Sai sót điều tra trong vụ án Hồ Duy Hải sẽ xử lý thế nào?

Luật sư cho rằng, những sai sót điều tra trong vụ án Hồ Duy Hải sẽ không được xử lý vì kháng nghị của Viện KSND đã bị bác bỏ.

Luật sư Trần Hồng Phong (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Hồ Duy Hải) trả lời báo chí sau phiên xét xử Giám đốc thẩm

Luật sư Trần Hồng Phong (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Hồ Duy Hải) trả lời báo chí sau phiên xét xử Giám đốc thẩm

Kiến nghị kiểm điểm nghiêm túc về những sai sót trong điều tra

Ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, qua đó tuyên bác toàn bộ kháng nghị của Viện KSND tối cao.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện, Hội đồng thẩm phán nhận thấy: Hồ Duy Hải có nhiều lời khai khác nhau, nhưng trong các lời khai đều thú nhận Hải đã giết hai nạn nhân, sau đó cướp tài sản của nạn nhân. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo nhận tội. Tại phiên tòa phúc thẩm, có lúc Hải nhận tội, có lúc không nhận tội. Sau phiên tòa phúc thẩm, Hải không có đơn kêu oan mà chỉ có đơn xin ân xá.

Trong những thời điểm quan trọng thì Hải đều nhận tội và chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Lời khai của các nhân chứng phù hợp với lời khai của bị cáo về mặt thời gian, địa điểm.

Do vậy, đủ cơ sở để xử phạt Hồ Duy Hải: Tử hình về tội Giết người, 5 năm tù về tội Cướp tài sản là không oan sai. Không có cơ sở để chấp nhận Kháng nghị của Viện KSND Tối cao.

Hội đồng thẩm phán cũng kết luận: Trong quá trình điều tra có những thiếu sót, nhưng những thiếu sót này không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án. Hội đồng Thẩm phán xét thấy: Không cần hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại. Kiến nghị cơ quan điều tra tỉnh Long An tổ chức kiểm điểm nghiêm túc về những sai sót nêu trên.

Sai sót trong điều tra có vi phạm tố tụng?

Về những sai sót trong điều tra vụ án Hồ Duy Hải, luật sư Trần Hồng Phong cho biết: “Phiên tòa giám đốc thẩm đã bác toàn bộ kháng nghị của Viện KSND thì sẽ không có việc xử lý trách nhiệm về những sai phạm của cơ quan tố tụng trong vụ án này”.

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, để bảo đảm tính khách quan, Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 đã quy định tại Điều 252 về việc Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ.

Quy định này giúp cho hoạt động kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ của Hội đồng xét xử khi chứng minh tội phạm được khách quan và toàn diện hơn.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Cũng theo luật sư Bình, Điều 389 Bộ luật TTHS cho phép Hội đồng thẩm phán bác kháng nghị khi xét thấy bản án đã có hiệu lực "có căn cứ và đúng pháp luật". Một bản án được xem là có căn cứ và đúng pháp luật phải đảm bảo cả pháp luật nội dung lẫn hình thức. Pháp luật nội dung và pháp luật hình thức là hai mặt của một vấn đề và có mối quan hệ biện chứng với nhau.

"Như đã phân tích ở trên, những vi phạm mà kháng nghị của Viện KSND tối cao chỉ ra là những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, chứ không thể gọi là "sai sót trong điều tra" được. Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng thì dẫn đến làm mất đi tính khách quan, toàn diện của vụ án. Đó cũng là một trong những căn cứ mà Bộ luật TTHS quy định là phải hủy án để điều tra, xét xử lại", vị chuyên gia này nêu ý kiến.

Trước đó, trong nội dung kháng nghị, Viện KSND Tối cao cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: Bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án. Viện KSND Tối cao cho rằng, những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.

Tại phiên giám đốc thẩm, thành viên Hội đồng Thẩm phán, Viện KSND Tối cao đã hỏi điều tra viên, kiểm sát viên, cơ quan tố tụng sơ thẩm, phúc thẩm trong quá trình khám nghiệm hiện trường đã thu giữ những gì liên quan đến vụ án? Những vật chứng rất quan trọng là “chiếc thớt”, “con dao” và “chiếc ghế nhựa” tại sao không thu giữ được? Tại sao không giám định thời gian chết của nạn nhân? Việc thu thập dấu máu chậm dẫn đến không kết luận được máu đó của ai... Trong quá trình giải đáp, đại diện điều tra viên cũng đã thừa nhận, do sơ suất của điều tra viên trong khám nghiệm hiện trường, nhận định của điều tra viên còn hạn chế trong xác định rõ dấu vết, hung khí...

Nguồn: [Link nguồn]

Mẹ tử tù Hồ Duy Hải tiếp tục gửi đơn cầu cứu

Mẹ tử tù Hồ Duy Hải vừa gửi đơn đến chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội với mong muốn kiến nghị Hội đồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phùng Đô ([Tên nguồn])
Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN