Một nhân viên ngân hàng mua hơn 19 triệu yên Nhật giả, bị lừa 3,7 tỉ đồng
Biết rõ đây là tiền yên Nhật đã hết giá trị lưu hành, bị cáo vẫn mua rồi tìm cách bán cho một nữ nhân viên ngân hàng.
Ngày 1-2, TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên phạt bị cáo Kiều Hoàng Long 10 năm tù, bị cáo Lê Thị Bé 12 năm tù về tội lưu hành tiền giả. Cả hai bị cáo đều ở TP.HCM.
Kiều Hoàng Long (trái) đã mua 19 triệu yên Nhật giả từ Lê Thị Bé (phải). Ảnh: TT
Theo hồ sơ vụ án, ngày 13-9-2021, Cục An ninh kinh tế Bộ Công an nhận được đơn tố giác của chị Bùi Thị Thu Tr (trưởng phòng một ngân hàng ở Hà Nội) tố giác một người đàn ông đã bán cho chị gần 19 triệu yên Nhật giả để chiếm đoạt hơn 3,7 tỉ đồng.
Qua điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ số tiền giả nói trên xuất phát từ hai bị cáo Kiều Hoàng Long và Lê Thị Bé. Cụ thể, qua người quen, Kiều Hoàng Long gặp gỡ trao đổi và mua 19 lốc yên Nhật, mỗi lốc 100 tờ mệnh giá 10.000 yên Nhật từ Lê Thị Bé.
Trong khi trao đổi, Bé có giới thiệu với Long đây là tờ yên Nhật có in hình Thái tử Shotoku của Nhật Bản, là “trái phiếu cổ” và tờ này bên Nhật vẫn được bán dưới dạng đồ lưu niệm và hiện không lưu hành trên thị trường. Nếu Long bán được sẽ được hưởng chênh lệch.
Tuy nhiên, Long khẳng định đây không phải là trái phiếu cổ mà là tiền yên Nhật cũ đã hết giá trị lưu hành.
Nhưng hai bên vẫn thỏa thuận mua bán và sau đó, Bé đã 3 lần chuyển số tiền yên Nhật này cho Long vào thời gian từ tháng 6 đến tháng 8-2021. Ngoài ra, Long còn dự kiến mua thêm 30 lốc tiền yên Nhật cùng loại nhưng Bé chưa giao hàng. Tổng cộng Long đã thanh toán 4,2 tỉ đồng để lấy 19 lốc yên Nhật nói trên và đặt cọc mua thêm 30 lốc yên Nhật.
Long đã nhiều lần tìm đường tiêu thụ số tiền này nhưng đều bị từ chối. Tiếp đó, trong một cuộc nói chuyện với ông Phan Anh T - chủ một doanh nghiệp Long nói có 19 triệu yên Nhật loại cũ muốn đổi ra tiền Việt và nhờ người này tìm người đổi tiền giúp.
Ông T. lại hỏi các đối tác kinh doanh về mối đổi tiền. Cuối cùng, chị Tr. nhận đổi 19 triệu yên Nhật, với tỉ giá 198 đồng/yên Nhật; còn tỉ giá đổi tiền của bị cáo Long là 160 đồng/yên. Các đầu mối trung gian, trong đó có ông T. được hưởng một phần tiền chênh lệch.
Chốt xong tỉ giá, tối 2-7-2021, Long từ TP.HCM ra Hà Nội gặp ông Phan Anh T đưa 19 triệu yên Nhật. Ông T. nhận tiền, không kiểm đếm, không viết giấy biên nhận mà cầm cả gói mang về đưa cho người trung gian.
Sau đó những người này giao tiền cho chị Tr. còn chị Tr. nhờ đồng nghiệp làm thủ tục chuyển khoản thanh toán 3,7 tỉ đồng.
Bị cáo Long được nhận 3 tỉ đồng theo tỉ giá bị cáo đưa ra. Phần còn lại những người trung gian được hưởng.
Sau khi nhận được yên Nhật, chị Tr. mang số tiền này đến cửa hàng thu đổi ngoại tệ ở phố Hà Trung thì được biết đây là tiền cũ phát hành năm 1958, không đổi được tiền.
Chị Tr. liên hệ để trả lại tiền nhưng phía bên kia không đồng ý vì giao dịch đã hoàn thành. Do đó, chị Tr. đã làm đơn tố cáo ra cơ quan công an. Sau khi làm việc với cơ quan công an, biết số tiền yên Nhật trên là tiền giả, những người trung gian đã tự nguyện trả lại số tiền hưởng lợi.
Tại CQĐT, Bé khai khoảng năm 2005, khi đang sinh sống ở Campuchia, Bé quen biết hai vợ chồng và nhận cầm cố 50 lốc trái phiếu cổ với giá 6 tỉ đồng. Bị cáo không biết giá trị thật của trái phiếu cổ nhưng do tin tưởng và muốn giúp đỡ bạn bè nên đồng ý cầm cố.
Do vợ chồng này không quay lại lấy trái phiếu cổ nên Bé mang ra các cửa hàng thu đổi ngoại tệ thì đều bị từ chối với lý do không có giá trị, không còn lưu hành. Sau đó, Bé mang về Việt Nam tiêu thụ.
Nguồn: [Link nguồn]
Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã bắt...