Tòa mở, trùm buôn lậu Dũng "mặt sắt" vẫn bỏ trốn

TAND tỉnh Quảng Ninh đã đưa vụ án Hà Tuấn Dũng (tức Dũng "mặt sắt") cùng đồng bọn ra xét xử.

Tòa mở, trùm buôn lậu Dũng "mặt sắt" vẫn bỏ trốn - 1

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ở Quảng Ninh, hiện Dũng "mặt sắt" vẫn đang bị truy nã

Trong 4 ngày liên tiếp (từ ngày 26/4 - 29/4), Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đưa vụ án Hà Tuấn Dũng (tức Dũng "mặt sắt") cùng đồng bọn ra xét xử. Theo đó, 22 bị cáo trong đường dây buôn lậu qua biên giới do Dũng "mặt sắt" cầm đầu sẽ phải chịu tội trước pháp luật với tội danh “Buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.

Trong vụ án này, “ông trùm” buôn lậu đường biên Dũng “mặt sắt” cùng 3 bị can của Công ty NC hiện đang bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra bị can, đến khi bắt được sẽ xử lý sau.

Tòa mở, trùm buôn lậu Dũng "mặt sắt" vẫn bỏ trốn - 2

"Ông trùm" buôn lậu vùng biên Dũng "mặt sắt" đang bị truy nã

Trước đó, đêm 5/5/2013, tại km số 13 thuộc tỉnh lộ 340 trên địa bàn huyện Hải Hà (Quảng Ninh), Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp đơn vị chức năng kiểm tra, phát hiện tạm giữ 15 đối tượng đang vận chuyển ô tô theo đường mòn qua biên giới sang Trung Quốc. Trong số các đối tượng trên có đến 12 tên nằm trong băng nhóm của Dũng “mặt sắt”.

Các đối tượng này được Dũng “mặt sắt” chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm: Nhóm đi “cảnh giới”, “trông đường”; nhóm đổ xăng, lắp BKS Trung Quốc, lái xe qua đường mòn qua biên giới giao cho đối tượng người Trung Quốc. Trong đêm, các đối tượng đã vận chuyển trót lọt 9 xe ô tô, một số xe chưa vận chuyển kịp thì các đối tượng đưa vào khu vực Ban quản lý (BQL) cửa khẩu Bắc Phong Sinh cất giấu.

Qua kiểm tra thực tế, cơ quan công an phát hiện có 55 xe ô tô để trong khu chợ, sân BQL, bãi tập kết xe container. Số xe này là của Công ty TNHH Tuấn Đông (Công ty Tuấn Đông) 25 xe; Công ty cổ phần XNK quốc tế Tân Đại Dương (Công ty Tân Đại Dương) 29 xe; Công ty cổ phần XNK quốc tế NC (Công ty NC) 1 xe, trong đó có nhiều xe đã lắp BKS Trung Quốc.

Qua xác minh, cả 55 chiếc xe đều do Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Lân thông quan theo hình thức kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất xe ô tô chưa qua sử dụng, chuyển Chi cục Hải quan Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh giám sát xuất sang Trung Quốc. Nhưng qua giám định, cơ quan chức năng đã kết luận cả 55 xe ôtô nói trên là xe đã qua sử dụng, số khung xe (số Vin) bị tẩy xóa, năm sản xuất của xe kê khai trong hồ sơ Hải quan không đúng với năm sản xuất thực tế của xe ôtô.

Được biết, xe ôtô đã qua sử dụng là hàng hóa thuộc “danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất” kể từ ngày 30/9/2012 theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Phía Nhà nước Trung Quốc cũng cấm nhập khẩu xe ôtô đã qua sử dụng từ năm 2007.

Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiếp tục làm rõ hành vi buôn lậu và vận chuyển trái phép xe ô tô qua biên giới của các đối tượng xảy ra ở 3 Công ty Tuấn Đông, Tân Đại Dương, NC.

Lợi dụng hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất, các đối tượng đã tự tạo dựng, làm giả các hợp đồng, hóa đơn thương mại mua bán xe ô tô chưa qua sử dụng mang tên các công ty Hồng Kông, Trung Quốc. Nhưng thực chất, chúng buôn bán xe ô tô đã qua sử dụng đưa từ nước ngoài vào Việt Nam, rồi đưa sang Trung Quốc cho một số đối tượng người Trung Quốc.

Trong số 26 bị can bị khởi tố trong vụ án này, có 13 bị can thuộc Công ty Tuấn Đông. Theo điều tra, để dễ dàng trong việc làm ăn, làm Giám đốc công ty một thời gian, Dũng “mặt sắt” rút về phía sau để chỉ đạo, cho Bùi Tiến Quảng làm Giám đốc.

Xác minh tại các cơ quan hải quan cho thấy từ 13/3/2013 đến 3/5/2013, Bùi Tiến Quảng ký hợp đồng mua và bán 138 xe ô tô kiểu trên. Trong đó, 25 xe ô tô bị cơ quan công an thu giữ vào đêm 5/5/2013, còn lại đã thực xuất sang Trung Quốc.

Trong số các bị can thuộc Công ty Tuấn Đông, đáng chú ý có Bùi Thị Phương (tức Lỵ) - vợ của Dũng “mặt sắt”.

Theo tài liệu điều tra, từ 15/1/2013 đến 24/4/2013, Công ty Tuấn Đông đã làm giả hợp đồng để tiêu thụ 370 xe ôtô đã qua sử dụng. Để đưa được xe qua biên giới, các đối tượng đã chi tiền cho cán bộ hải quan và chi tiền “bao biên” cho Dũng “mặt sắt”.

Tổng số xe Công ty Tân Đại Dương đã giao trót lọt cho các đối tượng Trung Quốc tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh là 338 xe (có 3 xe giao ở cửa khẩu Hoành Mô, 29 xe bị thu giữ).

Trong số nhóm bị can thuộc Công ty Tân Đại Dương có 2 đối tượng là người Trung Quốc. Đó là Dịp Hải Dương và Chu Phúc Lượng, được các đối tượng người Trung Quốc được thuê sang sửa chữa xe ôtô, lắp BKS Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam, sau đó để cho các đối tượng khác lái xe qua đường mòn sang Trung Quốc.

Có 3 bị can thuộc Công ty NC bị khởi tố là Hoàng Đào Xuân Nghĩa, Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thành Chung, Phó Giám đốc; Hồ Quang Đoàn, nhân viên Công ty.

Từ ngày 6/3/2013 đến 16/4/2013, các đối tượng đã buôn bán, vận chuyển trót lọt 99 xe ô tô đã qua sử dụng sang Trung Quốc với hình thức trên. Hiện cả 3 đối tượng này đang bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc.

Đặc biệt, trong vụ án này, có 2 bị can là cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh đã tiếp tay cho hành vi phạm tội của các đối tượng thuộc 3 công ty trên. Đó là bị can Triệu Hoài Anh và Bùi Quang Anh, cán bộ Đội dây chuyền nghiệp vụ.

Tổng số xe ô tô của 3 công ty trên mà bị can Bùi Quang Anh ký nhận giám sát xuất là 241 xe, còn bị can Triệu Hoài Anh ký nhận giám sát xuất 328 xe (trong đó có cả 55 xe bị thu giữ).

Hai bị can này khai nhận trong quá trình giám sát hàng hóa đã không kiểm tra tình trạng xe, các đặc điểm, số khung của các xe nên không phát hiện là xe đã qua sử dụng và có cho các doanh nghiệp vận chuyển xe ô tô theo đường mòn sang biên giới là trái quy định của Nhà nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lâm Tùng (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN