Kết cục bi thảm mối tình trong trại cai nghiện

Thịnh là một học viên nghiện có “thâm niên”. Thảo - người phụ nữ đã qua một đời chồng, là nhân viên của trung tâm cai nghiện. Tại đây, hai người gặp và yêu nhau. Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ đến với họ nhưng đổi lại là một cuộc tình đầy nỗi đau và nước mắt.

Hạnh phúc bất ngờ

Là con út trong gia đình 6 anh em sống tại Gò Vấp, TP.HCM nên Thịnh được cưng chiều từ bé. Hàng ngày, ngoài việc đi học, Thịnh chơi bời thỏa thích mà không bị ai ngăn cấm. Lâu dần thành quen, Thịnh bỏ học theo đám bạn bè xấu ăn chơi tối ngày. Cuộc đời Nguyễn Duy Thịnh (SN 1978) bắt đầu có những “vết đen” khi dính vào ma túy.

Khi gia đình biết chuyện, Thịnh được đưa đi trung tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời. Nhưng vì quen “siêng ăn, biếng làm”, Thịnh ra vào trại cai nghiện như “cơm bữa” mà vẫn không dứt được cơn nghiện.

Lần thứ…5, gia đình tiếp tục đưa Thịnh vào trung tâm Sông Thao ( Đồng Nai) để cai nghiện ma túy. Cũng từ đây, cuộc đời Thịnh bắt đầu thay đổi và bước sang một hướng khác.

Trong thời gian cai nghiện này, Thịnh tình cờ quen một phụ nữ làm việc ở đây. Dù biết Phạm Hương Thảo (SN 1981, ngụ TP.HCM) là người phụ nữ đã qua một “lần đò” nhưng Thịnh vẫn đem lòng yêu thương. Là người phụ nữ từng trải, nhưng khi được Thịnh quan tâm chăm sóc chân thành, Thảo đồng ý làm người yêu của Thịnh với hy vọng giúp Thịnh làm lại cuộc đời.

Hai con người, đều đã trải qua những đau thương đến với nhau mong tìm được hạnh phúc. Sau khi ra trại, Thịnh và Thảo cùng chuyển đến sống chung với nhau như vợ chồng.

Bi kịch mang tên “Ngựa quen đường cũ”

Sống với nhau được một thời gian, Thịnh tái nghiện ma túy và rủ rê Thảo dùng chung “cái chết trắng” với mình.

Hàng ngày, Thảo phải làm việc kiếm tiền lo cơm nước, mua ma túy cho Thịnh và mình. Rồi một ngày Thảo tìm đến với người đàn ông khác. Thịnh biết chuyện, nổi máu ghen nên hai người thường xảy ra cãi vã.

Thịnh càng ngày càng bực tức khi Thảo vẫn liên lạc với người đàn ông khác. Một lần sử dụng ma túy xong, chợt nhớ lại những mâu thuẫn trước đó giữa hai vợ chồng, Thịnh lấy một vỏ chai nước ngọt (loại 1,5 lít) rồi rút 1 lít xăng trong xe máy đổ vào. Cầm chai xăng trên tay, Thịnh lên lầu 3, lúc này Thảo đang thu xếp quần áo, lạnh lùng tưới xăng lên người vợ rồi châm lửa đốt.

Khi thấy vợ đau đớn quằn quại trong ngọn lửa, Thịnh mới chợt tỉnh cơn phê thuốc, đẩy vợ vào nhà tắm dập tắt ngọn lửa, rồi đưa đi cấp cứu. Nhưng mọi sự đã quá muộn, Thảo bị bỏng hơn 90% cơ thể dẫn đến tử vong. Thịnh bị công an bắt giữ ngay sau đó. Cuộc tình tan vỡ trong nỗi đau.

Kết cục bi thảm mối tình trong trại cai nghiện - 1

Bị cáo Thịnh và người mẹ già lặng lẽ nhìn đứa con tội lỗi trong khán phòng phiên xử.

Hối hận muộn màng

Trong phiên tòa phúc thẩm hôm qua (25/11), HĐXX Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận khám cáo xin giảm án của bị cáo Tịnh, tuyên giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm tù về tội “giết người”. Một trong những căn cứ để HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là gia đình người bị hại có đơn xin giảm nhẹ tội cho Thịnh.

Nhìn ánh mắt vô hồn, vẻ mặt mệt mỏi của Thịnh trong phiên tòa, không ai nghĩ, bị cáo có thể là một con người gây ra tội ác tày đình như vậy. Trong phiên tòa trước, Thịnh một mực không thừa nhận hành vi đốt chết “vợ” của mình, cho rằng do trượt chân té ngã, xăng bắn vào người nạn nhân nên mới xảy ra sự việc như vậy.

Đáp lại sự “cứng đầu” của Thịnh, phía gia đình người bị hại lại tỏ ra thương cảm cho lỗi lầm của “chàng rể hờ”. Có lẽ, họ nghĩ chuyện đau buồn cũng đã xảy ra, người đã khuất cũng không thể sống lại được. Xin giảm án cho Thịnh, cũng là mở cho người lầm lỡ một con đường sớm hoàn lương.

Ngồi lặng lẽ trong khán phòng phiên xử, có một bà cụ tóc đã bạc trắng, tay chống gậy, đôi mắt đượm buồn nhìn hướng về phía Thịnh. Bà là mẹ của Thịnh, năm nay đã gần 70 tuổi, ốm đau nhưng vẫn gắng gượng tới tham dự phiên tòa để gặp con. Nhìn Thịnh đang đứng trước vành móng ngựa, đối mặt với sự trừng trị của luật pháp khiến bà nghẹn ngào không nói nên lời. Bà chỉ biết trách mình vì đã quá nuông chiều Thịnh từ nhỏ.

Lòng vị tha của cha mẹ bị hại quá lớn, rồi Thịnh sẽ trở về với cuộc sống sớm nếu cải tạo tốt. Nhưng rồi, những ngày tháng sống trong tù, bản án lương tâm liệu có buông tha cho Thịnh!?.

Khi được nói lời sau cùng, Thịnh quay xuống xin lỗi mẹ và gia đình người vợ xấu số, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật xem xét mức án nhẹ để có thể sống nốt những ngày cuối cùng với căn bệnh HIV/AIDS…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN