“Hiệp sĩ Sài Gòn” bị người yêu bỏ vì mê... bắt cướp

Sự kiện: Tin pháp luật

Những chiếc xe máy vòng vèo trong hẻm sâu, tiếng máy xe gầm rú đinh tai, tiếng hô “cướp, cướp, cướp”... Những pha bắt cướp của “hiệp sĩ đường phố” Lâm Hiếu Long cùng các thành viên trong đội Săn bắt cướp TP.HCM chẳng khác gì cảnh phim hành động gay cấn.

“Hiệp sĩ Sài Gòn” bị người yêu bỏ vì mê... bắt cướp - 1

Lâm Hiếu Long cùng các thành viên trong đội. ảnh: TG

Suýt mất mạng vì săn bắt cướp

Vẻ mặt hiền lành, nước da trắng cùng giọng nói nhỏ nhẹ, chẳng ai nghĩ rằng Lâm Hiếu Long (SN 1990, TP.HCM) lại là một “hiệp sĩ đường phố” nổi tiếng với những pha bắt cướp táo tợn.

Chàng trai này đã làm công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” suốt hơn 10 năm nay. Long hiện là Đội trưởng của Đội săn bắt cướp TP.HCM với 10 thành viên và rất nhiều cộng tác viên.

"Chúng tôi mỗi người một nghề, một tính cách nhưng lại có điểm chung là đam mê bắt cướp, giống như có sẵn trong máu vậy.

Nhiều khi không biết mình làm vì điều gì, có lợi lộc gì, đôi khi còn bị nhiều người nói là “ngu” nhưng cứ thấy người bị giật đồ té ngã chúng tôi lại không cầm được lòng. Lúc đó, chẳng suy nghĩ gì nữa, lao xe ra đường và hành động thôi", Long chia sẻ.

Chỉ bằng vài ba thứ dụng cụ đơn giản như dây thắt, dây trói cùng sự gan dạ, dũng cảm, Lâm Hiếu Long và đồng đội đã phá trên 300 vụ cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, bắt hàng trăm tội phạm, trả lại nhiều tài sản cho người dân.

Bản thân Lâm Hiếu Long cũng đã nhận được 15 Bằng khen của chính quyền các cấp, trong đó có 3 Bằng khen của lực lượng công an TP.HCM.

Long bắt đầu câu chuyện bằng những vụ săn bắt cướp giống như một bộ phim hành động gay cấn. Đó là vào ngày 29/04/2010, Long cùng một “hiệp sĩ” đi trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình thì phát hiện 2 thanh niên giật túi xách của cặp vợ chồng vừa ra từ một nhà hàng tiệc cưới.

Phát hiện sự việc, nhóm của Long nhập cuộc truy đuổi. Hai tên cướp chạy bạt mạng vào khu vực đồng ruộng vắng vẻ, Long rú ga lao theo còn người bạn đi cùng bị tụt lại phía sau.

“Lúc đó, hai đối tượng ngã xe, nhảy xuống sông tìm đường tẩu thoát. Tôi cũng lao xuống. Tên cầm lái leo lên gò đất, bỏ chạy thoát thân. Tôi ôm chặt, giằng co với tên còn lại dưới sông, khoảng năm phút thì khống chế được, thu giữ tang vật là chiếc túi xách của nạn nhân. Giờ nghĩ lại vẫn còn sợ, khi đó mình cũng liều lĩnh. Lỡ đối tượng có dao thì đã bỏ mạng dưới sông, trong đêm vắng đó rồi”, Long chia sẻ.

Khi được hỏi trong quá trình tham gia bắt cướp Long có sợ bị đối tượng nhớ mặt và trả thù hay không, Long không ngại ngần đáp lại: “Trong suy nghĩ của tôi nếu đã sợ thì đừng nên làm. Làm công việc này, không tránh khỏi việc kẻ xấu trả thù, có vài ba vết thương trên người. Chỉ cần mình bình tĩnh xử lý, khôn khéo hành động là không sao hết”, Long khẳng định.

Long cũng cho biết, mình cũng từng suýt mất mạng khi tham gia công việc này. Đó vào tháng 5/2012, khi đó Long đang tham gia vào nhóm “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Minh Tiến.

Vào thời điểm đó, Long cùng một số thành viên trong đội đang lái xe máy đi trên đường Song Hành (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM) xảy ra va quệt với 4 thanh niên trên 2 xe máy đang chạy xe ngược chiều.

Lời qua tiếng lại nhưng cả hai bên kìm chế được nên bỏ đi. Sau khi đưa 2 cô gái về nhà, 2 thanh niên chạy xe đến chặn đầu xe Long và một thành viên khác trong đội. Thanh niên ngồi trước la lớn "lấy dao đâm nó đi", chưa dứt lời thì thanh niên ngồi sau dùng dao thủ sẵn trên tay đâm mạnh vào vùng bụng trái của Long.

“Lần đó, tôi nhập viện trong tình trạng sốc giảm thể tích, mất máu nhiều do vết thương đâm thấu bụng. Nhát dao đâm thủng mạch máu ruột già đại tràng, chỉ cấp cứu chậm chừng 30 phút là tôi đã nguy hiểm đến tính mạng. Tôi biết đó không phải là một vụ va chạm thông thường...” - Long vẫn còn nhớ như in sự việc ngày hôm đó.

Bị người yêu bỏ vì mải bắt cướp

“Hiệp sĩ Sài Gòn” bị người yêu bỏ vì mê... bắt cướp - 2

Lâm Hiếu Long trong một lần bắt cướp cùng thành viên trong nhóm

Trước những hành động nghĩa hiệp mà các chàng trai của đội Săn bắt cướp TP.HCM thực hiện trong suốt thời gian qua, có nhiều người dân trong nước, thậm chí ở hải ngoại đã liên hệ đề nghị được hỗ trợ bằng tiền bạc, trả chi phí sửa xe, tặng đồ bảo hộ...

Nhưng niềm vui đối với những “hiệp sĩ đường phố” ấy chỉ là nụ cười của người bị hại khi nhận lại đồ từ tay các anh, là những lời cảm ơn, lời động viên của những người luôn tin yêu và ủng hộ các anh.

Đối với Long, điều trăn trở nhất đối với anh trong suốt quãng thời gian tham gia bắt cướp đó chính là gia đình và cô bạn gái cũ.

“Nơi mình muốn và cần nhận được sự động viên nhất thì lại không được. Bố mẹ tôi chưa bao giờ ủng hộ công việc mà tôi đang làm vì cho rằng “nó quá nguy hiểm và không phải nhiệm vụ của mình”. Ngay cả người yêu cũ của tôi cũng chia tay tôi vì điều này” nét mặt của chàng trai ấy trùng xuống, đôi mắt ngấn lệ.

Năm 2013, sau một thời gian hoạt động, Long cùng anh em trong đội lập lên Fanpage với tên gọi “Đội săn bắt cướp TP.HCM”. Fanpage là nơi để đăng các clip về cướp giật, giúp bà con cảnh giác và cũng để tiếp nhận thông tin về tội phạm. Hiện fanpage của Long đã có trên 170.000 người thích.

Long cũng công bố số điện thoại của mình lên trên Fanpage để mọi người có thể báo tội phạm. Số điện thoại của Long dường như đã trở thành số đường dây nóng, tố giác tội phạm. Mỗi ngày anh nhận từ 15 - 30 cuộc điện thoại người dân trình báo bị cướp, cướp giật, trộm cắp...

Theo Long, điều kiện để các đối tượng ra tay trộm cướp chính là do sự sơ hở của người dân.

“Ở Sài Gòn do nhận được nhiều sự cảnh báo nên người dân cũng đã có sự cẩn trọng hơn với tài sản của mình. Tuy nhiên, khi tôi đến một số thành phố như Nha Trang, Hà Nội,... tôi thấy người dân hơi bất cẩn, họ thoải mái nghe điện thoại khi đang đi xe, đeo túi xách bên vai, mang theo rất nhiều trang sức có giá trị khi ra đường. Chính những điều đó khiến cho các tên trộm cướp có cơ hội được lộng hành”, “hiệp sĩ” Lâm Hiếu Long cho biết.

Long cũng cho biết thêm, hiện nay thủ đoạn của bọn cướp ngày càng tinh vi, táo tợn. Khi ra ngoài đường, chúng thường dàn cảnh một vụ va chạm xe cộ, một vụ đánh nhau hoặc lợi dụng những sơ hở của người dân để cướp giật chiếm đoạt tài sản.

Hay có một số đối tượng thì thường hay đóng giả là nhân viên tiếp thị, bán hàng đến các hộ gia đình; lợi dụng việc ở ghép trong các khu trọ sinh viên hay việc rao bán các vật dụng có giá trị trên mạng... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Hiệp sĩ” Lâm Hiếu Long chia sẻ về cách nhận diện các đối tượng trộm cướp khi đi trên đường: Các đối tượng tội phạm khi đi trên đường để “rình mồi” thường đi xe đã được độ, chế. Các đối tượng này liên tục quan sát xung quanh và khi phát hiện được con mồi chúng thường tập trung bám theo 1 mục tiêu.

Chúng giữ khoảng cách không chạy nhanh vượt qua mục tiêu, cũng không đi chậm quá để chờ “con mồi” sơ hở thì ra tay.

Do vậy người dân khi ra đường nên cẩn trọng với tài sản của mình, hạn chế đeo nữ trang, chỉ nghe điện thoại lúc cần thiết và khi nghe nên tấp vào lề, quay mặt ra ngoài để tiện việc quan sát.

Khi xảy ra cướp giật nên bình tĩnh tri hô thật lớn để nhiều người biết hỗ trợ và báo với chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều tra.

'Hiệp sĩ' gặp lại 'cố nhân' từng 4 lần bị bắt giữ

Nghi can gây nhiều vụ trộm cắp tài sản bị nhóm “hiệp sĩ” bắt giữ. Điều đặc biệt, đây là lần thứ 4 mà các “hiệp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Oanh (Gia đình & Xã hội)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN