Ôm hận vì những trò lừa qua mạng

Bằng thủ đoạn thông tin bán các sản phẩm giá rẻ trên các trang mạng, sau khi nhận tiền cọc của người mua gửi qua tài khoản, kẻ gian đã lặn mất tăm...

Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an TPHCM cho biết đã bắt tạm giam Trần Văn Tuấn (SN 1982), Lê Công Đạt (SN 1993), Nguyễn Minh Tùng (SN 1995), Võ Sĩ Hậu (SN 1991), Trần Văn Hoàng (SN 1991, cùng quê tỉnh Quảng Ngãi) để điều tra hành vi sử dụng mạng internet lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền mà nhóm này lừa của nhiều người lên đến 430 triệu đồng.

Nhận tiền cọc rồi hủy số điện thoại

Nhặt được một CMND mang tên Đỗ Hoàng Quốc B., tháng 6/2011, Tuấn ra ngân hàng mở 2 tài khoản. Sau đó, Tuấn bàn bạc với đồng bọn lên mạng rao bán iPhone, iPad, máy ảnh…(có kèm theo hình ảnh giả) với giá rẻ hơn giá thị trường, kèm số điện thoại liên lạc trên các trang web mua bán trực tuyến như muaban, rongbay, raovat, vatgia, 5giay…

Sau khi khách hàng gọi điện trao đổi, thỏa thuận giá cả và đồng ý mua, chúng yêu cầu chuyển khoản tiền đặt cọc. Nhận tiền xong, chúng hủy số điện thoại rồi rút tiền chia nhau theo tỉ lệ Tuấn hưởng 30%, 4 đồng phạm 70%. Tuấn khai nhận đã chiếm đoạt tổng cộng 430 triệu đồng của nhiều khách hàng, tuy nhiên, do số tiền bị mất không lớn nên nhiều nạn nhân không trình báo công an. Trong vụ án này, công an xác định được 7 nạn nhân bị nhóm này lừa tiền, các nạn nhân cũng đã chứng minh được việc gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của nhóm này.

Ôm hận vì những trò lừa qua mạng - 1

Trần Văn Tuấn (bìa phải) và đồng bọn tại cơ quan công an

Ngoài vụ án này, Trần Văn Hoàng và Lê Công Đạt còn đang bị CQĐT Bộ Công an làm rõ hành vi dùng internet lừa đảo trong một vụ án khác.

Cho xem hàng nhưng không giao hàng

Công an quận 12 - TPHCM cho biết hiện đang tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo bị lừa đảo qua mạng xảy ra trên địa bàn quận. Mới đây nhất, sau khi bị chiếm đoạt 20 triệu đồng tiền đặt cọc mua thép qua mạng, “của đau, con xót”, ông Bùi Ngọc Châu (ngụ quận Bình Thạnh) đã lên kế hoạch bắt Nguyễn Sỹ Kiên (SN 1978, quê Nghệ An) giao cho cơ quan công an. Riêng đồng phạm của Kiên đã nhanh chân trốn thoát.

Trước đó, cuối tháng 3/2013, anh Đoàn Hồng Nhật (SN 1978, ngụ huyện Bình Chánh - TPHCM) đã đến Công an phường Tân Thới Hiệp (quận 12) trình báo việc bị một nhóm người lừa đảo qua mạng. Theo đó, anh Nhật truy cập vào trang vatgia.com và đọc được thông tin đại lý sắt thép Khang Phát (quận 12) bán thép rẻ hơn giá thị trường khoảng 10.000 đồng/kg. Sau khi thỏa thuận giá cả, thời gian và địa điểm giao nhận hàng, anh Nhật đã giao 38,5 triệu đồng tiền mua thép cho một thanh niên tên Sơn. Do bận công việc, anh Nhật nhờ người em họ tên Phong đi nhận hàng giùm.

Sơn nói đường vào công ty cấm xe tải, yêu cầu anh Phong nhận hàng cách công ty 200 m. Sau khi cân thép theo hợp đồng, Sơn cho người bốc thép lên xe tải rồi nói anh Phong cho địa chỉ nhà, Sơn sẽ giao hàng tận nơi. Về nhà đợi hoài không thấy Sơn chở thép đến, anh Phong đến địa chỉ công ty để xác minh thì đây là một “công ty ma”.

Hiện trên mạng cũng đang xuất hiện một số kẻ giả danh nhân viên hải quan, sân bay có một số hàng điện tử như iPhone, iPad được cho tặng, muốn bán lại bằng một nửa giá thị trường. Các đối tượng này đăng thông tin rồi kèm theo nick chat để khách xem hàng trực tiếp qua webcam. Khi “giao lưu trực tuyến”, nhóm này thường để khách thấy đồng phục hải quan, thẻ ngành,… cùng sản phẩm muốn bán rồi yêu cầu khách chuyển tiền cọc từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Để người mua hàng tin tưởng, những kẻ lừa đảo cam kết sẽ gửi hàng trước theo địa chỉ mà khách cung cấp. Sau đó, chúng lập một hóa đơn đường bưu điện giả với những thông tin địa chỉ, số điện thoại khách cung cấp, đưa lên webcam cho người mua hàng xem. Đinh ninh là sản phẩm đã được chuyển đi, người mua nộp tiền vào tài khoản để rồi hàng không có, điện thoại ngoài vùng phủ sóng, còn người thì cũng biến mất.

“Ảo thuật” tráo iPhone thật thành giả

Đọc được thông tin “chuẩn bị mua iPhone 5, cần bán iPhone 4 giá bèo”, anh N.H (ngụ quận 8) gọi điện cho người bán. Sau khi thỏa thuận giá cả, anh H. đến địa điểm nhận hàng, một thanh niên đi xe SH móc điện thoại ra chào hàng. Thấy điện thoại còn mới, người bán nhìn cũng sang trọng, anh H. mời vào quán cà phê để giao dịch. Tuy nhiên, viện lý do bận đi công chuyện, người bán hối thúc mua bán nhanh gọn lẹ. Trong lúc anh H. mở cốp xe lấy tiền, không ngờ kẻ gian mở hộp đổi iPhone thật thành điện thoại Trung Quốc, đến khi anh H. kịp phát hiện thì gã thanh niên đã mất dạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Duyên (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN