Nữ doanh nhân thành đạt và những cú lừa tiền tỷ
Với vỏ bọc là một chủ doanh nghiệp mỹ phẩm thành đạt, “hot Tiktoker” nổi tiếng trên mạng xã hội Nguyễn Dương Kiều Vy đã lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ của hàng loạt nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi tiếp nhận tin báo, CAQ Đống Đa đã bắt giữ Vy và đồng phạm.
Cơ quan điều tra làm việc với bị hại, bị lừa đảo chiếm đoạt 2,6 tỷ đồng
Cú lừa tiền tỷ
Ngày 3-1-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra CAQ Đống Đa nhận được đơn trình báo của một cô gái trẻ tên N.T (SN 1997, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) về việc bị nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng dưới hình thức đầu tư, kinh doanh. Bị hại trình báo công an trong tâm lý bất ổn, hoang mang, lo lắng. Thậm chí, nạn nhân cho biết đã phải cầm cố cả nhà ở để có tiền đầu tư nhưng đã bị chiếm đoạt hết.
Theo đơn trình báo, tháng 8-2023, chị N.T thường hay lên mạng xã hội Tiktok và xem các video chia sẻ cách làm giàu, kinh nghiệm kinh doanh, khởi nghiệp của một người phụ nữ tên Nguyễn Dương Kiều Vy ở TP Hồ Chí Minh. Người phụ nữ này là chủ một thương hiệu lớn về mỹ phẩm, có giới thiệu về nhiều dự án kinh doanh. Chị N.T thấy phù hợp nên đã hẹn gặp để trao đổi, kết hợp làm ăn trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu. Qua trao đổi thông tin, Vy biết chị N.T đang kinh doanh nấm đông trùng hạ thảo nên đã hỏi giá nguồn hàng chị T nhập là 200 triệu đồng/ tấn. Lúc này, Vy nói dối là có quen một người tên My có nguồn hàng nhập từ Trung Quốc với giá 140 triệu đồng/ tấn và có thể giới thiệu cho chị N.T. Về đầu ra của sản phẩm, Vy cũng có thể giới thiệu trợ lý của mình để giúp chị N.T tiêu thụ.
Thấy mối làm ăn tốt, lại bao đầu ra, chị N.T đã nhờ Vy kết nối. Lúc này, Vy lập 1 tài khoản Zalo giả danh là My để liên hệ trao đổi với chị N.T. Kế đó, Vy tiếp tục giả danh là Ngọc (trợ lý của Vy) để nhắn tin tạo sự tin tưởng cho bị hại. Thấy vậy, chị N.T đã chuyển số tiền 140 triệu đồng cho một nhân viên của Vy là Lý Kim Yến (SN 1994, quê quán thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Vy hứa sau 3 tuần hàng sẽ thông quan và chuyển về Việt Nam. Bằng thủ đoạn này, Vy tiếp tục dùng các tài khoản Zalo nhắn tin tạo lòng tin cho chị N.T để chị chuyển tiếp số tiền 2,2 tỷ đồng đặt mua hơn 20 tấn nấm đông trùng hạ thảo. Số tiền này, Vy đã sử dụng trả nợ cá nhân và không nhập hàng giao cho chị T như đã hứa. Cùng thời điểm, Vy tiếp tục dẫn dắt chị N.T mua một cửa hàng trà sữa nhượng quyền ở Long An, An Giang với giá 350 triệu đồng. Do chị N.T chỉ có 300 triệu đồng nên Vy đồng ý hỗ trợ 50 triệu đồng. Do tin tưởng nên chị N.T cũng đã chuyển khoản 300 triệu đồng cho Vy. Sau đó, để tránh bị chị N.T phát hiện, Vy tiếp tục nói dối việc có khách hàng muốn mua lại cửa hàng với giá 400 triệu đồng. Thấy lãi, chị N.T đã ủy quyền cho Vy bán. Để không bị đòi số tiền này, Vy tiếp tục mời chào chị N.T đầu tư mua chuỗi cửa hàng nhượng quyền khác. Tổng số tiền mà Vy chiếm đoạt của chị T là hơn 2,6 tỷ đồng.
Ngay khi tiếp nhận tin báo, xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Thượng tá Nguyễn Đức Long - Trưởng CAQ Đống Đa đã chỉ đạo Đội Điều tra tổng hợp phối hợp với các đơn vị khẩn trương xác minh, bắt giữ đối tượng lừa đảo. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 5-1-2021 cơ quan công an đã bắt giữ Nguyễn Dương Kiều Vy và Lý Kim Yến.
“Vay đầu cá, vá đầu tôm”
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Dương Kiều Vy khai nhiều năm trước vào miền Nam lập nghiệp và đến năm 2019 - 2020 thì bắt đầu xây dựng thương hiệu mỹ phẩm cá nhân. Để thu hút khách hàng và nhà đầu tư, Vy đã dùng nhiều cách quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, nền tảng mạng xã hội, thuê các ngôi sao showbiz để làm đại diện hình ảnh nhãn hàng. Khi sản phẩm có tiếng vang nhất định, Vy đã thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và khách đặt hàng. Tuy nhiên, lúc này dây chuyền sản xuất, cung ứng của Vy gặp sự cố, đứt gãy, nên không kịp xoay xở để trả hàng cho khách, lại đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên Vy rơi vào tình trạng phá sản.
Lúc này, Vy tìm mọi cách để khắc phục bằng chiêu trò lấy tiền của nhà đầu tư này trả lãi cho nhà đầu tư khác. Khi cùng quẫn, Vy tìm đủ các chiêu trò để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội của các nhà đầu tư hoặc những người trẻ muốn khởi nghiệp. Với vai doanh nhân trẻ thành đạt, Vy lập ra hội nhóm “Người trẻ khởi nghiệp” trên mạng xã hội để đăng cái bài viết chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, đầu tư, khởi nghiệp, cách làm giàu… Vy cũng chia sẻ về các dự án đầu tư nhượng quyền thương hiệu, về các chuỗi sản phẩm, thương hiệu đang nổi ở khắp các tỉnh thành. Nhiều bài chia sẻ của Vy thu hút được đông đảo bình luận của các nhà đầu tư trẻ. Quá trình này không ít lần Vy khoe về các sản phẩm do các “sao hạng A” đại diện thương hiệu, có uy tín. Chính những điều đó đã lừa gạt lòng tin của nhiều người xem các video của Vy. Ngoài chị N.T là nạn nhân, Vy còn khai nhận đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều người khác với số tiền khoảng 30 tỷ đồng bằng thủ đoạn kêu gọi đầu tư, chuyển nhượng thương hiệu…
Đối với Lý Kim Yến, đối tượng khai quá trình làm nhân viên của Vy đã giúp sức cho Vy lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Trong đó, xác định người bị cả 2 đối tượng chiếm đoạt là chị N.T.C (SN 1994, trú tại xã Giao Hội, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái); N.T.T.N (SN 1991, trú tại TP.HCM) với tổng số tiền 486 triệu đồng.
Hai đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị bắt giữ
Những cú chốt giá qua mạng
Theo Trung tá Nguyễn Hoàng Sơn - Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp CAQ Đống Đa, qua đấu tranh khai thác mở rộng vụ án, Vy khai nhận đã lừa đảo của nhiều nạn nhân, chủ yếu là người xem video, theo dõi và biết Vy qua mạng xã hội. Các nạn nhân hầu hết đều không biết rõ về quá trình hoạt động kinh doanh, tình trạng doanh nghiệp và khả năng tài chính hiện tại của Vy. Tuy nhiên, chỉ xem vài video trên mạng xã hội, các nhà đầu tư trẻ sẵn sàng chốt giá hàng tỷ đồng cho các phi vụ đầu tư, kết nối làm ăn. Mọi thứ đều chỉ là những lời nói, thỏa thuận miệng hoặc trên mạng mà không có bất cứ hợp đồng, giấy tờ có tính pháp lý. Thậm chí, có nhà đầu tư, nạn nhân chưa một lần gặp mặt Vy nhưng cũng sẵn sàng chi tiền. Chính vì niềm tin mù quáng vào những hình ảnh hoa mỹ được tạo lập trên mạng, nhiều bị hại đã lâm vào cảnh phá sản khi dồn tiền, thậm chí bán cả nhà để đầu tư, giao tiền cho Vy.
Cơ quan điều tra cũng khuyến cáo người dân, nhất những người trẻ kinh doanh, đầu tư, cần có sự tìm hiểu một cách kỹ lưỡng về các chủ doanh nghiệp, bạn hàng để có sự đầu tư thông minh, tránh tình trạng bị lừa đảo chỉ vì quá tin tưởng vào những thứ hào nhoáng trên mạng xã hội.
Các nạn nhân hầu hết đều không biết rõ về quá trình hoạt động kinh doanh, tình trạng doanh nghiệp và khả năng tài chính hiện tại của Vy. Tuy nhiên, chỉ xem vài video trên mạng xã hội, các nhà đầu tư trẻ sẵn sàng chốt giá hàng tỷ đồng cho các phi vụ đầu tư, kết nối làm ăn. Mọi thứ đều chỉ là những lời nói, thỏa thuận miệng hoặc trên mạng mà không có bất cứ hợp đồng, giấy tờ có tính pháp lý. Thậm chí, có nhà đầu tư, nạn nhân chưa một lần gặp mặt Vy nhưng cũng sẵn sàng chi tiền. Chính vì niềm tin mù quáng vào những hình ảnh hoa mỹ được tạo lập trên mạng, nhiều bị hại đã lâm vào cảnh phá sản khi dồn tiền, thậm chí bán cả nhà để đầu tư, giao tiền cho Vy.
Nguồn: [Link nguồn]
Hạ Viết Hải vốn làm nghề buôn bán ở Nghệ An. Do bị bệnh, Hải vào TP Đà Nẵng để chữa trị rồi dần trở thành một mắt xích quan trọng trong đường dây của...