Những vụ án về người cha man rợ (Kỳ cuối)
Chỉ có 1 tên sát nhân và là 1 người cha duy nhất nhưng đã giết cả gia đình tới... 2 lần.
4. Giết cả nhà đến… 2 lần
Chương trình “Câu chuyện tòa án” trên truyền hình Hoa Kỳ đã đưa tin về một câu chuyện gây sửng sốt khắp cả nước về một người đàn ông giết cả gia đình đến… hai lần. Hắn là một anh hùng trong chiến tranh, một cựu chiến binh trong cuộc chiến tại Việt Nam và là cảnh sát thành phố Detroit.
Lần đầu tiên hắn giết gia đình là vào năm 1975. Tên sát nhân lừng danh mang tên Paul Harrington này đã bắn chết vợ cùng 2 con gái nhỏ, 6 và 9 tuổi. Khi bị cảnh sát bắt giữ và thẩm tra, hắn bào chữa rằng đã bị ám ảnh bởi vụ đột kích trong cuộc chiến tại Việt Nam, nơi hắn đã ra tay giết một người mẹ trẻ cùng 4 đứa con nhỏ. Hình ảnh của họ trước lúc chết đã ám ảnh hắn nhiều năm trời. Còn người thân của tên sát nhân cho biết từ khi trở về sau chiến tranh, Paul Harrington không còn là con người chân chất của trước kia nữa. Trong thẳm sâu của người cựu chiến binh này luôn có điều gì đó kinh hoàng và sợ hãi. Trở về nhà và làm cảnh sát cho thành phố, Paul Harrington gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng với cuộc sống mới. Mọi việc trở nên ngày càng căng thẳng và dần biến hắn trở thành kẻ nghiện rượu nặng.
Đỉnh điểm của những căng thẳng này là vụ thảm sát cả gia đình như vừa nêu trên. Nếu là người bình thường, có lẽ Harrington đã bị xử tử ngay lập tức. Nhưng sau quãng thời gian dài cân nhắc về bệnh thần kinh của của “vị” cựu chiến binh này, cuối cùng tòa án kết luận vụ thảm sát là kết quả của quá trình suy sụp tinh thần trầm trọng của bị cáo và chỉ phạt tù tên sát nhân.
Trước khi bị đưa vào tù, Harrington được điều trị về tâm thần 17 tháng. Tất cả các chuyên gia thần kinh đồng ý rằng khi gây án tinh thần của hắn bị ảnh hưởng và hoảng loạn. Rồi chỉ 2 tháng sau, hắn được tại ngoại vì lý do không phải là mối nguy hiểm cho cộng đồng và cho chính bản thân hắn.
Cho tới năm 1982, Harrington lại xây dựng gia đình và có 2 con trai. Cuộc hôn nhân này là mở đầu cho một bi kịch thứ hai sẽ xảy đến cho người vợ mới và những đứa con vô tội.
Sau khi kết hôn, sức khỏe Harrington trở lại bình thường. Nhưng cho tới những năm 1990, hắn dường như lại phải chịu những vấn đề về thần kinh vì quá lo lắng và suy sụp tinh thần như trong cuộc hôn nhân trước. Căn bệnh có vẻ ngày càng trở nên trầm trọng, nếu như theo những gì mà Harrington thể hiện ra bên ngoài.
Năm 1999, lịch sử kinh hoàng đã được lặp lại: cả gia đình bị giết hại dã man bằng súng do cùng 1 tên thủ phạm: đó là người chồng, người cha của gia đình. Vụ án mạng khiến cư dân cả thành phố Detroit phải bàng hoàng. Tại đồn cảnh sát, Harrington khai hắn đã bị ảo giác và cảm thấy một mãnh lực xui khiến đi giết người. Do kinh tế gia đình khó khăn, nợ nần chồng chất, thất nghiệp… nên hắn không có tiền mua thuốc hỗ trợ và rơi vào tình trạng nguy hiểm, cuối cùng đã giết cả vợ và 2 con trai.
Lại thêm lần nữa, Harrington phải ra đứng trước vành móng ngựa. Nhưng lần này thì kẻ sát nhân man rợ đã phải trả giá cho hành vi của mình do tòa đã tìm được chứng cứ xác đáng. Theo đó, trước khi ra tay sát hại người thân, buổi tối hôm trước Harrington đã sang nhà hàng xóm mượn khẩu súng. Điều này cho thấy đây là một hành vi có ý thức, có tính toán và chuẩn bị trước.
Đặc biệt hơn, dù nhiều người tin rằng tên này bị điên và gặp nhiều vấn đề trầm trọng về thần kinh nhưng giáo sư Charles Clark – vị giáo sư đầu ngành về thần kinh học của Hoa Kỳ - đã tiến hành nghiên cứu và thực hiện các giai đoạn kiểm tra gắt gao Harrington. Cuối cùng ông kết luận việc hắn bị thần kinh chỉ là giả tạo. Ông không chấp nhận giả thuyết rằng Harrington bị ám ảnh bởi những nỗi đau chiến tranh tại Việt Nam. Và kết luận của vị giáo sư đầu ngành này hoàn toàn thừa uy tín và trọng lượng để đưa kẻ sát nhân máu lạnh lãnh án.
Tòa tuyên án chung thân cho “ông bố” không còn một chút tính người này.
Đây là một vụ án hy hữu về tình trạng bỏ lọt tội phạm vì tên sát thủ diễn giả điên quá xuất sắc. Những nghiên cứu về khả năng bị tâm thần cũng như hành vi của Harrington đã được ghi chép và lưu trữ cẩn trọng cho những trường hợp phát sinh sau này.