Những màn tống tiền người thân của học sinh
Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn Bến Cát (Bình Dương), Đồng Phú (Bình Phước) liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc đưa qua biên giới Campuchia đòi tiền chuộc làm hoang mang dư luận.
Nạn nhân chủ yếu là những em học sinh cấp 1-2 bị bắt trong khoảng thời gian đi học. Điều bất ngờ kẻ tống tiền không phải ai xa lạ mà là những người hàng xóm hoặc chính là bạn học của nạn nhân.
Những học sinh kiêm "cò" sòng bạc
Em Phạm Thị Điệp (học sinh lớp 9, H. Đồng Phú, Bình Phước) sau khi được gia đình chuộc về kể lại, trước đó em được hai bạn cùng xóm là Nguyễn Công Đ. và Ngọc A. rủ đi khu du lịch Đại Nam thăm quan, rồi sau đó họ lại rủ em đi Campuchia để chơi tiếp. Do tò mò nên em nhận lời đi theo, nhưng không ngờ khi đến nơi những người bạn cùng xóm đã ép buộc em phải đánh bạc. Diệp nói không có tiền thì được các bạn đi cùng cung cấp ngay số tiền mấy triệu để thử chơi… cho quen.
Ban đầu, thấy Diệp khá lúng túng, bạn hàng xóm còn tận tình chỉ dẫn cách đánh. Thế rồi, qua một vài ván khi đã quen với cách chơi thì cũng là lúc Diệp không còn tự chủ được bản thân nữa, hậu quả là chỉ sau vài ba ván Diệp đã thua hết sạch số tiền được các bạn cung cấp. Đang đứng đần người vì mất số tiền lớn, Diệp được chủ sổ (người cho vay tiền trong sòng bài) và đồng bọn ép gọi điện về gia đình yêu cầu đưa tiền sang chuộc, nếu không sẽ bị bán vào động mại dâm. Hoảng sợ và lo lắng, Diệp bất đắc dĩ phải gọi điện về nhà cầu cứu gia đình.
Thầy Vũ Tiến Báo trao đổi sự việc cùng PV. ẢNH: M.T
Tương tự, Trần Thị Thanh (học sinh lớp 9, H. Đồng Phú, Bình Phước) cho hay, do tin tưởng một người bạn gái tên Hương ở gần nhà nên đã đi theo lên thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) chơi. Tại đây, Hương đã giới thiệu một nhóm thanh niên để Thanh làm quen. Vẫn chiêu bài cũ, cả nhóm rủ Thanh đến khu du lịch Đại Nam chơi. Tiếp đó cả bọn kéo nhau sang một sòng bạc ở Campuchia (gần cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh).
Tưởng chỉ qua chơi cho vui, nào ngờ khi vừa vào sòng bạc, nhóm thanh niên đi cùng đưa tiền và buộc Thanh phải đánh bạc. Thanh cũng bị lột sạch tiền sau vài lần chơi… cho biết. Hết tiền, nhóm thanh niên đưa Thanh vào một khách sạn ra lệnh gọi điện về nhà yêu cầu gia đình mang 3.000 USD sang chuộc mạng. Sau nhiều giờ thương lượng qua điện thoại với gia đình, chúng giảm giá xuống còn 15 triệu đồng và đưa Thanh vào một khu nhà trọ gần đó để chờ tiền chuộc.
Trường Dân tộc nội trú huyện Đồng Phú nơi xảy ra vụ việc. ẢNH: D.A
Vẫn bổn cũ soạn lại của nhóm đối tượng bạn học rủ đi chơi du lịch, em Nguyễn Quỳnh Như (sinh lớp 10 ở thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) cũng rơi vào hoàn cành tương tự. Lúc cả nhà đang nháo nhào đi tìm thì bất ngờ nhận được điện thoại của một người đàn ông lạ báo tin cô bé đánh bạc thua, đang bị thế thân ở Campuchia và yêu cầu gia đình mang 3.000 USD sang chuộc, nếu không sẽ bị bán vào động mại dâm. Không còn cách nào khác, gia đình của Như đành phải làm theo yêu cầu của người đàn ông lạ kia để giải cứu con gái mình.
Kịch bản tự bắt cóc mình
Một ngày cuối tháng 3/2013, bà Châu Thị Hồng (ngụ thị trấn Mỹ Phước) lên Công an H.Bến Cát (Bình Dương) trình báo con gái tên Thắm (14 tuổi, học sinh lớp 7, H.Bến Cát) lại bị mất tích và nghi ngờ bị dụ dỗ đưa qua Campuchia đánh bạc như lần trước. Bà kể, trước đó vào ngày 26/2, Thắm đã từng bị bạn lừa bán cả chiếc xe đạp điện đi học để qua Campuchia đánh bạc và bị giữ lại đòi tiền chuộc. Vợ chồng bà phải chạy vạy khắp nơi mới kiếm được 60 triệu đồng để chuộc con về.
Tuy nhiên, về nhà được một ngày thì Thắm đi đâu đến nay vẫn chưa có tin tức. Vừa sợ con bị bọn xấu bán đi làm gái, bà vừa nghi ngờ khả năng trước đây con gái mình đã cấu kết với người xấu dựng lên màn kịch nhằm đánh lừa gia đình để lấy tiền ăn chơi. Đối chứng một số lời khai của nạn nhân, công an xác định Thắm là một trong những mắt xích trong đường dây bắt cóc nhằm cưỡng đoạt tài sản nên bí mật lần theo dấu vết.
Ngày 29/3, một bảo vệ khu phố 2, (TT. Mỹ Phước, H. Bến Cát) nhận được tin báo Thắm và một cô gái khác đang ẩn náu trong căn nhà hoang trên địa bàn liền bắt giao cho công an Bến Cát xử lý. Qua đấu tranh Thắm khai nhận đã cùng Linh (15 tuổi, cùng ngụ Bến Cát) và Nguyên (15 tuổi, ngụ xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) móc nối với chủ sổ Phan Thị Kim Oanh (39 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) cùng hai đối tượng Hồ Minh Trung (23 tuổi, ngụ Bến Cát), Nguyễn Xuân Cường (22 tuổi, ngụ Dầu Tiếng) tự "bắt cóc" tống tiền. Theo kịch bản, chủ sổ sẽ lấy 50% tiền chuộc, số tiền còn lại cả bọn chia nhau tiêu xài.
Dựa vào lời khai của Thắm, qua truy xét Công an huyện Bến Cát đã tóm gọn Oanh, Trung, Cường khi chúng đang đi "săn mồi" tại tỉnh Tây Ninh và Bến Cát. Sau đó, Cơ quan CSĐT cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra làm rõ hành vi bắt cóc nhằm cưỡng đoạt tài sản đối với nhóm đối tượng trên. Cơ quan điều tra cũng đã bắt giữ (sau đó cho tại ngoại) đối với Thắm, Linh và Nguyên.
Chị Hồng bật khóc vì bị con dùng chiêu lừa mình lấy tiền ăn chơi.
Kết quả điều tra cho thấy các đối tượng Cường, Trung, Thắm, Linh, Nguyên là những thanh thiếu niên hư hỏng, thường xuyên đi bụi, thuê nhà nghỉ sống theo kiểu bầy đàn. Linh và Thắm từng là học sinh của trường THCS Lê Quý Đôn (TT. Mỹ Phước, huyện Bến Cát), do ăn chơi đua đòi nên đã nghỉ học. Trước đây chúng thường qua Campuchia đánh bạc, cũng từng bị nạn thế thân nhưng được gia đình chuộc ra. Nhiều lần như vậy, chúng đã liên kết với những đối tượng "cò" sòng và cho vay tiền diễn trò tự bắt cóc mình để tống tiền cha mẹ. Khi chiêu bài trên bị lật tẩy, chúng liền quay qua dụ dỗ, lừa gạt bạn học cũ đưa qua Campuchia để đòi tiền chuộc.
Khi những vụ việc về học sinh bị dụ đi đánh bạc, rồi bị bắt cóc chưa kịp lắng, thì ngày 19/10/2013, một vở kịch của một em học sinh tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Phú (Bình Phước) lại tiếp tục tái diễn. Kể lại nội dung sự việc, thầy hiệu trưởng Vũ Tiến Báo cho biết, vào khoảng 20h30 ngày 19/10, các em học sinh nữ thông báo với thầy quản nhiệm về việc ba em gồm Nội Duy Khánh, La Văn Hưng và Hà Văn Tiến cùng với 3 học sinh khác, lợi dụng sơ hở của bảo vệ nên đã chui rào ra ngoài đi nhậu.
Sau khi tìm kiếm nhiều nơi nhưng vẫn không thấy bóng dáng các em, nhà trường đã báo công an. Tuy nhiên, đến 14h ngày 21/10, phụ huynh em Nội Duy Khánh đã chở con đến trường và xin rút hồ sơ để thôi học. Dắt con ra khỏi cổng trường, chị La Thị Ngà (44 tuổi) chia sẻ: "Tui phải rút hồ sơ cho cháu chuyển sang trường khác thôi, đang yên đang lành nhỡ chẳng may bị đưa sang Campuchia thì chết mất". Cùng chung tâm trạng với những bậc phụ huynh, thầy Báo xót xa: "Kể từ ngày nhà trường xảy ra vụ việc đáng tiếc này, phụ huynh học sinh đến xin rút hồ sơ rất nhiều, mặc dù nhà trường cũng gửi công văn cầu cứu sang công an huyện Đồng Phú nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có vẻ gì khả quan".
Đến 12h ngày 22/10, phụ huynh hai em Hưng và Tiến gọi điện đến thông báo với nhà trường về việc 2 em đã bị bọn người lạ mặt bắt cóc sang Campuchia, gia đình phải chồng đủ số tiền 120 triệu đồng mới đưa các em từ sòng bạc bên kia biên giới về quê an toàn. "Chờ các em bình tĩnh trở lại, tôi đề nghị 2 học sinh này viết bản tường trình kể lại sự việc, tuy nhiên có rất nhiều chỗ nghi vấn trong lời khai của các em", thầy Báo cho biết thêm.
Trong bản tường trình của mình, em Hà Văn Tiến viết, tối hôm đó, Khánh rủ cả bọn ra chân cầu Bà Mụ (cách trường 2 km) để nhậu cùng một thanh niên tên Hiển. Khi cuộc nhậu sắp tàn thì 4 học sinh đi về, còn lại Hưng và Tiến tiếp tục ngồi nói chuyện. Hiển bàn sẽ đưa tất cả sang Campuchia chơi và "bao trọn gói" nên Hưng và Tiến đều đồng ý. Đợi trời sáng, cả bọn bắt taxi lên cửa khẩu Mộc Bài, Hiển thuê xe ôm đưa tất cả đi theo đường tắt sang Campuchia. Tại đây, cả nhóm không vào sòng bài ngay mà thuê phòng trọ ở lại 2 ngày rồi nghĩ cách kiếm tiền. Thấy 2 học sinh không có tiền, Hiển lôi Hưng ra đánh dằn mặt rồi bàn nhau lập mưu tống tiền cha mẹ. Tiến cho biết, Hiển bàn sẽ cho mỗi đứa 40 triệu để ăn chơi nếu cung cấp số điện thoại của cha mẹ mình cho hắn. Vốn tính ham chơi nên Tiến và Hưng nhanh chóng đồng ý.
Em Hà Văn Tiến kể lại vụ việc. ẢNH: M.T
Được biết, đối tượng Nguyễn Thế Hiển (ngụ ấp Tân Tiến) tuy mới chỉ 18 tuổi nhưng đã có bề dày thành tích bất hảo tại địa phương. Nhiều lần bị chính quyền răn đe nhưng Hiển vẫn tỏ thái độ bất chấp và liều lĩnh. Không được học hành, từ nhỏ hắn đã bỏ nhà đi lang thang, nhiều vụ xin đểu, cướp bóc, đánh nhau đều có bàn tay của Hiển tham dự. Vì cần tiền ăn chơi, đánh bạc tại các casino vùng biên nên Hiển lên kế hoạch nhắm đến "con mồi" là các em học sinh thích quậy phá, ham chơi hơn ham học để dụ dỗ, lôi kéo.
Trước thực trạng ngày càng nhiều học sinh bị dụ dỗ hoặc tự dựng lên kịch bản tống tiền người thân để có tiền sang biên giới đánh bạc, thầy Báo mong mỏi: "Trường tôi tính đến nay đây là vụ đầu tiên nhưng trên địa bàn Đồng Phú thì xảy ra rất nhiều, nhà trường có trách nhiệm giáo dục các em còn phụ huynh thì nên quan tâm đến con mình hơn, nên nhận ra đâu là thật giả để không bị các em lừa gạt, tôi mong chính quyền nên sớm vào cuộc để nhà trường, phụ huynh và cả bản thân các em học sinh được yên tâm học hành".
Cha mẹ cay đắng khi bị con cái "dắt mũi"
Những bậc cha mẹ quanh năm chỉ biết quanh quẩn với đồng ruộng lam lũ chợt giật mình khi đón nhận hung tin con cái mình bị bắt cóc bên kia biên giới vì tội đánh bạc. Đến khi màn kịch vụng về của con cái bị lật tẩy, họ đau xót vì mang tội "không giáo dục được con". Bà Châu Thị Hồng (ngụ thị trấn Mỹ Phước) bị con gái tên Thắm (14 tuổi, học sinh lớp 7, H.Bến Cát) dựng lên màn kịch "bị bắt cóc" chán nản nói: "Nghe tin con bị bắt, vợ chồng tui chạy đôn chạy đáo mượn tiền để chuộc con về, không kịp thương lượng thêm bớt vì sợ con bị đánh, biết đâu nó lập mưu lừa tiền mình. Chuộc về ngày trước, ngày sau nó bỏ đi tui cũng ngờ ngợ. Mãi đến sau này, Công an lật tẩy toàn bộ chân tướng sự việc, tôi thất vọng vô cùng vì chính con gái mình là kẻ chủ mưu để lừa bố mẹ".
Thế nhưng, bà còn "hạnh phúc" hơn gia đình em học sinh tên Linh. Linh và Thắm từng là học sinh của trường THCS Lê Quý Đôn (TT. Mỹ Phước, huyện Bến Cát), do ăn chơi đua đòi nên đã nghỉ học. Gặp bố Linh tại trụ sở công an, ông than thở, Thắm chỉ lừa có một lần chứ con ông lừa gia đình mình đến 3 lần rồi. "Mỗi lần nghe con kêu giải cứu dù rất giận vẫn cuống cuồng kiếm tiền chuộc con ra. Cách đây 3 tháng nó lại tiếp tục gọi điện kêu mang tiền đi chuộc thân. Do hết khả năng vay nợ lại nghi ngờ nó tự tống tiền nên tôi bảo bọn chúng cứ bán nó đi mà lấy tiền. Y như rằng mấy ngày sau nó đã về nhà. Về được vài hôm lại bỏ đi. Hôm công an gửi giấy triệu tập lên làm việc, tôi phải đi tìm nó mãi mới được".
Cùng nỗi đau như những phụ huynh trên, trò chuyện cùng PV Báo GĐ&XH Cuối tuần, trong căn nhà lá rách nát đến thảm hại, bà La Thị Nòng và ông Hà Văn Pén (cha mẹ em Hà Văn Tiến, ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) gạt nước mắt phân trần: "Gia đình tui chú cũng thấy rồi đó, đến cái chỗ che nắng mưa mà cũng không có, giờ lại thêm một khoản nợ ngất ngưởng, chẳng biết đến bao giờ mới trả được đây, sao mà khổ quá chú ơi". Ngồi kế bên chồng mình, bà Nòng khó nhọc cất lời: "Tui năm nay đã 64 tuổi rồi, thằng Tiến là con út nên có cái ăn cái mặc là nhà tui đều để dành cho nó. Người dân tộc tui không biết nói xạo chú ạ, nói xạo là cái bụng không ưng nhưng mà nó lừa gạt cha mẹ nó như vậy đó, đau đớn lắm".
Lấy vạt áo lau những dòng nước mắt uất nghẹn, bà kể lại: "Khoảng 12h trưa ngày 22/10, tôi nhận được điện thoại có dãy số rất dài, nhiều người có kinh nghiệm cho biết đó là mã vùng của Campuchia. Ở đầu dây bên kia là giọng nói của một người đàn ông, hắn cho biết con tôi đã thua bạc nên đang bị giam lỏng bên Campuchia và yêu cầu chúng tôi phải trả 120 triệu để chuộc con. Chẳng kịp suy nghĩ gì nhiều, đôi vợ chồng già thương con tức tốc đi chạy vạy khắp nơi rồi mang tiền sang biên giới đón con về. Nỗi đau mất tiền chưa nguôi thì ông bà lại bàng hoàng khi biết tin tất cả chỉ là một màn kịch do con mình dựng nên. Hóa ra, trong khi ở Campuchia tiếp tục ăn chơi cùng bạn bè, Tiến đã đưa cho Hiển số điện thoại của mẹ mình để gọi về đòi tiền chuộc mạng, Hiển còn dọa người mẹ tội nghiệp rằng sẽ cắt tay của cậu con trai bà để gửi về làm kỷ niệm. Tuy bình tĩnh hơn vợ mình đôi phần nhưng ông Pén cũng cay đắng bảo: "Tiền đã mất rồi nên tui cũng không muốn nhắc lại. Tui chỉ uất ức khi mình bằng này tuổi rồi mà lại còn bị một bọn trẻ mới tí tuổi đầu đi lừa gạt. Gia đình đã bất lực với chúng rồi, chỉ mong những người có trách nhiệm trong xã hội dạy chúng thôi".
Cùng suy nghĩ với ông, bà Châu Thị Ràm (ngụ huyện Đồng Phú) cho biết: "Tôi có cậu con trai mới lớn nên rất lo lắng, ở huyện nghèo này mọi thứ đều thiếu thốn chỉ có bọn trộm cướp, bài bạc thì thừa thãi. Địa phận chúng tôi ở lại gần biên giới, những kẻ mê bài cứ túng thiếu tiền thì lại quay sang tìm cách móc nối với mấy đứa học sinh hư hỏng rồi lôi kéo nhau. Ma bài mà chú, nó dẫn lối người ta lắm, cứ thắng thì máu, thua thì muốn gỡ lại, không có tiền lại nghĩ cách cầm cố mạng sống của mình. Giờ chẳng biết làm thế nào để bảo vệ gia đình và con cái mình nữa, bọn côn đồ thì cứ lởn vởn, khổ cho dân nghèo lắm".
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Phạm Trọng Duẫn, công an huyện Đồng Phú cho biết, do các vụ việc này ngày càng trở nên phức tạp nên cần phải điều tra lâu dài. Theo cơ quan điều tra thì vấn nạn vượt biên sang Campuchia đánh bạc giờ đây đã có những biến tướng mới, những kịch bản tinh vi hơn. |