Xót xa bé gái bị 'hại đời' trong trường học
Vị luật sư bảo vệ cho bị hại cho rằng đây là bài học cho các trường học, cần có bảo vệ trong trường để đảm bảo an toàn cho các học sinh trong môi trường sư phạm.
Chiều 9/11, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Phan Danh Cường (SN 1988, trú tại xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) ra xét xử tội Hiếp dâm trẻ em. Nhận 12 năm tù, Cường bị dẫn giải về một mình, không một người thân nào đến với hắn trong ngày đền tội. Ở một góc hành lang, cô bé 8 tuổi là nạn nhân của hắn cúp mắt, cúi đầu, đứng nép vào mẹ đầy sợ hãi.
Học chưa hết lớp 1 Cường đã nghỉ học. Không nghề nghiệp, từng bị xử lý hành chính về hành vi trộm cắp tài sản, tối ngày Cường vùi đầu vào những thước phim đen đến mê muội đầu óc. Chưa từng một lần gần gũi với người khác giới, hắn tính chuyện tìm đến trường học để “giải tỏa”.
Khoảng 13h30 ngày 16/2, Cường mang theo một con dao nhọn, đi bộ từ nhà đến một trường tiểu học ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Hắn đi ra phía sau trường, tìm cách trèo qua tường bao, vào trong khuôn viên trường.
Đến khu nhà vệ sinh của trường, Cường trốn vào một buồng vệ sinh nữ, để hé cửa, ngó ra bên ngoài chờ đợi. Một lúc sau, thấy có 3 em học sinh nữ đi vào nhà vệ sinh, nhưng do lúc đó đông người nên Cường không thực hiện được ý định.
Sau khi 3 học sinh này đi ra, cháu L. (SN 2003, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội), học sinh lớp 3 của trường, một mình đi vào nhà vệ sinh. Chờ có vậy, Cường mở cửa nhà vệ sinh, tay phải cầm dao tiến ra chặn đường dọa giết, rồi bế cháu L. vào phía trong buồng vệ sinh, đóng cửa lại.
Cháu L. sợ hãi kêu khóc trong khi Cường tiếp tục dọa giết cô bé. Rồi hắn thực hiện hành vi bỉ ổi với cô bé học lớp 3. Đến khoảng 14h55 cùng ngày, khi Cường đang giao cấu với cháu bé thì có tiếng trống báo ra chơi giữa giờ.
Sợ bị phát hiện, Cường dừng giao cấu và đưa cho cô bé 11 chiếc vòng đeo tay trước khi bỏ đi. Sau khi bị hại đời, cô bé tội nghiệp mặc quần áo và đi lên lớp.
Đau đớn
Chiều tối hôm đó, đi làm về, mẹ cháu L. thấy con gái đã tắm rửa, lên giường nằm, có những biểu hiện lạ, đã cố gặng hỏi nhưng cô bé không nói. Người mẹ ngã ngửa khi được các bạn L. cho biết toàn bộ câu chuyện.
“Khi chúng tôi biết chuyện đã là gần 10 giờ đêm, bố cháu vội đến nhà cô giáo chủ nhiệm hỏi chuyện, lúc đó cô giáo mới cho biết sự việc” - mẹ cháu L. cho biết.
Bàng hoàng, đau xót, phụ huynh cháu L. vội đưa con đi viện khám ngay trong đêm. Hôm sau bố cháu L. làm đơn trình báo cơ quan công an, và Cường bị bắt ngay sau đó.
Tại tòa, Cường quay đầu nhìn quanh, cố tìm gương mặt người thân, nhưng gia đình hắn không ai đến dự tòa trong ngày hắn bị đền tội. Nghe vị luật sư của mình hỏi: - Tại sao bị cáo chỉ học đến lớp 1?, Cường lạnh lùng đáp: - Vì không muốn đi học...
Được cha mẹ đưa đến dự tòa, vị chủ tọa gợi ý mẹ cháu L. về việc để con ngồi bên ngoài phòng xét xử, tránh cho cháu một lần nữa phải đối mặt với nỗi sợ hãi của đời mình. Cô bé mang gương mặt bầu bĩnh, buồn bã, suốt buổi chỉ ngồi một góc hành lang, đôi lông mi dài, cong vút luôn sụp xuống, chẳng dám ngước lên nhìn ai. Gương mặt cô bé vẫn còn nguyên nét sợ hãi, hoảng hốt.
Vợ chồng chị M. sinh được 3 người con, L. là con gái thứ 2. Gia cảnh nghèo khó, bình thường hai vợ chồng chị M. nai lưng làm việc vất vả nhưng vẫn trong cảnh túng bấn, giờ hai vợ chồng họ phải chia nhau chăm sóc, đưa đón L. đến trường. Mất đi một sức lao động, cha của L. cố oằn lưng kiếm sống nuôi vợ, 3 con và phụng dưỡng cha mẹ già ngoài 80 tuổi.
Cha mẹ L. cho hay, từ sau ngày bị hại đời, L. từ một cô bé nhanh nhẹn, hiếu động, giờ lúc nào cũng buồn bã trầm tư, ngại giao tiếp. Sức học của cô bé giảm hẳn. Sau chuyện xảy ra, L. phải nghỉ một tháng mới có thể tiếp tục đến trường.
Giờ khó khăn với cô bé không chỉ là ký ức kinh hoàng mà mỗi lần đến lớp, cô bé vẫn bị bạn bè trêu chọc, khiến vết thương của cô bé càng khó lành.
Tại tòa, vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé L. cho rằng, qua trường hợp cô bé lớp 3 bị hãm hại ngay trong khuôn viên nhà trường, đây là bài học cho các trường học, cần có bảo vệ trong trường để đảm bảo an toàn cho các học sinh trong môi trường sư phạm.