Trắng đêm phục kích hàng lậu miền biên ải

Đêm trên núi Khơ Đa, xã Tân Mỹ (Văn Lãng, Lạng Sơn) lạnh cắt da cắt thịt, chúng tôi đã cùng với các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh đứng im như tượng trong các bụi cây để mật phục tóm bọn buôn hàng lậu. Vào điểm nóng mới thấu hiểu hết sự vất vả, gian khổ của những chiến sĩ chống buôn lậu.

Nửa đêm băng rừng

Vừa dứt bữa cơm tối qua loa cũng là lúc nhận được tin nóng “hàng” đang về, thượng úy Lâm Bảo Nghĩa – Đội trưởng đội Phòng chống tội phạm ma túy (Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh) giục chúng tôi lên đường ngay. Con đường từ Quốc lộ 4A rẽ vào thôn Khơ Đa đá lởm chởm, gấp khúc sâu hun hút, nhiều lần chiếc U-oát nhấc hẳn đầu lên đâm bổ vào taluy, rồi lại tạt đầu ra, khiến 4 người chúng tôi đập cả đầu vào thành xe đau điếng.

Trắng đêm phục kích hàng lậu miền biên ải - 1
Số hàng lậu Bộ đội Biên phòng Tân Thanh bắt giữ được, đa số là quần áo, chăn màn. Ảnh: V.T 

Tôi nhìn phía trước mặt có ánh điện, rồi bỗng chiếc xe khựng lại. Thượng úy Nghĩa chỉ tay về phía cái lán nhỏ bảo, đây là lán đầu tiên, từ đây lên đỉnh núi giáp biên còn 19 lán nữa, mỗi lán có từ 2 – 5 người. Lán này được dựng giữa một bãi đất trống, để trông coi việc vận chuyển hàng lậu tại các đường mòn đổ về thôn Khơ Đa.

Soi đèn quan sát, chúng tôi thấy từ trên vách núi đá dựng đứng có đến hàng chục đường cửu tự mở để vận chuyển hàng lậu.

Tại đây, tôi bắt đầu cảm nhận được cái lạnh thấu xương nơi rừng núi. Nhấp chén trà nóng cho đỡ lạnh, chúng tôi tiếp tục lên đường, lúc đó là 18 giờ 30. Rời lán độ 50m, nghe tiếng người lao xao từ trên núi đi xuống, chúng tôi rọi đèn thì phát hiện hàng chục cửu vạn, cả đàn ông, phụ nữ trên người không có hàng lững thững đi xuống.

Thượng úy Nghĩa quay lại bảo, có thể “chim lợn” đã “đánh hơi” thấy nên họ về người không. Con đường lên chốt nhỏ như đường chuột chạy, dốc dựng đứng, đá lởm chởm, hôm đó trời mưa phùn nên đường trơn như đổ mỡ, mặc dù đã chuẩn bị giày bộ đội nhưng tôi vẫn nhiều lần “vồ ếch”...

Đến lán thứ 4, cách lán đầu khoảng 4km, đại úy Nguyễn Đức Long - lán trưởng cho biết, “trực chiến” đêm nay có 3 người, trong đó có một đồng chí tăng cường từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Chỉ tay vào 3 gùi hàng đại úy Long “khoe”: “Cách đây 30 phút, anh em đi tuần phát hiện ra 3 người đang gùi hàng xuống núi, nhưng họ đã bỏ chạy. Số hàng này toàn bộ là quần áo rét, chăn, màn”.

Là cán bộ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lên tăng cường từ tháng 10.2014, đến nay vẫn chưa được về, thượng úy Nguyễn Đình Sơn chia sẻ: “Trên này có đêm nhiệt độ xuống tới 1 – 2 độ C, lạnh cắt da cắt thịt, anh em phải đốt lửa để chống lại cái rét. Nhưng khổ nhất là việc sinh hoạt. Ngày nắng ráo còn đỡ, chứ mưa thế này có khi 2 – 3 ngày ăn mì tôm. Còn ngày thường chỉ vài món quen thuộc, luộc, rồi lại luộc. Nước đánh răng, rửa mặt cũng phải tiết kiệm, sử dụng quay vòng, còn tắm là một việc rất xa xỉ”.

Đủ chiêu cướp hàng

Sau hơn một tiếng leo núi trong đêm, chỉ có ánh đèn pin, chúng tôi đã có mặt tại lán chỉ huy do thiếu tá Lều Minh Tiến – Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh chỉ huy, nằm ở vị trí cao nhất, sát với cột mốc 1098, bên kia là Trung Quốc.

Thiếu tá Tiến dặn tôi, vì đi tuần đêm, nên mỗi tốp ít nhất phải 3 người, nếu phát hiện hàng phải hô lớn để anh em yểm trợ…

Song để bắt được một gùi hàng không hề đơn giản. Theo anh Tiến, hầu hết dân “cửu” rất khỏe, nhiều kinh nghiệm đi núi, mặc dù gùi trên lưng tới 50 – 70kg, nhưng họ vẫn đi băng băng lẩn vào trong rừng mà không cần đèn pin. Có khi nhìn thấy họ đi trước mặt, chỉ cách khoảng 15 – 20m, nhưng vẫn không tài nào đuổi theo kịp họ. Hay bắt được họ rồi, việc gùi hàng xuống núi không hề đơn giản.

“Bắt hàng lậu, nhất là bắt trong đêm không hề đơn giản, nếu lực lượng mỏng, họ sẵn sàng lao vào cướp lại hàng. Để cướp hàng, những “cửu” nữ đã áp sát biên phòng rồi cùng nhau lao vào ôm ghì lấy, có lần họ còn la lên bảo cán bộ đánh, ức hiếp phụ nữ… gây sự chú ý để các đối tượng khác cướp hàng. Thậm chí có lần chúng tôi còn bị “cửu” nữ lao vào ôm, bóp hạ bộ. Với chiêu này chúng tôi rất khó xử. Ngay đêm Noel (24 rạng sáng 25.12.2014) vừa qua chúng tôi cũng gặp tình huống tương tự” – thiếu tá Tiến chia sẻ.

Khoảng hơn 22 giờ, thời điểm được coi là “nóng” trong đêm, đứng trên đỉnh núi nhìn về phía bên kia biên giới, chúng tôi thấy từng vệt sáng nối dài đến hàng cây số. Theo anh Tiến, khi hàng đang ở bên kia biên giới thì “cửu” thoải mái rọi đèn pin đi, khi bắt đầu qua biên giới, thì họ sẽ tắt đèn và đi… mò.

“Điều khiển “cửu” là một nhóm “chim lợn”. Chúng ẩn nấu ở khắp nơi, chỗ nào hở là lập tức mở đường mới để đi...” – anh Tiến cho hay.

Trời về đêm càng lúc càng lạnh, nhiệt độ xuống tới 3 – 4 độ C, nghỉ chân một lúc chúng tôi lại thay nhau đi tuần và cuối cùng cũng đã gặp được “hàng”. Đến lúc đó tôi mới tin vào lời anh Tiến nói lúc trước.

Nghe tiếng động, anh Tiến soi đèn pin thì phát hiện ra một nhóm “cửu” khoảng 10 người đang gùi hàng xuống núi. “Tất cả đứng lại!” - anh Tiến hô to. Nhóm “cửu” ngay lập tức tách ra rồi lẩn vào trong rừng, chúng tôi đuổi theo mặc dù chỉ cách họ độ 15m, nhưng không tài nào theo kịp. Cuối cùng chúng tôi chỉ thu được 3 gùi hàng, còn người thì đã tẩu thoát. 

Đến khoảng 24 giờ, thượng úy Hoàng Đức Thiện – Đội trưởng Đội vũ trang nhận định: Có thể đêm nay “chim lợn” sẽ điều cửu vạn đi ngược về phía Ma Mèo, hang Chui, Gốc Bưởi, mỏ đá Công ty Đá Thái Nguyên… để xuống hàng. Quả đúng như dự đoán, hàng đang xuống rất tấp nập, khẩn trương. Thượng úy Nghĩa lập tức huy động lực lượng bao vây. Nhưng đúng là tinh như “chim lợn”, chỉ vài phút khi chiếc U-oát dừng trên đường 4A, cả cánh rừng bỗng im phăng phắc, các cửu vạn đã lẩn trốn giấu hàng. Sau một hồi lùng sục, lực lượng biên phòng chỉ thu được một lượng hàng nhỏ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN