Vụ án giết, cướp chấn động một thời
Tròn 33 năm trôi qua, ông Lê Qúi Cát, 83 tuổi, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vẫn không quên giây phút kinh hoàng ngày 6/11/1980. Tên sát nhân đã ra tay tàn nhẫn bắn chết người vợ yêu quý của ông và bắn ông trọng thương.
Vụ án giết cướp chấn động một thời vẫn còn trong tâm trí của rất nhiều người dân ở làng quê bình yên, cũng như những điều tra viên trong vụ án xảy ra mùa lụt năm Canh Thân.
Vụ án cướp giết năm Canh Thân
Những ngày cuối năm 2013, chúng tôi về nhà ông Lê Qúi Cát, khi ông vừa lo xong giỗ cho người vợ xấu số. Tuổi già cộng những vết thương cũ bị kẻ cướp bắn khiến chân tay ông càng yếu hơn, phải chống gậy. Nhưng khi kể lại vụ việc cũ, ông Cát nhớ cặn kẽ từng chi tiết. "Ngày 6/11/1980 (năm Canh Thân), đúng thời điểm Quảng Ngãi bị lũ lụt lớn, nhiều nơi bị chia cắt. Trời sẩm tối, vì lụt lội nên chẳng có ai đi lại nhiều, mọi người điều đã đi lánh nạn chỉ còn vợ chồng tôi cố ở lại đợi nếu nước lớn thêm thì mới đi. Lúc đó, vợ tôi là Đỗ Thì Lần (SN 1937 -PV) đang lúi cúi đun bếp nấu cơm tối. Làng quê thanh bình nào có trộm cắp gì đâu nên nhà tôi không đóng cửa. Lúc này một thanh niên lạ mặt trùm áo mưa vào sân nhà tôi hỏi vợ tôi rằng có mua gạo không. Đối tượng này giới thiệu là công nhân của Công ty Nông trường 24/3 cần bán gạo. Nghe vậy, vợ chồng tôi đồng ý mua".
Rít một hơi thuốc, ông Cát chầm chậm kể lại câu chuyện, trên khóe mắt rưng rưng vì những nỗi đau mất đi người vợ thân yêu chưa bao giờ nguôi ngoai theo năm tháng: "Trời nhá nhem tối, nghe đối tượng bảo do nước lụt nên xe thồ phải dừng trên đoạn cầu Cây Gáo. Tôi bảo vợ ở nhà, để tôi đi theo đối tượng lên cầu đẩy xe thồ gạo. Khi vừa đến cầu, tôi không thấy xe thồ nên quay đầu hỏi đối tượng "xe đâu chú", nó bảo phía trước kìa, trời tối lại mưa, tôi đưa tay lên tráng che lại để nhìn cho rõ. Lúc này, tôi không thấy xe gạo đâu hết, với kinh nghiệm tham gia hai cuộc chiến nên tôi cảnh giác, liếc thấy đối tượng rút khẩu súng ngắn trong người ra bắn tôi. Ngay lập tức tôi liền nhảy xuống cầu. Tuy nhiên, đối tượng bắn liên tiếp ba phát đạn một phát trật, hai phát trúng người. Một viên đạn bắn trúng tay, một viên trúng đùi".
Dù bị thương nặng, ông Cát vẫn cố hết sức lặn chui qua cầu và bơi về hướng Bắc. Trong khi đó, đối tượng cầm súng đi dọc cầu xem ông Cát chết chưa. "Tôi nhanh trí lấy một mớ bèo, đội lên đầu, trời mưa, tôi ở dưới nhìn lên thấy rõ đội tượng, đang lăm lăm khẩu súng nhìn xuống làn nước đục ngầu để tìm bắn tôi. Nhưng may là hắn không thấy gì ngoài những bản bèo trôi và biển nước bao la". Dừng lại hồi lâu, ông Cát như nghẹn lại khi kể tiếp về hình ảnh đối tượng lạnh lùng rút súng bắn vào đầu vợ ông vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người đàn ông ở tuổi bát tuần.
Vị trưởng ngân hàng xưa và ngón tay thương tích trong vụ cướp giết năm canh thân. (Ảnh L.N).
"Lúc đó vợ tôi đang ở nhà, nghe tiếng súng biết chuyện chẳng lành nên vội chạy lên xem sao. Vừa gặp đối tượng, vợ tôi hỏi: "Mày dẫn chồng tao lên đây, vậy chồng tao đâu?". Vừa nói dứt câu, tên sát nhân lạnh lùng gí súng vào đầu vợ tôi bắt một phát làm vợ tôi chết tại chỗ. Nhưng sau này khi tỉnh lại tại bệnh viện tôi mới biết chứ lúc đó nghe tiếng súng chẳng biết chết chưa vì không thấy, thậm chí ra bệnh viện công an và con cháu vẫn nói vợ tôi không sao. Lúc đó tôi cũng đã nghi ngờ, 20 năm bà ấy còn chờ tôi được thì nói gì đến lúc tôi bị thương mà không ra thăm tôi".
Tưởng 2 vợ chồng chết, tên cướp về lại ngôi nhà ông Cát lục lạo tìm vàng cướp. Tìm một lúc không thấy vàng, đối tượng nhanh chóng bỏ đi. Ông Cát sau khi cố gắng hết sức lặn bơi cách cầu Cây Gáo 20m, ông lết vào bờ ruộng và được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu.
Dừng lại hồi lâu, ông kể tiếp: "Trong lúc đưa tôi xuống bệnh viện đa khoa Đức Phổ, sau khi khâu vá vết thương, có rất nhiều người đến thăm tôi, trong đó có cả đối tượng, tôi không hề biết kẻ bắn chết vợ tôi lại tìm đến tận bệnh viện để truy sát. Lúc đó, ai cũng thăm tôi rồi về chỉ riêng hung thủ vẫn lảng vảng quanh khu vực bệnh viện, nhiều lần đi qua đi lại ngoài cửa sổ, tôi cứ nghĩ hắn đi thăm bệnh nhân nào khác nữa, nào ngờ khi công an bắt nó khai ra mới biết, khi đưa tôi ra bệnh viên Quảng Ngãi nó cũng theo quyết hạ sát tôi cho bằng được. Rất may lúc đó anh em công an và đội ngũ bác sĩ rất cảnh giác nên đối tượng không có cơ hội ra tay".
Kẻ sát nhân là một sinh viên
Ngay sau khi vụ án xảy ra, Trưởng Công an huyện Đức Phổ lúc bây giờ là Võ Minh Châu cùng tổ công tác Công an huyện đã trực tiếp có mặt tại hiện trường điều tra vụ việc. Tỉnh Nghĩa Bình (lúc này gồm 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Đình) xảy ra lũ lụt lớn nhiều nơi chia cắt nên Công an tỉnh Nghĩa Bình không thể về Đức Phổ kịp khám nghiệm tử thi, hiện trường. Đại tá Trần Hoàng Triệu - nguyên Chánh thanh tra Công an tỉnh Quảng Ngãi, lúc bây giờ là Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đức Phổ nhớ lại: "Trước sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Công an huyện chúng tôi tập trung ngay vào các công việc khám nghiệm hiện trường, phối hợp bác sĩ y tế huyện khám nghiệm tử thi, tập trung điều tra vụ việc".
Ông Cát bên bàn thờ người vợ thủy chung son sắt của mình. (Ảnh L.N).
Công an huyện Đức Phổ rà soát các đối tượng nghi vấn ở địa phương nhưng vẫn chưa ai rơi vào tầm ngắm. Vụ việc cũng đặt ra nhiều nghi vấn, như đây là vụ án giết cướp, hay vì mâu thuẫn gia đình, hay tranh giành địa vị trong cơ quan ngân hàng... Bởi ông Cát là Trưởng Ngân hàng Đức Phổ, vợ buôn bán nhiều năm. Nhìn qua ai cũng nghĩ gia đình giàu có, trong khi đó vợ chồng không có con cái. Qua xác minh, Công an huyện Đức Phổ có được một số nguồn tin quan trọng. Bằng biện pháp nghiệp vụ Công an huyện đặt nghi vấn vào đối tượng Trần Huệ (SN 1956) ở thôn Thanh Lâm, xã Phổ Ninh. Đối tượng đang là sinh viên Trường công nhân kỹ thuật cơ điện Qui Nhơn.
Từ những chứng cứ thu thập được, Công an huyện Đức Phổ bắt đối tượng Trần Huệ khi đang ở với người yêu tại xã Đức Lân, huyện Mộ Đức. Tiếp đó, lực lượng Công an cũng đã bắt đối tượng Lương Ngọc Quang, ở huyện Hoài Nhơn, học cùng trường với Huệ. Đối tượng này là kẻ đã cung cấp súng Kol 45 cho Trần Huệ gây án. Khai nhận tội lỗi của mình, Trần Huệ cho biết, lúc này y đang là sinh viên nhưng do ăn chơi thiếu nợ nhiều, đường cùng, hắn lùng sục tìm kiếm gia đình giàu có để giết người cướp của lấy tiền vượt biên. Gia đình ông Cát lọt vào tầm ngắm chỉ vì Huệ nghe mọi người đồn gia đình ông Cát giàu có nên nổi lòng tham. Với tội giết người cướp, Trần Huệ phải nhận bản án nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Nói về thành công phá nhanh vụ án, Đại tá Trần Hoàng Triệu chia sẻ: "Lúc bấy giờ, trộm cắp còn không có nói gì đến án giết người, vụ án quá nghiêm trọng, hung thủ ra tay rất dã man, công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn vì trời lụt lớn, dấu vết để lại hiện trường điều bị xóa. Vụ án lại diễn ra ngay trên vùng cách mạng, gia đình tôi cũng đang sinh sống tại đây khiến ai nấy điều lo lắng. Tuy nhiên, hờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, sự kiên quyết phá án cho bằng được của ban chuyên án bấy giờ. Mặc dù lúc này đợt lụt lớn gây nhiều trở ngại, khăn, nhưng từ công tác rà soát đối tượng, xác minh điều tra cặn kẽ, thu thập được vỏ đạn… đã giúp tôi tìm ra hung thủ trước khi y bỏ trốn".