Quẫn bách nên giết người

Sự kiện: Tin pháp luật

Nhiều người xa quê, chăm chỉ làm lụng nên ổn định cuộc sống nhưng cũng không ít trường hợp trở nên "máu lạnh" bởi sự quẫn bách và ích kỷ.

Tết cận kề, khi mọi nhà đang háo hức chuẩn bị đón người thân về sum vầy thì ở một vùng quê nghèo của tỉnh Hậu Giang có 2 đứa trẻ đang trải qua tấn bi kịch: mẹ các em là Hàng Thị Hồng Diễm (33 tuổi, quê Hậu Giang) vừa bị khởi tố ở Bình Dương vì giết chính cha các em.

Cuồng sát

Hơn 10 năm trước, Diễm rời quê lên Bình Dương làm việc rồi lấy chồng cũng là dân nhập cư. Ở quê, ngay cả những người thân thích nhất của Diễm cũng không hiểu vì sao cô có thể ra tay man rợ đến thế. Chuyện gì đẩy đưa một thôn nữ thành kẻ máu lạnh?

Hiện tượng lao động nhập cư giết người tại Bình Dương trở thành đề tài nóng những ngày cuối năm vừa qua. Người dân chưa hết bàng hoàng chuyện Diễm giết chồng thì lại nghe tin một người đàn ông dùng 2 con dao truy sát, đâm liên tiếp vợ cũ. Hung thủ và nạn nhân cũng là người xa quê đến Bình Dương làm thuê.

Quẫn bách nên giết người - 1

Lao động nhập cư thường phải sống trong các khu trọ chật chội, dễ phát sinh va chạm, xung đột Ảnh: NHƯ PHÚ

Cụ thể, sau thời gian chung sống, Trần Văn Khanh (26 tuổi, quê Cần Thơ) và chị Trương Thị Thu Tư (27 tuổi, quê Kiên Giang) vừa ly hôn cách đây hơn 1 tháng. Lúc 10 giờ ngày 22-12-2017, Khanh đến một quán cà phê (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An) nơi chị Tư và em gái chị Tư làm thuê. Tại đây, Khanh ngồi nói chuyện với vợ cũ. Đến 13 giờ 40 phút cùng ngày, Khanh vào nhà vệ sinh của quán lấy chai thuốc diệt cỏ mang theo uống. Sau đó, Khanh đến bàn nơi chị Tư đang ngồi, nói chuyện nhằm níu kéo tình cảm nhưng chị Tư không đồng ý. Bất ngờ, Khanh lấy con dao xếp để trong túi quần xông vào đâm chị Tư 2 nhát trúng bụng và ngực. Bị đâm, chị Tư giật dao của Khanh rồi bỏ chạy ra đường. Khanh, móc con dao thứ 2 ra, đuổi theo đâm tiếp nhiều nhát gây thương tích vùng lưng và vai nạn nhân. Chị Tư được người thân đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Còn Khanh bị bắt, đưa đến bệnh viện nhưng tử vong sau đó vì thuốc diệt cỏ.

Trước đó là nhiều vụ ra tay nhẫn tâm khác. Cụ thể, rạng sáng 19-12-2017, vì mâu thuẫn khi hát karaoke, Phạm Văn Hiếu (22 tuổi, quê Quảng Bình) cùng nhóm bạn quê miền Trung đã dùng dao đâm chết chủ quán karaoke ở Thuận An. Chiều 10-12-2017, Nguyễn Thanh Phi (29 tuổi; quê huyện Cái Lậy, tỉnh Tiền Giang) dùng súng bắn bạn nhậu là Nguyễn Đỗ Trần Đức (35 tuổi, ngụ thị xã Thuận An) 2 phát, trong đó 1 phát trúng ổ bụng đi vào cột sống. Nguyễn Văn Phi dùng dao đâm vào tim, hông một tài xế xe ôm rồi cướp xe và giấu xác nạn nhân trong bụi cỏ ven đường ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương...

Bức bối, ích kỷ mà ra

Vì sao nhiều lao động nhập cư dễ dàng nổi nóng và giết người? Trung tá Hồ Hoàng Thanh, Phó Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Dương, cho rằng do trình độ dân trí thấp, không gian sống chủ yếu là ở phòng trọ chật hẹp, đời sống kinh tế khó khăn… nên dễ dẫn đến bức xúc, xung đột nhưng lại không biết kiềm chế. Trung tá Thanh dẫn chứng trong vụ án Nguyễn Văn Phi (21 tuổi, quê An Giang) đóng giả khách rồi dùng dao đâm chết tài xế xe ôm cướp xe xuất phát từ sự túng quẫn và nông cạn của Phi. Trung tá Thanh kể: "Lúc bị bắt, Phi tâm sự do nhà không có tiền, vợ Phi nói anh làm gì kiếm được 10 triệu đồng. Từ câu nói của vợ, Phi suy nghĩ và cho rằng cướp xe ôm là cách kiếm tiền nhanh nhất. Khi bị bắt, Phi mới hối hận, xin được gặp cha mẹ và con mình trước khi vào trại".

Quẫn bách nên giết người - 2

Vì cần 10 triệu đồng, Nguyễn Văn Phi đâm chết tài xế xe ôm để cướp tài sản. (Ảnh thực nghiệm hiện trường)

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, chia sẻ: "Các vụ án giết người dã man có nhiều nguyên nhân. Nhưng theo tôi, nguyên nhân thứ nhất là do hạn chế trong giáo dục, trong ý thức về tình yêu giữa người với người, sự tôn trọng thân thể người khác. Nguyên nhân thứ hai là do trong cuộc sống nhiều người thích giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, đúng ra chúng ta cần phân tích để hiểu nhau, xóa mâu thuẫn thì tốt hơn. Nguyên nhân thứ ba trong quá trình cuộc sống sinh hoạt chỉ ở nơi làm việc, sau đó về nhà loay hoay trong phòng trọ nhỏ hẹp như vậy rất dễ phát sinh sự va chạm, xung đột. Đặc biệt, nhóm tội phạm này liên quan đến rượu bia rất nhiều, sau khi ăn nhậu thì lời qua tiếng lại dễ phát sinh mâu thuẫn...".

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy nhận định: "Lao động nhập cư xa quê vất vả mưu sinh nhưng thu nhập thấp. Họ lại phải sống trong phòng trọ ẩm thấp, chật chội từ ngày này qua ngày khác. Điều đó rất dễ tạo ra cảm xúc tiêu cực. Những cảm xúc tiêu cực này tích tụ kết hợp với ức chế, mâu thuẫn khác không giải quyết, chúng dồn nén dẫn đến vỡ òa, tạo thành những hành vi khó tưởng tượng".

Cần sự quan tâm

Hiện Bình Dương có khoảng 2 triệu dân. Trong đó, một nửa là lao động từ nơi khác đến, sống tập trung tại thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An. Các vụ giết người trong giới lao động nhập cư tại Bình Dương hầu hết được xếp vào nhóm "Giết người do nguyên nhân xã hội".

Đại tá Trần Văn Chính nói: "Tội phạm do nguyên nhân xã hội thì cả xã hội cùng vào cuộc với lực lượng công an thì mới có thể giải quyết được". Đại tá Chính nêu các giải pháp cần thiết là đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, đặc biệt cần giáo dục tình yêu thương con người, lực lượng cơ sở phải phát hiện, giải hòa ngay những mâu thuẫn khi vừa nhen nhóm, đẩy mạnh công tác răn đe, cảm hóa…

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Duy nhấn mạnh giải pháp cần thiết lúc này là nâng cao mức lương cho người lao động đủ sống, phải có biện pháp chăm sóc đời sống tinh thần, có khu vui chơi và nhà ở giá rẻ cho người lao động. 

Án giết người vẫn ở mức cao

Theo đại tá Trần Văn Chính, năm 2017, Bình Dương thụ lý điều tra 37 vụ án giết người. "So với các năm trước, số án giết người như vậy là có giảm nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao. Đáng nói hơn, phần lớn hung thủ trong các vụ trọng án này là lao động từ các nơi khác đến Bình Dương làm việc" - đại tá Chính thông tin.

Cái kết ”đắng” của gã đàn ông si tình

Khi phát hiện người yêu mình đang tay trong tay với một người đàn ông khác, Ba đã rút dao định đâm tình địch nhưng nhát...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Phú (Người lao động)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN