Từ 1/1/2018: Vợ ép chồng “yêu” bằng được có thể phạm tội hiếp dâm

Đây là quy định mới đáng chú ý của Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, kể từ 1/1/2018, người nào thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái với ý muốn của nạn nhân cũng phạm tội hiếp dâm.

Mở rộng khái niệm để dễ xác định

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì yếu tố bắt buộc để chứng minh một người phạm tội hiếp dâm là thực hiện việc “giao cấu” với nạn nhân. Tuy nhiên, thế nào là “giao cấu” thì hiện nay chưa được giải thích hoặc hướng dẫn cụ thể nên dẫn đến có cách hiểu chưa thống nhất. Thậm chí, khái niệm “giao cấu” chỉ được hiểu là sự cọ sát trực tiếp bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ nên có không ít ý kiến cho rằng, nữ không thể là chủ thể của tội hiếp dâm, trừ trường hợp đồng phạm.

Mặt khác, trong thực tiễn hiện nay đã xuất hiện các hành vi quan hệ tình dục phi truyền thống, quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính... Do vậy, để bảo vệ quyền con người trong đó có người đồng tính, bảo đảm phản ánh đúng những yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm tình dục, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu” trong cấu thành tội hiếp dâm bằng cách bổ sung trường hợp “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân”.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 141, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội hiếp dâm: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.

Tuy nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thế nào là thực hiện “hành vi quan hệ tình dục khác” (ngoài việc giao cấu) để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất pháp luật.

Vợ cố đòi “yêu” bằng được, có phạm tội hay không?

Với quy định mới kể trên, nhiều người liên hệ với thực tế và đã có khá nhiều tình huống được đặt ra. Chẳng hạn như, vợ muốn quan hệ với chồng mà chồng không muốn, người vợ vẫn cố nài ép để thực hiện bằng được thì có phạm tội hiếp dâm hay không? Hay như trường hợp “kiều nữ Hải Dương” gây xôn xao dư luận thời gian trước đây, liệu người này có phạm tội hiếp dâm?

Xử lý không phân biệt nam hay nữ phạm tội

Hiện có ý kiến cho rằng, điểm mới của luật lần này là từ 1/1/2018, phụ nữ cũng là chủ thể của tội hiếp dâm là sai, cách hiểu đó không đúng với tinh thần của điều luật. Bởi luật cũ cũng đã quy định về việc này, cũng quy định chủ thể là “người nào”, chứ không nói rõ là nam hay nữ. Lâu nay chúng ta vẫn hiểu sai chỉ có nam giới mới là chủ thể của tội hiếp dâm, vì họ hiểu hành vi giao cấu chỉ có nam giới thực hiện được, nhưng ngay ở luật cũ, nữ giới cũng là chủ thể của tội này. Điểm khác duy nhất của luật mới lần này là kể cả chưa thực hiện hành vi giao cấu nhưng nếu cấu thành các điều kiện khác thì cũng có căn cứ xử lý tội hiếp dâm.

Theo điều luật quy định tại phần giả định mô tả “người nào”, có nghĩa là không phân biệt giới tính, chủ thể của tội phạm này là nam hoặc nữ có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định có hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân”, thì bị coi là phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự. Về mặt pháp lý, hành vi cố nài ép hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm thực hiện quan hệ trái ý muốn của nạn nhân đều phạm tội. Do đó, nếu người vợ có hành vi thỏa mãn yếu tố cấu thành tội hiếp dâm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống rất ít xảy ra trường hợp vợ hoặc chồng tố cáo bạn đời của mình về tội hiếp dâm bởi nếu bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự thì người vợ hoặc người chồng sẽ bị áp dụng những chế tài rất nghiêm khắc.

Còn theo quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định “cưỡng ép quan hệ tình dục” là một trong những hành bạo lực gia đình. Người có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Riêng về trường hợp “kiều nữ Hải Dương”, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội hiếp dâm khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần, thể chất hoặc đã chết. Do vậy, đối với tội hiếp dâm quy định tại Khoản 1, Điều 141 bắt buộc phải có yêu cầu khởi tố của người bị hại thì các cơ quan tiến hành tố tụng mới thụ lý giải quyết. Khi thực hiện quyền yêu cầu khởi tố người bị hại cần cung cấp các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Báo giao thông
Lạm dụng tình dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN