Trộm xe theo "đơn đặt hàng" bên kia biên giới

Những người trong đường dây trộm cắp xe gian theo “đơn đặt hàng” để bán qua biên giới Campuchia áp dụng nguyên tắc “ba không”: Không biết mặt, không biết tên, không biết nơi ở.

Gần đây xuất hiện các băng nhóm trộm xe theo “đơn đặt hàng” từ những đầu mối tiêu thụ tại Campuchia. Khi cần loại xe gì, các đầu mối sẽ báo cho các “tổ” ở khu vực cửa khẩu. Các “tổ” chuyển thông tin đến các băng nhóm trộm xe ở Bình Dương cho họ đi tìm hàng…

Các “mắt xích” không quen biết

Một “hiệp sĩ” Bình Dương cho hay: Các đầu mối tiêu thụ xe gian bên kia biên giới rất chuộng các loại xe số như Wave, Exciter… vì thích hợp địa hình, dễ sử dụng, giá vừa túi tiền. Vì “nhu cầu” này mà Bình Dương đang rộ lên nạn mất cắp các loại xe số, công an cũng kịp khám phá nhiều đường dây.

Ngày 23-3, Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) tạm giữ 19 xe máy trong bãi giữ xe của một công ty đóng trên địa bàn phường Dĩ An để điều tra.

Trước đó, các “hiệp sĩ” Bình Dương nhận tin báo của anh Nguyễn Văn H. bị mất xe Exciter nên truy tìm. Khi phát hiện chiếc xe trong bãi của công ty, các “hiệp sĩ” liền báo công an đến xử lý. Kiểm tra bước đầu, công an xác định trong 19 chiếc thì có hơn năm xe là tang vật của các vụ trộm.

Lần khác, các “hiệp sĩ ” nhận tin báo của anh Triệu Văn H. bị mất trộm một xe Wave màu đen. Bằng kinh nghiệm, các “hiệp sĩ” nhanh chóng chạy lên cầu Củ Chi chốt chặn vì nhận định chiếc xe sẽ được mang sang cửa khẩu Campuchia tiêu thụ trong ngày. Không nằm ngoài dự đoán, chiều cùng ngày các “hiệp sĩ” đã phát hiện một nhóm thanh niên chạy chiếc xe của anh H. nên âm thầm bám theo. Khi đến gần cửa khẩu Tho Mo (Long An, Campuchia), các “hiệp sĩ” bắt giữ Nguyễn Văn Lũy (ngụ huyện Đức Huệ, Long An).

Người này khai nhận: Một người ở cửa khẩu Tho Mo thuê Lũy sang Bình Dương nhận xe, mang về cửa khẩu Tho Mo giao cho người khác. Tiền công cho chuyến chạy hàng là 1 triệu đồng. “Tôi không hề biết người thuê mình cũng như người giao xe. Mọi giao dịch đều qua điện thoại” - Lũy khai.

Trộm xe theo "đơn đặt hàng" bên kia biên giới - 1

Nguyễn Văn Lũy bị bắt giữ khi chạy thuê xe gian qua Campuchia tiêu thụ. Ảnh: VH 

Trộm xe theo "đơn đặt hàng" bên kia biên giới - 2

Các xe tang vật chuẩn bị mang sang Campuchia tiêu thụ. Ảnh: VH

Trộm theo “đơn đặt hàng”

Các trinh sát và “hiệp sĩ” tham gia phá án trộm cắp cho hay: Nhiều đường dây tiêu thụ xe gian sang Campuchia sử dụng quy tắc “ba không” là không biết mặt, không biết tên, không biết chỗ ở và luôn thực hiện các cam kết ngầm, giao dịch chưa tới năm phút.

Khi có nhu cầu, họ liên hệ với những người sống khu vực gần cửa khẩu, yêu cầu tìm “hàng”, giá cả. Từ “đơn hàng” này, nhóm ở cửa khẩu báo cho các đầu mối, “đặt hàng” loại xe cần tìm. Thông tin này sẽ được chuyển cho các băng nhóm chuyên đi “đá nóng”. “Một số kẻ trộm riêng lẻ sẽ trực tiếp báo cho người đặt hàng ở khu vực cửa khẩu, hẹn địa điểm giao xe, thường là các quán cà phê giáp ranh. Nhóm nhận xe thường đi ba, bốn người để hỗ trợ nhau…” - “hiệp sĩ” Hải khái quát.

Theo một số nguồn tin, các nhóm “đá xe” tập kết hàng ở khu vực thị xã Dĩ An, Thuận An trong các khu nhà trọ công nhân, tiệm sửa xe trá hình, giao dịch xe gian khu vực quốc lộ 13, 1A, 1K. “Để tránh liên lụy, kẻ trộm xe không biết người nhận mà chỉ thông qua đầu mối, giao dịch qua điện thoại. Nhóm nhận xe chỉ biết giao tiền, lấy xe mang đến cửa khẩu nhận tiền công. Đến cửa khẩu sẽ có người mang qua Campuchia giao hàng” - một trinh sát chia sẻ.

Tội phạm hết sức tinh vi

Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, nhận định tội phạm trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, nhất là ở các cụm, khu công nghiệp. Thị xã Thuận An, Dĩ An vẫn là điểm nóng phạm pháp hình sự. Các đối tượng thường câu kết, hoạt động chuyên nghiệp. Tài sản thường là xe máy, trang sức và trở thành mối của các đối tượng chuyên phạm các tội trộm cắp, chiếm đoạt tài sản.

Về điểm nóng vùng giáp ranh, khu vực được coi là nơi “giao dịch” tài sản do người khác phạm tội mà có, nhất là xe máy. Thượng tá Đặng Văn Ba, Phó Trưởng Công an thị xã Dĩ An, cho biết năm 2016 trên địa bàn xảy ra 91 vụ trộm cắp tài sản. Trong đó riêng tài sản về xe máy thu hồi 51 chiếc. Nhiều băng nhóm tiêu thụ tài sản quy mô lớn như băng nhóm Huỳnh Văn Niên (quận Thủ Đức, TP.HCM); băng nhóm Nguyễn Vũ Thành Tuấn mà khi triệt phá, công an thu giữ hàng chục xe máy chưa kịp tiêu thụ…

An ninh trật tự vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn biến phức tạp, tội phạm xã hội có xu hướng gia tăng. Các khu công nghiệp, khu chế xuất thành nơi ẩn náu của bị can truy nã, tội phạm băng nhóm, tội phạm nước ngoài... móc nối với các đối tượng hình sự tại chỗ để phạm tội.

Công an các địa phương cần phối hợp, cung cấp thông tin tại các vùng giáp ranh TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, quản lý dữ liệu cơ bản về tội phạm các tỉnh Tây Ninh, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia để triệt phá đường dây, băng nhóm, triệt phá tận gốc các đường dây tội phạm có tổ chức.

Đại tá Lê Tấn Tảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Hội (Pháp luật TP.HCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN