Vụ án vườn mít: Bị cáo khẳng định bị ép cung

Sự kiện: Kỳ án vườn mít

Sáng 3-1, TAND tỉnh Bình Phước đưa “vụ án vườn mít” ra xét xử sơ thẩm (lần 4) đối với bị cáo Lê Bá Mai (SN 1982, quê Thanh Hóa) về tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”.

Phiên tòa lần này lại vắng mặt nhiều nhân chứng và luật sư Phan Văn Ẩn, người bào chữa cho bị cáo Mai.

Giải thích việc vắng mặt các nhân chứng, chủ tọa phiên tòa cho biết trước đó HĐXX đã yêu cầu công an áp giải đến tòa nhưng những người được triệu tập vẫn không có mặt đầy đủ.

Tại phiên tòa, bị cáo Mai khẳng định mình bị dùng nhục hình để ép cung nên mới khai mình là hung thủ, đồng thời phủ nhận tất cả những lời khai bất lợi.
 
Khi tòa thẩm vấn, bị cáo Mai khẳng định không nhớ những gì đã khai ban đầu thì HĐXX hỏi tại sao lại đồng ý bồi thường cho bị hại? Ngày 12-11-2004 lấy xe máy của ông chủ là Dương Bá Tuân đi đâu?

HĐXX cũng đề cập đến nội dung bị cáo Mai khai nhận hành vi phạm tội khi có luật sư bên cạnh và chủ tọa phiên tòa đưa ra những lời khai nhận tội của Mai.

Vụ án vườn mít: Bị cáo khẳng định bị ép cung - 1

Lê Bá Mai được dẫn giải vào phòng xét xử, sáng 3-1

Theo cáo trạng, Lê Bá Mai làm thuê cho trang trại của ông Dương Bá Tuân ở xã An Khương, huyện Bình Long (cũ), nay là huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước).

Sáng ngày 12-11-2004, trong lúc đang rải phân cho cây trồng, Mai thấy Thị Út (11 tuổi) và Thị Hằng (13 tuổi) đang mót củ sắn đó nên nảy sinh ý định giao cấu. Mai lấy xe máy chở Út đến khu vườn mít gần đó rồi hãm hiếp nạn nhân.

Sau đó, thấy Út còn thở, Mai lấy quần của Út siết cổ em đến chết rồi mang xác vùi gần một cây mít gần đó.
 
Đến ngày 16-11-2004, người thân của Thị Út đi tìm và phát hiện thi thể của Út trong vườn mít (thuộc trang trại của ông Tuân) trong tình trạng không mặc quần, xác đã phân hủy.
 
Tại cơ quan điều tra, nhân chứng Hằng khai nhìn thấy một thanh niên mặc áo xanh, đội nón lá, đi xe máy màu xanh có chở theo bình đá màu đỏ. Tuy nhiên, sau đó Hằng khai rõ người thanh niên là Lê Bá Mai người làm công cho ông Tuân.
 
Ngày 16-11-2004, Mai bị giam tại công an xã, đến ngày 17-11-2004 được dẫn giải về Công an huyện Bình Long, lúc đó chỉ có 1 điều tra viên tên Huấn lấy lời khai nên cho rằng bị bức cung là không có cơ sở. Trong nhiều chiếc quần dài, Mai nhận dạng được 3 cái, trong đó quần kaki màu xám là quần Mai mặc vào 12-11-2004.
 
Đến 10 giờ cùng ngày, phiên tòa vẫn chỉ có nhân chứng Thị Hằng, 2 người liên quan là Điểu Ky và Trần Văn Sinh.

Phiên tòa vẫn đang được tiếp tục và dự kiến tuyên án vào hôm nay 4-1.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T. Tiến (Người lao động)
Kỳ án vườn mít Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN