc nhiên cho rằng bếp núc thuộc về phụ nữ bởi họ là người “giữ lửa” trong một gia đình. Tất nhiên, dưới bếp thì mới có lửa. Bao lâu nay, phụ nữ bị coi là người giúp việc không công trong chính ngôi nhà của mình, ẩn dưới những mỹ từ được ca tụng: “Xây tổ ấm”, “giữ lửa”, “chăm sóc”, “thu vén”… Nhưng “giữ” theo cách ấy, coi chừng có lúc cháy nhà.

Người ta nói phụ nữ là người giữ lửa, là người xây tổ ấm trong một gia đình, hẳn nhiên vì phụ nữ biết dùng sự dịu dàng, tỉ mỉ của mình để sưởi ấm mỗi thành viên trong gia đình, biết tạo ra chất keo gắn kết để gia đình mãi chẳng rời xa.

Cô ấy là người biết bộ vest này của chồng phải kết hợp với cà vạt màu gì cho hợp, biết cô con gái sẽ thích ăn món gì khi tâm trạng chẳng vui, biết cậu con trai khi nào cần được ở một mình không bị quấy rầy, biết nấu món gì thì cả nhà sẽ reo hò thích thú. Thế nhưng, cô ấy làm tất cả những việc đó vì chính bản thân cô ấy cảm thấy hạnh phúc, chẳng phải vì “đó là việc của vợ”, “đó là trách nhiệm của mẹ” như chúng ta vẫn vô tâm nghĩ.

Cái bẫy ngọt ngào khiến phụ nữ trở thành người giúp việc cả đời - 2

Không phải cứ rửa bát, quét nhà, làm nội chợ thì phụ nữ mới "xây được tổ ấm". Ảnh: I.T

Người vợ, người mẹ là người chăm sóc. Vậy cô ấy chẳng cần được chăm sóc sao? Phụ nữ hoàn toàn có thể khiến một gia đình hạnh phúc, chẳng nhờ vào việc cô ấy nấu ăn ngon ra sao, lau nhà khéo thế nào. Đàn ông cần một người vợ chứ đâu cần một đầu bếp giỏi, một người dọn nhà siêu tốc. Những đứa con cũng vậy, chúng cần một người mẹ chứ không phải một người giúp việc toàn thời gian. Mà có khi, một người phụ nữ quá đảm đang trong ngôi nhà của mình đâu chắc sẽ khiến gia đình ấy vui vẻ, ấm êm.

Biết đâu, cô ấy sẽ tạo ra một ông chồng lười, những đứa con thích ỉ lại, và dĩ nhiên chẳng bao giờ biết đến niềm vui của sự chia sẻ. Thế nên, nếu phụ nữ cứ thích ôm hết việc nhà, việc cửa vào người, cứ làm đi nếu muốn, nhưng đó chẳng phải chìa khóa cho việc “xây tổ ấm”. Và đàn ông, nếu muốn biết một tổ ấm thực sự sẽ ra sao, trước hết hãy cùng vợ chia sẻ gánh nặng từ những việc không tên trong gia đình trước đã.

Tôi chẳng có ý định khuyên nhủ rằng phụ nữ nên làm thế này, nên làm thế kia để “xây tổ ấm” của mình, bởi mỗi gia đình là một thế giới riêng, bao nhiêu lời khuyên cũng chẳng đủ. Tôi chỉ mong phụ nữ hãy tỉnh táo trước những mỹ từ vẫn ngày ngày được xưng tụng trên các phương tiện truyền thông hay lời thiên hạ, để đừng mua rơm buộc mình, ôm rơm nặng bụng. Vai trò của phụ nữ trong gia đình đâu nhất thiết phải gói trong căn bếp hay gắn với việc nhà. Cô ấy hoàn toàn có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc khi ông chồng vào bếp và những đứa con cầm chổi lau nhà.

Tổ ấm của bạn, lửa của ngôi nhà bạn, bạn muốn giữ theo cách nào tùy bạn. Nhưng trước tiên, bạn phải được hạnh phúc và thảnh thơi cái đã.

Vợ phá ”của quý” của chồng vì không chịu làm việc nhà

Ông chồng đau khổ cho biết, ông bị vợ “hành hạ“ vì không tặng hoa và từ chối giúp bà làm việc nhà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo May ([Tên nguồn])
Phụ nữ và gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN