Những ngày "địa ngục" của người cha vứt con xuống suối

Đang làm thuê ở Quảng Ninh, Chung bỏ về quê để phủi trách nhiệm khi người tình sinh con. Anh ta không ngờ người phụ nữ ấy tìm đến tận quê Chung để trả con.

Sợ vợ biết và cũng không biết lấy gì để nuôi đứa con rơi vãi còn đỏ hỏn trên tay, Chung đã cùng em họ sát hại đứa bé rồi nèm xuống suối. Với hành vi giết người một cách dã man, vô nhân tính, Chung bị kết án 19 năm tù, thi hành án ở trại giam Quyết Tiến. Tuy nhiên, mới trả án được 3 năm, Chung đã chết vì dằn vặt tội lỗi đã gây ra.

Nhắc đến phạm nhân này, trung tá Nguyễn Ngọc Lương, Đội trưởng đội giáo dục trại giam Quyết Tiến, không khỏi bùi ngùi. Anh Lương bảo Chung có gương mặt khá khôi ngô nhưng trình độ văn hóa thấp, lại là người dân tộc, vì nhận thức hạn chế mà gây nên tội. Từ ngày vào tù, anh ta luôn cảm thấy lương tâm bị dằn vặt, chính vì suy nghĩ nhiều mà mang tâm bệnh, cải tạo được 3 năm thì chết. Thế mới nói có những cái chết không phải do bệnh, mà chỉ vì nghĩ nhiều mà sức cùng lực kiệt.

Đứa trẻ sơ sinh nổi trên dòng suối

Phạm nhân chết vì lương tâm dằn vặt ấy là Bùi Văn Chung, sinh năm 1979, trú tại xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) nhưng kẻ cùng gây tội ác với Chung thì vẫn còn sống, hiện cũng đang cải tạo tại trại giam Quyết Tiến. Đó là Bùi Văn Nịnh (SN 1979), cùng trú tại xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Nịnh là con chú, con bác với Chung. Trước cái chết của anh họ, Nịnh cũng không tránh khỏi cắn rứt lương tâm.

Nhắc đến Chung, người đàn ông có một vợ và hai con này chỉ lắc đầu buồn bã: “Tôi ân hận lắm, không lúc nào thôi nghĩ về việc làm tội lỗi của mình. Hình ảnh đứa trẻ nổi trên dòng suối ấy lúc nào cũng hiện lên trước mắt, không thôi ám ảnh tôi”. Đã tròn 5 năm trôi qua nhưng với Nịnh, ngày gây tội ác vẫn còn mới nguyên như vừa xảy ra hôm qua.

Những ngày "địa ngục" của người cha vứt con xuống suối - 1

Kể từ khi bị bắt giam, Chung luôn thấy dằn vặt lương tâm vì những tội lỗi gây ra. (Ảnh minh họa).

“Anh ấy nói với tôi rằng đứa trẻ là con của một người phụ nữ mà ạnh ta đã ăn nằm trong thời gian ra Quảng Ninh làm thuê”, Nịnh kể.Theo lời Nịnh kể thì hôm đó, vì đang là ngày nghỉ tết nên Nịnh sang nhà Chung chơi, tính rủ Chung đi nhậu. Khi sang, thấy Chung ngồi thẫn thờ bên chai rượu, trên giường là một đứa con đỏ hỏn đang oe oe khóc, Nịnh đã rất ngạc nhiên. Là chỗ họ hàng lại chơi thân với nhau từ bé, Nịnh nắm rõ gia cảnh của người anh họ này, thậm chí hai đứa con Chung bao nhiêu tuổi, anh ta cũng biết cả. Thế nên khi nhìn thấy một đứa trẻ sơ sinh bỗng nhiên xuất hiện trong nhà Chung, Nịnh đã rất ngạc nhiên. Dường như cũng chỉ đợi có người đề giãi bày những uẩn khúc trong lòng nên không đợi Nịnh hỏi, Chung đã tông tốc kể hết mọi chuyện…

Nghe Chung kể về lai lịch của đứa trẻ và bộc bạch cả về nỗi lo vợ biết về đứa con rơi này sẽ không chịu để yên, Nịnh cũng thấy lo thay cho anh họ. Thế nên khi Chung nhờ Nịnh ẵm đứa trẻ để anh ta đèo đi tìm mẹ nó, nếu không được thì mang sang làng khác cho nhà nào hiếm muộn, Nịnh đã vui vẻ đồng ý. Khi đi ngang qua ngầm suối Trang, thuộc xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, bất ngờ Chung dừng xe nói với Nịnh: “Thằng bé này bị bệnh không nuôi được. Nếu mang cho người khác thì dễ lây bệnh, nên bỏ nó đi thôi…”. Chung vừa dứt lời, Nịnh đáp: “Thế chỉ còn cách vứt xuống suối”. Chỉ chờ thế, Chung thúc giục: “Thế thì làm đi…”. Thế là, Nịnh bế đứa trẻ xuống xe rồi lội xuống suối, dùng tay kết liễu cuộc đời cháu nhỏ xấu số rồi quăng xác cháu bé ra xa… Sau đó, Nịnh quay trở lại nói với Chung về việc mình vừa làm và hai tên điềm nhiên đi về nhà…

Hai ngày sau, xác đứa trẻ được người dân phát hiện và sau nửa năm trời điều tra, xác minh, cơ quan công an đã tìm ra hung thủ là anh em Chung và Nịnh. Với hành vi giết người dã man, tàn bạo, Chung bị TAND tỉnh Hòa Bình kết án 19 năm tù còn Nịnh ít hơn Chung 1 năm tù. Thế nhưng có lẽ do bị ám ảnh bởi cái chết của đứa con rơi nên lương tâm Chung lúc nào cũng dằn vặt, cắn rứt. Kết quả là 3 năm sau kể từ ngày đặt chân vào trại giam, Bùi Văn Chung đã từ giã cõi đời trước khi thực hiện xong bản án. Xem ra sự trừng phạt của tòa án lương tâm còn nặng nề hơn bản án do pháp luật đưa ra. Chung chết vì tâm bệnh còn Nịnh cũng không dứt ra được cảm giác tội lỗi, dằn vặt.

Sống không bằng chết

Nhớ lại tội ác ngày nào, đôi mắt Nịnh đượm buồn. Anh ta bảo không hiểu sao lúc đó lại răm rắp nghe lời anh Chung như một cái máy, vô cảm đến nỗi sát hại một sinh linh bé bỏng mà không hề có một chút do dự. Cho đến bây giờ, Nịnh vẫn có cảm giác ấm mềm trong lòng bàn tay để rồi chợt giật mình thảng thốt bởi đó là cảm giác khi anh ta đặt tay vào cổ đứa trẻ, làm một việc mà có lẽ cho đến hết đời này luôn sống trong day dứt, đau khổ.

Chung và Nịnh là những thanh niên người dân tộc Mường, sinh ra trong những gia đình nông dân và đông con. Học hết lớp 3, Nịnh ở nhà làm ruộng, lấy vợ và an phận với nghề vác đất thuê. Chung cũng lấy vợ sớm như Nịnh nhưng chán cảnh cửa nhà lục đục, con cái nheo nhóc nên anh ta tìm đường ra tỉnh ngoài làm thuê. Năm 2009, theo lời giới thiệu của một người bạn, Chung quyết định ra Quảng Ninh làm công nhân. Thời gian đầu anh ta còn tu chí làm lụng nhưng rồi cuộc sống xa vợ con, tối tối thui thủi một mình đã khiến Chung dần thay đổi. Anh ta dính vào mối quan hệ tình ái với một cô gái ở huyện Uông Bí và chuyển đến ở với cô này như vợ chồng. Chưa đầy 1 năm sau kể từ ngày chung sống, cô nhân tình của Chung sinh hạ được một cậu con trai kháu khỉnh.

“Anh ấy kể với em rằng lúc đầu thì thấy bình thường vì nghĩ rằng ai đẻ người ấy nuôi mà quê thì xa nên vợ không biết. Tuy nhiên sau đó thấy nuôi một đứa trẻ quá tốn kém nên anh ấy quyết định “chạy làng”, ai ngờ cô nhân tình vẫn tìm được”, Nịnh kể lại câu chuyện đã nghe từ Chung.

Chiều 8/2/2010, Chung đi làm về thì thấy tiếng trẻ con khóc trên giường bố mẹ. Chưa kịp hỏi thì Chung đã được đấng sinh thành kể về việc có một người phụ nữ từ Quảng Ninh đến, trao cho đứa trẻ, nói là con của Chung rồi ra về. Có lẽ vì lo sợ người vợ chính thức phát hiện, rồi gia cảnh túng bấn đã khiến Chung nghĩ quẩn mà gây ra tội ác… Không ai biết chính xác trong đầu người đàn ông này nghĩ gì bởi giờ đây anh ta đã về thế giới bên kia trong đau đớn và ân hận. Chỉ còn lại mình Nịnh với những suy đoán và câu chuyện đã nghe được từ anh họ.

“Chúng tôi cải tạo cùng một đội lại sống chung buồn giam nên biểu hiện của Chung thế nào tôi đều biết hết. Ba năm liền, gia đình anh ấy không một ai xuống thăm cho dù Chung rất chăm viết thư về cho gia đình. Kể từ ngày bị bắt, anh ấy rơi vào tình trạng trầm cảm nặng, lúc nào cũng im lìm và sống thu mình”, Nịnh kể lại.

Nghe vậy, chúng tôi hỏi Nịnh có được người nhà thăm nuôi không, anh chua chát: “Tôi cũng giống anh Chung, làm gì có ai thăm đâu”.

Từ ngày bị bắt cho đến khi vào trại, chưa một lần Nịnh được người thân lên thăm gặp. Những lúc cô đơn nhất, Nịnh chỉ biết nhờ bạn tù giúp mình viết lên những dòng tâm tư, suy nghĩ, nhớ thương để gửi về cho vợ con, những mong được vợ con tha thứ. Thế nhưng, nhiều cánh thư do Nịnh điểm chỉ phía dưới được gửi đi mà chưa một lần có hồi đáp. Hỏi Nịnh có trách bố mẹ hay vợ con không, anh ta lắc đầu. Nói về tội ác tột cùng và cũng là nỗi đau tột cùng của đời mình, Bùi Văn Nịnh chỉ biết lí nhí nói lời “ân hận”…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Vũ (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN