Ra tòa, “siêu trộm chục tỷ” cải chính

Thực hiện trót lọt 36 vụ nhập nha, trộm hơn 10,3 tỉ đồng nhưng khi ra tòa, bị cáo Đặng Ngọc Tân vẫn cho rằng số vụ và số tiền trộm ít hơn so với quy buộc trong cáo trạng.

Sáng 6/6, TAND TP Đà Nẵng đã xét xử sơ thẩm vụ án Đặng Ngọc Tân (SN 1982, thường trú xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) cùng Nguyễn Hữu Phước (SN 1983, ngụ TP Đà Nẵng) về tội trộm cắp tài sản. Với hơn 40 bị hại, đây là vụ án có đông bị hại nhất từ trước đến nay tại TP Đà Nẵng. Đặc biệt, hầu hết bị hại là nhà giàu.

Ngoài ra, bị đưa ra xét xử còn có bị cáo Nguyễn Thị Bạch Dương (SN 1978, vợ của Tân), bị truy tố về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Tại phiên tòa, các luật sư yêu cầu hoãn xử vì có đến 17 bị hại và người làm chứng vắng mặt nên không bảo đảm tính khách quan trong quá trình xét hỏi. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng không nhất thiết phải hoãn bởi các bị hại đều đã khai đầy đủ tại cơ quan điều tra. Hơn nữa, phiên tòa kéo dài 3 ngày nên có thể tiếp tục mời bị hại và người làm chứng tham dự.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2008 đến 30/4/2011, Tân và Phước cấu kết nhau chuyên đi trộm tại TP Đà Nẵng. Khi phát hiện những nhà cao tầng, không có người ở nhà, Tân đột nhập và trộm cắp tài sản; Phước đứng ngoài cảnh giới. Tân và Phước đã thực hiện trót lọt 36 vụ, tổng trị giá tài sản chiếm được hơn 10,3 tỉ đồng.

Đêm 30/4/2011, khi Tân đột nhập nhà bà Nguyễn Thị Phụng trộm gần 50 triệu đồng thì bị công an bắt. Ngoài 36 vụ trộm trót lọt, Tân còn thực hiện thêm 9 vụ trộm cắp nhưng không thành.

Tại phiên xét hỏi, bị cáo Phước thành khẩn khai báo đã cùng Tân thực hiện 36 vụ trộm như cáo trạng đã truy tố. Tuy nhiên, Phước cho rằng mình chỉ là người đứng ở ngoài cảnh giới chứ không hề vào nhà tham gia lấy cắp tài sản.

Bị cáo Tân cũng thừa nhận vai trò của Phước chỉ là người giúp sức và ngoài đời Phước là em út nên Tân đưa bao nhiêu tiền thì Phước lấy bấy nhiêu chứ không được đòi hỏi.

Tuy nhiên, trái ngược với lời khai của Phước, Tân cho rằng mình chỉ thực hiện 29 vụ trộm cắp chứ không phải 36 vụ như cáo trạng đã nêu.

“Những gì bị cáo làm thì bị cáo chịu, dù có thêm 7 vụ nữa bị cáo cũng phải chịu mức án từ 12 năm tù đến chung thân. Nhưng 7 vụ bị cáo không làm mà VKSND truy tố thì bị cáo không chấp nhận, mong HĐXX xem xét” - Tân thanh minh.

Từ đó, Tân cho rằng tổng số tiền mà Tân trộm cắp chỉ gần 8 tỉ đồng chứ không phải hơn 10 tỉ đồng như cáo trạng nêu. Tân cũng cho rằng trong số tiền gần 8 tỉ đồng, Tân đã góp trên 3 tỉ đồng với người bạn ở Hà Nội để làm ăn nhưng bị thua lỗ, số tiền còn lại dùng ăn chơi, tiêu xài chứ không hề có chuyện đưa cho cha mẹ ruột và cha mẹ vợ mua ô tô, mua đất và nhà như cáo trạng quy kết.

Tuy nhiên, đại diện VKSND cũng như HĐXX cho rằng lời kêu oan của bị cáo Tân không có cơ sở bởi các chứng cứ đều thể hiện Tân tự nguyện khai với CQĐT. Hơn nữa, điều kiện kinh tế cha mẹ ruột của Tân cũng ở mức độ bình thường, đủ sống; cha chạy xe ôm, còn mẹ đan lưới bán.

Ngoài ra, chứng từ cũng thể hiện rõ: Sau khi trộm cắp trên 3,5 tỉ đồng, Tân và Bạch Dương mang tiền đến ngân hàng gửi vào tài khoản của Dương 3,4 tỉ đồng. Sau đó, Dương rút ra rồi gửi số tiền trên vào một ngân hàng khác để mẹ của Dương đứng tên, sau đó rút ra đem đi mua đất.

Hôm nay (7/6), phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Dũng (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN