Đằng sau trò “phù phép” hàng trăm tỷ của Giang Kim Đạt

Việc bắt Giang Kim Đạt (cựu Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines, đối tượng chiếm đoạt 400 tỉ đồng) sau 5 năm bị truy nã quốc tế là một trong những chiến công xuất sắc của lực lượng Công an Việt Nam thời gian qua.

“Quan tham” đào tẩu          

Như ĐS&PL đưa tin, ngày 14/7, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) đã thông báo kết quả điều tra ban đầu hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt và đồng phạm trong vụ án tham nhũng tại Vinashin, tham ô 18,6 triệu USD của Nhà nước. Việc bắt Giang Kim Đạt là chiến công xuất sắc của lực lượng công an. Điều đáng chú ý chính là hành trình gần 2.000 ngày đêm vây bắt “con cá lớn” Giang Kim Đạt ngoài lãnh thổ Việt Nam của lực lượng công an. Được biết, trước đó, Đạt đã bỏ trốn sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác. Trong hành trình truy bắt có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ công tác của Tổng cục An ninh với lực lượng bảo vệ pháp luật của nước bạn và tổ chức Cảnh sát quốc tế - Interpol, từ đó đã phát hiện và xác định Đạt sống một thời gian ở Singapore.

Đằng sau trò “phù phép” hàng trăm tỷ của Giang Kim Đạt - 1

Giang Kim Đạt bị bắt ngày 7/7 tại Singapore sau hơn 1.800 ngày trốn nã. (Ảnh: Công an Nhân dân).

Tại đây, Đạt đã mua một căn hộ cao cấp với giá 3,6 triệu USD. Trước sự truy bắt gắt gao của Công an Việt Nam và cơ quan bảo vệ pháp luật nước bạn, “con cá lớn” đã lộ diện. Các trinh sát xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo bộ Công an, quyết định “cất lưới” vào 7/7/2015, kết thúc gần 2.000 ngày đêm kiên trì truy bắt Giang Kim Đạt.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên các đối tượng tẩu thoát ra nước ngoài để trốn tránh sự trừng trị của pháp luật. Trước Giang Kim Đạt, dư luận từng ghi nhận không ít trường hợp tương tự. Dính líu tới nhiều vụ án và lo sợ sẽ phải “bóc lịch” trong tù, có “quan tham”, lãnh đạo doanh nghiệpđã tìm cách vượt biên trốn ra nước ngoài để thoát tội. Tuy nhiên, nhiều vụ tẩu thoát đã không thành.

Có thể kể đến đại án tham nhũng liên quan đến Dương Chí Dũng – cựu Cục trưởng cục Hàng hải, cựu Chủ tịch Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Kế hoạch đào tẩu của Dương Chí Dũng được lên kế hoạch chi tiết, với sự trợ giúp của người em trai Dương Tự Trọng và một số đối tượng khác. Dũng được em trai đưa sang Campuchia, sau đó bay sang Singapore bằng hộ chiếu giả để làm thủ tục qua Mỹ. Tuy nhiên, vụ trốn thoát bất thành, Dương Chí Dũng bị Công an Campuchia và Việt Nam bắt giữ để đưa về nước xử lý sau gần 4 tháng lẩn trốn.

Cũng tham vọng “cao chạy xa bay” nơi trời Tây hòng thoát tội, Huỳnh Thị Huyền Như – “siêu lừa” trong một đại án tham nhũng khác, đã làm sẵn visa đi Mỹ. Thế nhưng, khi mưu đồ chưa được thực hiện, Huyền Như đã bị bắt. Trước công đường, Như khai chi ra 18 tỉ đồng làm visa đi Mỹ để đi du lịch, nhưng chưa thực hiện ý định thì bị bắt. Theo cáo trạng, vào tháng 7/2011, “siêu lừa” Huyền Như có đưa trước cho một người phụ nữ 500.000 USD để làm thẻ xanh vào quốc gia này, nhưng do còn vướng mắc giấy tờ nên chưa làm được. Cũng chính vì thế mà khi mọi chuyện bại lộ, Huyền Như bị bắt giữ khi chưa kịp trốn ra nước ngoài như kế hoạch. Trả lời trước hội đồng xét xử, bị cáo vẫn một mực khai rằng chỉ nghĩ là đi du lịch chứ không có ý định bỏ trốn.

Điều gì ẩn sau những vụ “phù phép” để trục lợi hàng trăm tỷ đồng?

Liên quan đến việc Giang Kim Đạt bị bắt, PV báo ĐS&PL cũng đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia pháp lý để làm rõ hơn hành vi phạm tội của đối tượng này. Đặc biệt là những lo ngại về các đối tượng tham nhũng tìm đủ mọi thủ đoạn để chạy trốn và tẩu tán tài sản.

Theo luật sư Lê Cao (công ty Luật hợp danh FDVN, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng), chỉ với vị trí Trưởng phòng Kinh doanh của một doanh nghiệp Nhà nước nhưng Giang Kim Đạt có thể chiếm đoạt tài sản lớn như vậy đã gây không ít hoang mang cho nhiều người. “Chuyện bắt Giang Kim Đạt, ngoài việc chứng minh được các hành vi phạm pháp của bị can, điều quan trọng là phải tìm ra điều gì ẩn sau câu chuyện tham ô tưởng chừng rất đơn giản đó. Tôi nghĩ rằng, không thể một mình Giang Kim Đạt “phù phép” tiền bạc để trục lợi với số tiền lớn như vậy. Vì thế, cần cẩn trọng điều tra xem vì sao tiền bạc bị chiếm đoạt dễ dàng thế, hệ thống cơ chế quản lý điều hành các DNNN ra sao và quan trọng là những ai phải cùng chịu trách nhiệm”, luật sư Cao nói.

Trao đổi thêm với PV báo ĐS&PL, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đặt nghi vấn, tại sao vụ việc xảy ra nhiều năm đến nay mới được phát giác? Sự việc còn cho thấy lỗ hổng về công tác quản lý cán bộ, vấn đề minh bạch về tài sản của cán bộ... “Người ta đã “đánh cắp” hàng tỉ đồng tiền thuế của nhân dân mà chúng ta không quản lý được. Đây là điều quá đau lòng”, ông Vũ Quốc Hùng nhận định.

Trong khi đó, phân tích hành vi bỏ trốn ra nước ngoài hòng tẩu thoát của các “quan tham”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên (đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, pháp luật hình sự nước ta nhân đạo với người phạm tội biết ăn năn hối cải, lập công chuộc tội, thành tâm khắc phục hậu quả, nhưng cũng nghiêm trị người phạm tội ngoan cố, chống đối, gây khó khăn, cản trở công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Đại tá Nguyễn Quang Bình, Trưởng phòng Truy nã tội phạm (PC52 - Công an tỉnh Sơn La), cho biết: “Các đối tượng bị truy nã có điều kiện kinh tế, có thân nhân ở nước ngoài, chọn trốn ra nước ngoài là điều tất yếu. Nếu đối tượng trốn ra nước ngoài bằng đường tiểu ngạch (dựa vào mạng lưới của mình, có sự hỗ trợ của người dân hai nước sinh sống tại các địa phương vùng giáp biên – PV) rất khó phát hiện. Để hạn chế được tình trạng này, trước hết chúng ta cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường biên các xã biên giới, thậm chí là các sân bay để có thể phát hiện đối tượng đang bị truy nã. Thứ hai, phối hợp với lực lượng Interpol để truy bắt. Hiện nay, các đối tượng truy nã trốn ra nước ngoài nếu có dấu hiệu tẩu tán tài sản, đều tích lũy bằng USD hoặc vàng gửi tại các ngân hàng nước ngoài, hoặc mang theo người, nên rất khó ngăn chặn.

Cũng liên quan vấn đề này, Đại tá Trần Đình Hương, Trưởng phòng Truy nã tội phạm (PC52 - Công an TP. Đà Nẵng) chia sẻ:  “Biện pháp ngăn chặn là cấm nhập, cấm xuất nhập cảnh khi đã có quyết định khởi tố bị can hay quyết định truy nã thì thường làm việc với bên xuất nhập cảnh để cấm xuất cảnh ra nước ngoài. Tuy vậy, cũng rất khó, bởi nếu đi theo đường cửa khẩu chính thức thì đối tượng bị giữ lại, nhưng nếu đối tượng đi theo đường không chính thức thì rất khó kiểm soát. Một điều nữa là nhiều khi công văn của các đơn vị đến cửa khẩu không kịp thời được, thì nhiều nguy cơ đối tượng đã tẩu thoát trước nhất là những người có điều kiện. Hiện tại, hệ thống pháp luật của mình còn lỏng, nên việc tẩu tán tài sản như kiểu không đứng tên tài sản, mà cho người khác đứng tên thì khó xử lý”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm phóng viên (Đời sống & Pháp luật)
Quá nhiều sai phạm ở Vinashin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN