Tử tù nhiễm COVID-19 vượt ngục có phạm tội làm lây lan dịch bệnh?

Theo các luật sư, hành vi trốn trại của tử tù Nguyễn Kim An đã cấu thành tội trốn khỏi nơi giam; tuy nhiên, với tội làm lây lan dịch bệnh thì cần phải xem xét kỹ...

Ngày 13-7, tử tù Nguyễn Kim An (26 tuổi, quê Bình Thuận) - từng bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án tử hình năm 2015 về hai tội giết người và cướp tài sản, đã trốn khỏi Trại giam Chí Hòa.

Camera an ninh ghi lại hình ảnh của An khi tẩu thoát. Ảnh chụp từ clip

Camera an ninh ghi lại hình ảnh của An khi tẩu thoát. Ảnh chụp từ clip

Tử tù này đã nhiễm COVID-19 trước khi vượt ngục. Sau khi vượt ngục, tử tù đã ghé xin nước tại nhà anh H.T.T (39 tuổi, ngụ quận 10), cách trại giam Chí Hòa chừng 400m.

Sau đó, một tài xế xe ôm là ông N.X.T (56 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đã cứu giúp, chở và cho tử tù An ăn, uống cà phê ở căn nhà trọ trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức).

Sau đó, tử tù này bị bắt lại. Hai người tiếp xúc với tử tù hiện có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Vậy các hành vi của tử tù này đã phạm tội gì? Có thể xử lý tử tù này tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người hay không?

Theo Luật sư Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM), đầu tiên với hành vi vượt ngục, tử tù Nguyễn Kim An đã bị Công an TP.HCM phát đi thông báo tìm kiếm và truy bắt. Tử tù này đã phạm tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử theo Điều 386 BLHS.

Theo đó, người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội có tổ chức hoặc dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Về vấn đề tử tù này có phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hay không, LS Tuấn Anh cho rằng, Điều 240 có quy định hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Sau đó, TAND Tối cao ban hành Văn bản 45/2020 hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo hướng dẫn này, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc người trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly nhưng không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ, khai báo gian dối; trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly thì bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Tuy nhiên, theo LS Tuấn Anh, trại giam là nơi giam giữ, tử tù là đối tượng bị giam chứ không phải nơi cách ly hay đối tượng cách ly. Vì vậy, không đủ căn cứ để xử lý tử tù tội này.

Đồng tình, LS Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, tử tù An đã trốn khi đang bị giam tại trại giam. Đây là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Thi hành án hình sự 2019. Hành vi này của An phạm tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử (Điều 386 BLHS).

Cạnh đó, theo LS Tiến, tử tù này biết mình bị dương tính với COVID-19 nhưng sau khi trốn đã tiếp xúc với người khác. Với đặc tính lây lan đã được cảnh báo của loại virus này, việc tiếp xúc trực tiếp sẽ rất nguy hiểm, có thể lây nhiễm cho người khác. Rất may là hai trường hợp tiếp xúc với An đều được xác định âm tính, tức hậu quả vẫn chưa xảy ra.

Trong khi đó, tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là tội có cấu thành vật chất, tức là hậu quả của hành vi phải xảy ra trên thực tế là làm lây lan cho người thì mới đủ yếu tố cấu thành tội.

Vì vậy, dù An đã thực hiện những hành vi nói trên nhưng chưa có hậu quả (tức không làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người) nên chưa đủ cơ sở xử lý về tội này.

Cả hai luật sư cũng cho rằng khi đang thụ án tử thì vẫn có thể bị điều tra, truy tố, xét xử thêm tội khác. Khi xét xử, tòa án sẽ tổng hợp hình phạt với bản án trước đó theo Điều 55 và Điều 56 BLHS.

Những vụ trốn khỏi nơi giam, giữ đã bị xét xử

. Năm 2018, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm, phạt Lê Văn Thọ (tức Thọ “Sứt”) và Nguyễn Văn Tình cùng mức án 7 năm tù về tội trốn khỏi nơi giam giữ, theo Điều 386 BLHS 2015.

Thọ và Tình đều là tử tù, đã bị cấp sơ thẩm tuyên phạt về các tội danh giết người, mua bán trái phép chất ma túy. Thời điểm bỏ trốn khỏi trại giam T16 (Bộ Công an), cả hai đang chờ phiên tòa phúc thẩm.

. Năm 2020, Tòa án quân sự Quân khu 5 đã tuyên phạt Triệu Quân Sự (29 tuổi, trú xã Phú Cường, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) 6 năm tù về tội trốn khỏi nơi giam, giữ và tội trộm cắp tài sản.

Theo hồ sơ, Sự đang chấp hành án tù chung thân tại trại giam T10 (đóng ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ngày 13-6-2020, lợi dụng sự sơ hở của cán bộ giám sát, Sự bỏ trốn. Đây là lần thứ ba Sự vượt ngục… 

Nguồn: [Link nguồn]

Bác xe ôm giúp nhầm tử tù trốn trại: ”Thấy tivi phát tin, nó quay vào góc nhà...”

Trong quá trình lần theo dấu vết, truy bắt tử tù "dính" Covid-19 trốn khỏi Trạm giam Chí Hòa, lực lượng Cảnh sát...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Châu ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN