"Hội chứng" bị cáo bỗng dưng... tâm thần

Thời gian qua, có nhiều vụ án khi phạm tội đối tượng là người hoàn toàn bình thường, nhưng khi bị cơ quan tố tụng xử lý, họ bỗng nhiên mang bệnh... tâm thần. Thực trạng trên diễn ra ngày càng nhiều và gây lo lắng cho xã hội, nhất là trong hoàn cảnh tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đang gia tăng.

Gây án xong mới... tâm thần

Hiện nay, dư luận vẫn đang bức xúc về vụ Vũ Văn Quỳnh – nguyên thượng sĩ Công an huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng có hành vi dâm ô với hàng loạt trẻ em. Đối tượng Quỳnh sau đó bị tước quân tịch và bị khởi tố về hành vi phạm tội của mình. Nhưng cuối tháng 1 vừa qua, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP. Hải Phòng có bản kết luận về việc giám định tâm thần đối với Vũ Văn Quỳnh. Theo đó, Quỳnh mắc bệnh tâm thần, cụ thể là loại bệnh rối loạn trong ưa chuộng tình dục.

Với kết luận trên, dư luận không khỏi băn khoăn bởi tại sao với một trạng thái sức khỏe tinh thần như vậy, Quỳnh vẫn lọt được vào ngành công an (bởi đặc thù của ngành này khâu kiểm tra sức khỏe thực hiện hết sức nghiêm ngặt).

Vào tháng 9/2012, TAND TP. Hà Nội đưa nhóm bị cáo có hành vi giết người xảy ra ở phố Văn Cao ra xét xử. Tuy nhiên, khi phiên xử mới bắt đầu, Trần Văn Hiền (SN 1992, ở Lệ Thủy, Quảng Bình) - một trong số các bị cáo - được người nhà xuất trình giấy chứng nhận bị tâm thần. Đây là tình huống bất ngờ khiến Hội đồng xét xử phải tạm dừng để hội ý. Vì là tình tiết phát sinh nên tòa đã phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo một thẩm phán TAND TP.Hà Nội, có không ít vụ án khi ra tòa, người nhà bất ngờ xuất trình giấy chứng nhận bị cáo bị tâm thần, trong khi trong hồ sơ điều tra, truy tố của đối tượng trước đó không hề có. Nhiều phiên tòa đã phải hoãn để điều tra bổ sung, vừa làm mất thời gian, tốn công sức của nhiều người, nhiều cơ quan, vừa làm giảm lòng tin của người dân đối với cơ quan công quyền.  

Liên quan đến tiêu cực xảy ra ở Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, ông Ngô Lê Phong - Trưởng khoa Khám bệnh, ủy viên Tổ chức giám định pháp y tâm thần đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ để thu lợi. Ông Phong bị Sở Y tế Hải Dương kỷ luật hình thức cảnh cáo, thời hạn thi hành kỷ luật là 12 tháng và cho chuyển công tác khác. Còn ông Phạm Công Lạng - Bí thư chi bộ, Giám đốc Bệnh viện, với trọng trách là người đứng đầu, để xảy ra tiêu cực ở đơn vị, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, Sở Y tế Hải Dương đã đề nghị Tỉnh ủy xem xét.

Một vụ án gây xôn xao khác là vụ trùm thuốc lắc Dư Kim Dũng (SN 1969) ở quận Lê Chân, Hải Phòng. Ngày 20/7/2010, TAND Tối cao đã mở phiên toà xét xử phúc thẩm đường dây ma túy tổng hợp đặc biệt nghiêm trọng và lớn nhất cả nước do Dư Kim Dũng (tức Dũng “tình”) cầm đầu với hành vi mua bán 88 bánh heroin (tương đương hơn 29kg).

Bị cáo Dũng đã bị TAND TP.Hải Phòng tuyên án tử hình. Tuy nhiên, đến phiên phúc thẩm, bị cáo được giảm xuống còn án chung thân. Tình tiết để Dũng “tình” được giảm án là bị mắc bệnh tâm thần. Điều này suốt cả quá trình điều tra, truy tố và xử sơ thẩm không hề được đề cập (?!).

Mới đây, TAND TP.Hà Nội cũng phải hoãn phiên tòa xét xử đối với bị cáo Trần Đức Mậu - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng thủy lợi 4 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiêm Giám đốc Chi nhánh Miền Trung và Giám đốc Ban điều hành công trình Thủy điện Sông Tranh 2, bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản. Lý do hoãn phiên tòa là vì bị cáo bị tâm thần, phải có người giám hộ và người giám hộ chưa được tống đạt cáo trạng.

Giấy chứng nhận tâm thần: Cần là có

Bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người đi xuất khẩu lao động với số tiền nhiều tỷ đồng, vào tháng 5/2012, khi ra tòa, Lê Đăng Lưu (SN 1964) - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Hợp tác đầu tư quốc tế (Định Công, Hà Nội) bất ngờ xuất trình giấy chứng nhận tâm thần.

Sau khi điều tra bổ sung, cơ quan công an khẳng định: Bản nhận xét và giấy chứng nhận tâm thần trong hồ sơ giám định của bị cáo Lưu đều do vợ bị cáo đi nhờ cơ quan y tế ở Hà Tĩnh (quê bị cáo) xác nhận. Tháng 4/2010, bị cáo mới có hồ sơ bệnh án tâm thần, trong khi thời gian thực hiện hành vi lừa đảo là năm 2007, và bị khởi tố vào năm 2008, cho nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Mới đây, báo chí đã phanh phui sai phạm của Bệnh viện Tâm thần Hải Dương với đường dây mua bán bệnh án tâm thần. Chỉ cần chi ra 3 – 8 triệu đồng, người có nhu cầu sẽ có ngay bệnh án tâm thần. Và chỉ mất khoảng 10 phút, người đang khỏe mạnh sẽ “biến” thành... người tâm thần. Dư luận xôn xao và lo lắng không biết đã có bao nhiêu giấy chứng nhận tâm thần từ đây được sử dụng. Nếu không bị phanh phui sớm, việc mua bán loại bệnh án này sẽ ngày càng “góp sức” đe dọa sự an toàn của xã hội.

Đối với một đối tượng phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, nếu họ hoặc người nhà xuất trình giấy tờ có tiền sử bệnh tâm thần, cơ quan điều tra phải tiến hành xác minh. Sau đó đối tượng này được đưa đi giám định lại. Có 3 cơ quan được phép giám định, đó là giám định pháp y tâm thần T.Ư, giám định pháp y tâm thần thuộc Bộ Quốc phòng và giám định pháp y tâm thần địa phương. Trong trường hợp kết quả vênh nhau, sẽ lấy kết quả của cơ quan T.Ư làm căn cứ.

Khi phát hiện bị can có biểu hiện bệnh tâm thần thì cơ quan điều tra phải chủ động theo dõi và báo cáo để đưa đối tượng đi giám định. Kết quả giám định sẽ là căn cứ để vụ án tiếp tục hay đình chỉ.

Kiểm sát viên Trịnh Nhật Diệu (Viện KSND TP. Hà Nội)

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, người phạm tội có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ở đây, luật không quy định được giảm bao nhiêu so với mức định khung mà linh hoạt. Đây là điều phù hợp với thực tế, bởi bệnh tâm thần cũng có nhiều dạng, được phân theo các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, với đối tượng phạm tội đã có tiền sử tâm thần thì là một nhẽ, nhưng hiện nay nhiều vụ án, sau khi phạm tội đối tượng mới có biểu hiện tâm thần.

Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Việc bị can, bị cáo bị tâm thần sau khi gây án xảy ra tương đối nhiều. Tôi cũng không dám chắc có hay không việc chạy chọt trong khi đi giám định bệnh án tâm thần để làm sai lệch bệnh án. Nhưng qua thực tế nhiều vụ án tôi thấy cần phải xem xét vấn đề này từ nhiều góc độ: Trước khi gây án, trong quá trình điều tra, tạm giam tạm giữ, tại ngoại hay khi ra tòa, bị can, bị cáo đó có bị tâm thần thật hay không? Vì vậy, các cơ quan tố tụng cần làm chặt chẽ với vấn đề này, đặc biệt là trong công tác giám định.

Ông Lê Văn Sử (Viện KSND Tối cao)

Lương Kết - Thắng Quang (ghi) 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lương Kết (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN