Hành trình "cải tà quy chính" của ông trùm tổ chức tội phạm khét tiếng TQ

Vào những năm tháng đẹp nhất ở độ tuổi 20, cuộc sống của cựu thủ lĩnh Hội Tam Hoàng khét tiếng chìm đắm trong ma túy, cướp bóc, giết người. Một thập kỷ sau đó, chính ông lại trở thành người cứu rỗi cuộc đời những tên tội phạm.

Họ là những con người từng một thời lầm lỡ với tội ác tưởng chừng khó lòng tha thứ và đã phải trá giá bằng những tháng ngày trừng phạt trong tù. Sống ở ranh giới mong manh giữa cái thiện và cái ác, họ vẫn có thể tìm được chút ánh sáng còn sót lại của lương tri để rồi khát khao làm lại cuộc đời tiếp tục trỗi dậy. Loạt bài “Con đường hoàn lương của những tội phạm khét tiếng” sẽ phần nào lột tả những câu chuyện đầy nỗi đau nhưng cũng không ít niềm hạnh phúc ấy.

Hành trình "cải tà quy chính" của ông trùm tổ chức tội phạm khét tiếng TQ - 1

Lee Fai Ping không bao giờ có thể quên được những tháng ngày gia nhập tổ chức tội phạm khét tiếng Hội Tam Hoàng.

Câu chuyện của Lee Fai Ping một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng bất cứ con đường nào dù tối tăm đến đâu cũng đều sẽ có ánh sáng ở phía trước nếu bạn nỗ lực bước tiếp.

Quyền lực, tiền và gái

Sinh ra ở Quảng Đông, lên 5 tuổi, cậu bé Lee phải chuyển đến Cửu Long Thành - đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) sống dựa vào người chú mà không biết rằng những năm sau đó là quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời mình khi sống trong một khu ổ chuột và trở thành một “đứa trẻ đường phố” bị bắt nạt bởi bạn bè cùng lứa.

Giờ đây, khi đang ở dốc bên kia cuộc đời, Lee vẫn thẳng thắn chia sẻ động cơ gia nhập băng đảng Hội Tam Hoàng vì những hấp lực của quyền lực, "tiền và gái" đối với một  thanh niên vốn lớn lên trong cảnh nghèo đói và thường bị “đè đầu cưỡi cổ”.

"Cuộc sống lúc đó khá vui”, ông nói. “Tôi có tiền và sự tự do nên đã rất thích quãng thời gian đó."

Những năm 1970, ở độ tuổi 20, Lee có tất cả mọi thứ. Ông kiếm được rất nhiều tiền nhờ buôn bán ma túy, cướp bóc, giết người, ông trở nên rất “xảo quyệt và tàn nhẫn”.

Ở tuổi 23, Lee Fai Ping bắt đầu sử dụng heroin và chuyện đi tù diễn ra như cơm bữa.  Trong giai đoạn này ông  vào tù ra tội khoảng 10 lần vì cướp bóc, buôn ma túy và tống tiền. Ông cũng kiếm tiền từ việc hành nghề ma cô.

“Mỗi lần ra tù, tôi đều muốn làm một người tốt hơn, nhưng đồng bọn luôn cố dụ dỗ tôi", Lee nói.

Nhiều khi nhìn về tương lai mờ mịt của mình, ông trở nên tuyệt vọng đến mức từng treo cổ tự tử trong tù nhưng lần đó, sợi dây đã bị đứt. Sau này, Lee đã phải cảm ơn ngày hôm đó bởi nếu không ông đã chẳng có cơ hội làm lại.

“Sau ngày tự tử hụt ấy, tôi cứ nghe văng vẳng đâu đó một giọng nói rằng “nếu ngươi có sức để tự kết liễu đời mình thì sao không dùng nó để giúp kẻ khác?", ông cho hay.

Hạnh phúc giản đơn của một kẻ tội đồ

Lee mất 6 tháng điều trị khắc nghiệt tại trung tâm cai nghiện và cuối cùng cũng thành công. Ông xin được việc làm tại một cửa hàng hải sản ở Tây Hoàn. “Khi tôi nhận khoản lương đầu tiên, khoảng 300 USD Hong Kong, tôi hạnh phúc đến phát khóc", ông nói.

Bước sang tuổi 30, Lee không quên câu nói văng vẳng năm xưa và trở thành tình nguyện viên tại chính trung tâm đã giúp ông cai nghiện. Lee giúp những thành viên trẻ của Hội Tam Hoàng và các con nghiện khác từ bỏ ma túy.

“Điều những người trẻ tuổi cần nhất là ai đó quan tâm đến họ và theo một nghĩa nào đó, đi cùng họ".

"Khi họ mới vào trung tâm, họ như những bộ xương di động, thiếu sức sống. Tôi hạnh phúc khi họ trở nên tốt hơn. Điều đó khiến tôi rất thỏa mãn. Tôi đối xử với những người đến đây như thể họ là con của chính mình. Tôi nghĩ rằng phương pháp tốt nhất là luôn luôn dạy bằng ví dụ”.

Thế nhưng không phải ai vào trung tâm cũng thành công trong việc bỏ ma túy. Thật đau lòng khi chuyện này xảy ra.

Lee vẫn giữ một bộ ảnh từ những ngày còn ở Hội Tam Hoàng ghi lại cảnh ông và đồng bọn thử nhiều loại ma túy. Ông vẫn trò chuyện với những người bạn còn dính líu đến tội phạm và đôi khi vẫn bắt gặp họ trên đường khi đi qua các khu vực như Vượng Giác.

“Tôi luôn khuyên họ bỏ lối sống đó đi. Họ sẽ không cãi tôi, nhưng họ bảo đây chưa phải lúc", ông nói. "Ngay cả khi tôi đã từ bỏ con đường tội lỗi, tôi không cho rằng tôi tốt hơn họ".

Lee làm việc với những người nghiện hơn 30 năm cho đến khi ông nghỉ hưu vào tháng 8/2016. Ông có một gia đình tuyệt vời với vợ và con trai. Hạnh phúc hơn, ông đã được Chính phủ Hồng Kông chính thức ghi nhận và tuyên dương những nỗ lực và thành quả của mình.

-----------

Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo của loạt bài Con đường hoàn lương của những tội phạm khét tiếng vào 4h ngày 17/8/2017.

Trùm thuốc lắc và cái giá phải trả cho giấc mơ hoàn lương

Đằng sau thành công của triệu phú Anh là câu chuyện đặc biệt. Nó như lời nhắn cho những ai từng lầm lỡ muốn hoàn lương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh (Theo SCMP, The Cabin Hongkong) ([Tên nguồn])
Cuộc sống trong tù của những tên tội phạm khét tiếng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN