Kẻ móc túi với biệt tài nhảy tàu siêu hạng

4 tiền án, 13 tiền sự nhờ biệt tài nhảy tàu siêu hạng và hàng nghìn câu thơ rẽ lối giang hồ.

“Thủa còn thơ, tôi là một đứa con hiếu thảo, là một học trò ngoan. Dù chỉ học tới lớp 7, nhưng thời thơ ấu cũng đọng lại trong tôi bao ước mơ, kỷ niệm. Khi đến tuổi trưởng thành, tôi là đứa con gương mẫu trong gia đình...” - Nguyễn Tích Đức, một người có tổng cộng 4 tiền án, 13 tiền sự mở đầu câu chuyện như thế về cuộc đời mình.

1. Nguyễn Tích Đức sinh năm 1954 trong một gia đình nghèo ở xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Năm 1966, bố bệnh nặng, Đức nghỉ học để đi làm thêm giúp đỡ gia đình. Một hôm, trong một đám cưới của người bạn, Đức đã quen cô gái tên là Ngô Thị Tuyết vì anh dẫn chương trình đám cưới... quá hay! Tình yêu đã đến với Đức rất tình cờ. Chưa đầy 20 tuổi, Đức và Tuyết cưới nhau, mặc dù gặp phải sự ngăn cấm của gia đình. Nhưng với một tình yêu sét đánh, Đức đã quyết tâm chọn cô gái ấy là một nửa cuộc đời mình. Năm sau họ sinh con đầu lòng, tình yêu lãng mạn của đôi trẻ phải đối mặt với chuyện cơm áo gạo tiền. Tiền hết gạo không đã khiến gia đình Đức lâm vào kiệt quệ. Túng quá hóa liều, Đức đã đi nhận tiêu thụ thuốc Bắc cho đám ăn trộm, bị công an bắt và chịu một năm án treo.

Sau vết đen đầu đời, Đức chí thú làm ăn. Năm 1977, đứa con thứ hai ra đời, Đức xin vào làm việc tại Nhà máy bê tông Ba Lan ở xã Thịnh Liệt. Do làm tốt, Đức đã được nhận giấy khen lao động giỏi của Bộ Xây dựng. Tưởng cuộc đời như vậy sẽ “xuôi chèo mát mái”, nào ngờ tai họa lại một lần nữa ập xuống. Với bản tính bộc trực, thẳng thắn Đức đã đôi lần làm phật ý cấp trên. Khi công ty gặp khó khăn, Đức đã bị liệt vào danh sách những người bị giảm biên chế. Thất nghiệp, buồn chán, Đức đã nhảy tàu đi buôn chuyến Lào Cai - Yên Bái. Năm 1979, anh chuyển hướng rủ vợ vào Nghệ An buôn vừng, lạc... Khéo xoay xở, vợ chồng Đức đã làm ăn có lãi và có đủ tiền xây được căn nhà nhỏ.

Năm 1983, khu vực xã Đông Mỹ xuất hiện hai cô gái giỏi võ con nhà gia thế chuyên đi cướp của đánh người, ngang ngược đến nỗi thích gì của ai là lấy. Một lần chúng đã hành hung đòi tiền của vợ Đức, khi chị đang bán hàng ở chợ Đình Ông Tướng (xã Ngũ Hiệp). Chúng đòi chị nộp 3 trăm đồng, tương đương khoảng 3 triệu bây giờ. Vợ Đức không có đủ, bọn chúng bắt quỳ xuống rồi đánh. Đức căm lắm, liền tụ tập bạn bè cùng đi buôn tối đó trả thù. Kết cục, hai “nữ tướng cướp” đã bị đánh trọng thương, phải vào bệnh viện cấp cứu, còn Đức bị bắt. Hành động của Đức là phạm tội, nhưng cũng phải nói rằng việc Đức “dằn mặt” hai nữ tướng ngang ngược làm người dân ở chợ Ngũ Hiệp cũng yên ổn làm ăn hơn. Chính vì vậy họ đã làm đơn xin ân xá cho Đức - chàng trai có “máu anh hùng”. 21 ngày sau, khi hai “nữ tướng cướp” xuất viện thì cũng là lúc Đức được ra khỏi nhà giam.

Sau khi sinh đứa con thứ ba, hoàn cảnh của Đức đã khốn khó lại càng khó. Anh dồn hết vốn liếng làm một chuyến lạc từ Vinh về Hà Nội, nhưng bị bắt và tịch thu. Chán đời, Đức đi đánh bạc, hút thuốc phiện trong uất hận. Gã đàn ông ngang tàng ngày càng dấn sâu vào con đường lầm lỗi.

2.Năm 1987, Đức sa chân vào lô đề, đến nỗi hắn dỡ cả ngói ngôi nhà cấp 4 đi bán, mẹ già phải đi ở nhờ, Đức tìm cách “lặn” vào miền Trung, vợ con phải dựng một căn lều tá túc tạm bợ kiếm sống. Chẳng bao lâu, Đức đã tìm được cách phiêu bạt trên các chuyến tàu Bắc - Nam để “hành nghề” móc túi. Cái tên Tích Đức đã trở thành một nỗi kinh hoàng đối với hành khách trên tuyến đường sắt Đà Nẵng - Nha Trang với biệt tài nhảy tàu siêu hạng. Có lần, Đức và đồng bọn cướp được cả hai bao thuốc lá đầy vàng nhưng cũng bị tiêu tan bởi cả nhóm đã ăn tiêu vô tội vạ. Đức bị cảnh sát Đà Nẵng bắt, sau mấy ngày trốn được, chạy bộ ra đèo Hải Vân bắt tàu về quê.

Tiếp đó, gã đàn ông như con ngựa bất kham tìm cách đi ăn cắp xe đạp, là “món” mà cánh lưu manh đã đúc kết: “Dễ lấy, dễ bán, dễ bị bắt và dễ được tha”. Có ngày Đức lấy được 4 chiếc xe đạp ở khu vực Bách hóa Tràng Tiền. Trong quãng đời đen tối, thi thoảng Đức có trả lại xe cho người bị ăn trộm vì thấy họ... quá tội nghiệp! Trong năm 1988, Đức bị công an bắt mấy lần nhưng đều được hưởng án treo. Cuối năm đó, Đức ăn trộm của bố nuôi ở Nghệ An một cây vàng và dắt vợ con vào An Giang sống. Năm 1992, Đức đánh liều về quê thăm mẹ già. Khốn thay, không có tiền quay trở vào Nam, Đức lấy trộm xe đạp và bị bắt, đưa về Hỏa Lò. Tòa xử Đức 8 năm 10 tháng tù giam. Lần này, Đức được đưa về trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên).

Đức đau đớn, hận mình đã dại dột để giờ bị trói buộc ở đây không biết ngày nào ra. Nhiều đêm nhớ vợ, nhớ con, Đức đã nằm thầm khóc một mình. Nhưng Đức vẫn nghiện và tìm cách liên lạc với người bên ngoài tuồn thuốc phiện vào. Ban đầu chỉ để dùng, sau bán cho những người có nhu cầu. Bị phát hiện, Đức tưởng mình sẽ bị phạt nặng, tăng thêm mấy năm tù nữa. Ai ngờ được giám thị gọi lên nhắc nhở. Đức kể: “Các anh còn tâm sự, phân tích điều hay lẽ phải và khuyên nhủ tôi hướng tới con đường hoàn lương. Sự bao dung của các anh đã làm tôi thực sự xúc động và phải nghĩ lại. Các anh ấy nhắc nhở tôi phải nghĩ đến gia đình, nghĩ đến vợ con. Chính những lời nói ấy đã có tác động mạnh mẽ đến tôi. Suốt đêm hôm đó tôi không ngủ. Nằm vắt tay lên trán, nhớ về quãng thời gian trốn truy nã, lôi cả vợ con đi theo khắp nơi. Tôi khóc nức nở sau rất nhiều lần khóc thầm, rồi quyết định phải đoạn tuyệt với tội lỗi, tích cực cải tạo để sớm được trở về chuộc lỗi. Tôi tham gia tất cả các hoạt động lao động sản xuất và đặc biệt là những hoạt động văn hoá văn nghệ của trại. Trong trại giam, anh em phạm nhân tự phong cho tôi là “nhà thơ của trại.”

3.Năm 1995, trong hội thi “Tiếng hát tình đời” dành cho phạm nhân các trại giam cả nước, Đức được cử làm đại diện cho anh em phạm nhân trại đọc một bài thơ tự mình sáng tác và diễn tấu hài. Tiết mục của Đức đã được chấm giải A. Đó cũng là một bước ngoặt của cuộc đời khiến Đức thêm quyết tâm: Phải trở thành người lương thiện. Đức được đặc xá, ra trước hạn 4 năm 10 tháng. Đầu tiên, anh gác tất cả mọi việc lại để cai nghiện, cắt đứt với tất cả những mối quan hệ giang hồ trước kia, rồi ra đồng làm một túp lều tự giam mình trong đó.

Cai nghiện xong, vợ chồng bàn nhau ra chợ Ngũ Hiệp xin mở quán bán nước đêm. Từ đó, Đức chuyên đi làm MC cho các đám cưới. Năm 2001, Nguyễn Tích Đức cho ra đời tập truyện thơ hàng nghìn câu “Giang hồ rẽ lối” do NXB Thanh Niên ấn hành, với bút danh Đức Tân, cuốn sách được tái bản năm 2004, được đưa vào hầu hết các trại giam trên toàn quốc. Khi đó, Đức đã bán cả chiếc xe máy của mình để lấy tiền mua sách tặng bạn bè. Tâm nguyện của anh là để mọi người cùng đọc và chia sẻ, ai đi vào con đường lầm lạc thì hãy tỉnh ngộ. Anh cũng mong đó là “liều thuốc” cho tuổi trẻ, đừng vấp ngã khi lựa chọn cho mình cuộc sống mưa sinh. Bởi tuổi trẻ của mỗi người thực sự rất ngắn ngủi. Nguyễn Tích Đức rất thấm thía và khuyên giới trẻ đừng nên phạm sai lầm để tước đi những điều quý giá nhất của mình. Cùng năm đó, Đức đã gửi “hồ sơ” của mình là cuốn sách “Giang hồ rẽ lối”, những bài báo, hàng trăm bức thư của độc giả về Đài Truyền hình Việt Nam để xin tham gia chương trình “Người xây tổ ấm”. Chẳng có lý do gì khiến những người làm chương trình lại chần chừ trước nhân vật dày đặc thành tích bất hảo này tự nguyện thuật lại chuyện đời mình. Sau chương trình này, Đức Tân nhận thêm hàng trăm bức thư chia sẻ của độc giả từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Nguyễn Tích Đức cũng đã giúp đỡ được một số người dân ở vùng Đông Mỹ khỏi bị trấn lột, cướp của. Anh cũng được cán bộ xã Đông Mỹ cấp đất làm nhà. Giờ tuy con cái đã trưởng thành, nhưng cuộc sống của anh khó khăn, vì bệnh tật vẫn đang hoành hành vợ chồng anh. Anh khoe với tôi, những ngày còn ở trong trại giam, anh làm đến gần trăm bài thơ. Trong đó, bài “Thăm lại Phú Sơn” là ước mơ của anh sau này được trở lại trại rất cảm động. Bây giờ, Nguyễn Tích Đức “Yêu quê mơ ước sống đời thi nhân”. Những ngày này, anh vẫn sống, ngẫm nghĩ về quãng đời lầm lỗi của mình và sáng tác những bài thơ bắt nguồn từ một con tim ăn năn, muốn chuộc lỗi với gia đình, với đời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Khánh Thảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN