Những bi kịch từ tai nạn giao thông

Xã hội bùng nổ phương tiện đi lại nhưng hạ tầng giao thông đầu tư chưa đồng bộ, nhiều người dân thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ là những nguyên nhân chính khiến cho tai nạn giao thông (TNGT) ngày một gia tăng. Hệ lụy của nó là những câu chuyện đau lòng...

Những câu chuyện đau lòng

Chúng tôi đến thăm gia đình em Nguyễn Hữu Đạt (ngụ ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc - Đồng Nai), nạn nhân do TNGT. Trong căn nhà chật hẹp chưa đầy 20m2, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là một thiếu niên gầy còm; chân, tay co quắp đang nằm bất động trên chiếc giường tre cũ kỹ. Bên cạnh Đạt, một người phụ nữ đứng tuổi với dáng vẻ tiều tụy, một tay đang cầm ống truyền thực phẩm, tay còn lại cố phất chiếc quạt giấy xua đuổi mấy con ruồi cứ chực đậu vào mặt con mình.

Bà Nhung (mẹ Đạt) cho biết: “Nó sống đời thực vật như vậy đã gần 3 năm rồi. Bao nhiêu vật dụng trong nhà đều bán hết để lo thuốc men, cả căn nhà này tôi cũng cầm cố nhưng chẳng ăn thua gì, lưng của nó bắt đầu lở loét khắp nơi. Sắp tới, không biết lấy đâu ra tiền để sống và lo cho nó nữa”.

Khi chúng tôi hỏi về vụ tai nạn, bà Nhung rươm rướm nước mắt kể lại: Đó là đêm giao thừa năm 2010, khi bà vừa thắp nhang bàn thờ xong thì chuông điện thoại reo lên, đầu dây bên kia thông báo Đạt bị một nhóm thanh niên đua xe tông ở cách nhà vài trăm mét, đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Xuân Lộc. Do ảnh hưởng của lực va đập mạnh trong vụ TNGT nên Đạt bị chấn thương vùng đầu, gây giập não, hệ thống dây thần kinh bị tê liệt nặng, khả năng phục hồi rất khó.

Cách nhà Đạt không xa là nạn nhân Nguyễn Thị Hoàng Nhân (16 tuổi, học sinh lớp 9/2 Trường Nguyễn Hiền, xã Suối Cát). Ngày 1/1/2011, sau khi sơ kết học kỳ I, Nhân cùng nhóm bạn điều khiển xe máy đi chơi. Khi đến đoạn cua vào Khu du lịch hồ Núi Le (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc), do xe chở 3, tay lái không vững nên xe của Nhân đã đụng phải chiếc xe cứu thương đang chạy ngược chiều. Hậu quả vụ TNGT khiến Nhân bị chấn thương sọ não, giập phổi, gãy xương vai, xương sườn và nằm hôn mê tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất hơn 2 tháng…

Đến nay, Nhân có thể đứng dậy đi lại nhưng trí nhớ của em vẫn chưa hồi phục, phát âm không rõ tiếng. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhi, mẹ của Nhân, cho biết: “Nhìn con bé rất tội nghiệp, cứ chiều đến nó lại ra cửa nhà ngồi một mình. Mỗi khi nhìn thấy đám học sinh đi qua nhà, nó lại khóc và chạy vào nhà lấy mấy quyển sách cũ ra xem. Chẳng biết đến bao giờ con bé mới hồi phục để tiếp tục đi học…”.

Bi kịch một gia đình

Đến với hoàn cảnh của gia đình bà Phạm Thị Ty (ngụ ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát), chúng tôi không khỏi xót xa trước nỗi đau tột cùng của người phụ nữ đang phải oằn vai gánh chịu hậu quả từ một vụ TNGT. Năm 2004, khi đã chếnh choáng hơi men, trên đường về nhà, ông Hoàng Ngọc Cang (chồng bà Ty) gặp TNGT, bị chấn thương sọ não và phải nằm liệt một chỗ. Kể từ ngày ấy, bao nhiêu gánh nặng áo cơm dồn hết trên đôi vai của bà.

Hàng ngày, bà Ty phải đi mua bán ve chai để nuôi chồng và 6 đứa con nhỏ. Vất vả, đau khổ nhưng bà luôn hy vọng mai đây, khi các con lớn lên sẽ giúp mẹ gánh vác phần nào trách nhiệm… Nào ngờ, chỉ trong vòng một năm, hai vụ TNGT liên tiếp xảy ra đã vĩnh viễn cướp đi của bà 2 đứa con trai.

Buổi chiều định mệnh ngày 28/5/2011, trên đường đi làm về, anh Hoàng Ngọc Thắng (con trai kế út của bà Ty) bị một chiếc ô tô chạy vượt tuyến tông trực diện làm anh chết ngay tại chỗ... Những giọt nước mắt tiếc thương con chưa kịp khô trên khóe mắt bà Ty thì 6 tháng sau, một vụ TNGT khác tiếp tục xảy ra, cướp đi sinh mạng của anh Hoàng Ngọc Lợi (con trai út của bà), khi anh vừa bước sang tuổi 22.

Đã 8 năm nay, không đêm nào bà Ty được ngủ yên giấc, bởi nỗi lo cơm áo cùng với tiếng rên đau đớn của chồng… Tâm sự với chúng tôi, bà Ty trách những chung rượu mua vui của chồng. Rồi bà trách những chiếc xe vô tình kia đã cướp đi mạng sống những người con yêu quý mà bà gửi gắm hy vọng được nương thân lúc tuổi già…

Bà Nguyễn Thị Chương, cán bộ Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Xuân Lộc, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Xuân Lộc có hàng trăm bệnh nhân do TNGT. Hầu hết các gia đình có người bị TNGT sau đó đều rơi vào tình cảnh khó khăn, cần được hỗ trợ thường xuyên. Có nhiều trường hợp nạn nhân tuổi đời còn rất trẻ do TNGT nên đã vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”..

Theo thống kê, hàng năm cả nước có hơn 10 ngàn người chết do TNGT, trung bình mỗi ngày có từ 30-35 người chết do TNGT. Có trên 87% số vụ TNGT xảy ra do lỗi chủ quan của con người, 13% còn lại do phương tiện và hạ tầng cơ sở. Nếu mỗi người đều ý thức việc chấp hành tốt Luật Giao thông thì sẽ hạn chế rất nhiều những vụ TNGT đáng tiếc có thể xảy ra. Chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ chính là cách tốt nhất để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho mình và nhiều người khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Đình (Đồng Nai Online)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN